18/04/2020 - 07:18

Tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt 

Kể từ khi xây dựng mô hình bóng đá chuyên nghiệp gần 20 năm trước, nền bóng đá Việt Nam luôn tồn tại sự bất hợp lý ở các giải đấu quốc nội, bởi kết cấu “hình tháp ngược” khi giải Vô địch quốc gia (V.League 1) có số đội nhiều hơn giải hạng Nhất quốc gia (V.League 2) và các giải thấp hơn. Tuy nhiên, điều này đã có sự thay đổi theo quyết định điều chỉnh mới đây của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Cầu thủ XSKT Cần Thơ gặp Phố Hiến ở trận đấu cuối cùng mùa giải hạng Nhất quốc gia 2019, khi Phố Hiến đã giành vé lên V.League 2020. Từ mùa giải 2021, giải hạng Nhất cũng sẽ có 14 đội, thay vì chỉ 12 đội như hiện nay.

Theo thông báo của VFF, trên cơ sở được sự đồng thuận cao từ các CLB nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát triển phong trào, VFF quyết định điều chỉnh quy hoạch số lượng đội tham dự giải Vô địch quốc gia, hạng Nhất quốc gia và hạng Nhì quốc gia giai đoạn 2021-2023. Theo đó, cả ba giải này đều có 14 đội tham dự. Bắt đầu từ mùa giải 2020, đội xếp thứ 12 tại giải bóng đá hạng Nhất quốc gia sẽ xuống thi đấu tại giải hạng Nhì quốc gia vào năm 2021 và giải bóng đá hạng Nhì quốc gia sẽ có 3 đội được lên hạng, thi đấu tại giải bóng đá hạng Nhất quốc gia vào năm 2021.

VFF cho rằng việc tăng số đội giải hạng Nhất quốc gia và điều chỉnh số lượng đội tại giải hạng Nhì sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tăng chất lượng các giải đấu, đúng với lộ trình quy hoạch số lượng đội bóng tại các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp quốc gia từ năm 2021. Bên cạnh đó, tăng số lượng đội thi đấu tại giải hạng Nhất và hạng Nhì cũng giúp cho đội tuyển quốc gia có thêm nhiều cơ hội tuyển chọn nhân tài bên cạnh giải vô địch quốc gia.

Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo ra tính ổn định, sự phát triển cũng như hệ thống có tính kế thừa. Bởi việc nâng số lượng ở hạng Nhất lên 14 đội đã xóa bỏ điểm nghịch lý vốn đã tồn tại nhiều năm qua. Từ mùa giải 2015, V.League đã “quy hoạch” đủ 14 CLB, nhưng số đội tham dự giải hạng Nhất cứ trồi sụt một cách thất thường. Năm 2016, giải hạng Nhất có 10 đội bóng, nhưng sang năm 2017 đã giảm xuống 7 đội. Đến mùa giải gần nhất là năm 2019, giải hạng Nhất vọt lên 12 đội, trong khi hạng Nhì là 14 đội.

Ở hầu hết các nền bóng đá tiên tiến, các giải đấu hạng thấp hơn luôn có số đội tham dự nhiều hơn và được xem như là nền móng vững chắc, tạo sức cạnh tranh hấp dẫn cho cuộc đua tranh vé chơi ở giải cao nhất. Bởi những đội bóng chuyên nghiệp thật sự mới đủ sức tranh tài ở giải đấu cao nhất này. Còn với bóng đá nước ta, mô hình “tháp ngược” đã gây ra nhiều hệ lụy rất nan giải, như việc các CLB bị “buộc” lên chuyên nghiệp khi chưa chuẩn bị sẵn sàng dẫn đến giải thể chỉ sau một mùa giải, hoặc việc đổi tên, mua suất ở lại V.League... Vì thế, khi giải hạng Nhất, hạng Nhì được nâng lên con số 14 sẽ tạo ra sự cân bằng trong quá trình tổ chức thi đấu. Tính cạnh tranh, cống hiến và chất lượng có thể cũng được nâng lên, tránh cảnh giải hạng Nhất bị coi là “chợ chiều”, còn giải hạng Nhì không khác giải phong trào.

Một khi số lượng các đội tham dự những hạng đấu có tính cân bằng sẽ tạo thêm điều kiện để cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn, là cơ hội cho số đông phát triển đủ sức lên giải chuyên nghiệp. Thế nên, quyết định của VFF có thể được xem là bước chuyển tích cực cho bóng đá Việt Nam, dù còn phải mất nhiều thời gian để xây dựng các giải đấu theo “hình tháp” như các nền bóng đá tiên tiến.

Bài, ảnh: NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết