Truyện ngắn: Hồng Như
Ở thành phố ngót cũng 10 năm nhưng Linh vẫn nhớ và giữ hoài những nếp quê. Khi có dịp tiếp khách, liên hoan với công ty hay tiệc tùng với bạn bè, Linh cũng đến những nhà hàng sang trọng, nhưng cứ tối về nhà, Linh lại vét nồi cơm nguội, bắc chảo, rang cơm. Với Linh, món cơm rang với cái hột vịt, ít hành tiêu luôn ngon và chắc bụng hơn bất kỳ món ăn nổi tiếng nào trong thực đơn của các nhà hàng năm sao.
Bởi vậy, cứ chục ngày nửa tháng là ba má ở quê lại đóng gói một thùng to, nào cá, trứng, rau, trái và ti tỉ những thứ lặt vặt khác gửi lên cho Linh. Thời gian đầu, Linh sợ ba má cực, lại thấy bất tiện khi phải canh chành xe từ quê lên để đi nhận cho kịp giờ xe quay đầu, nhưng lâu dần, cô thấy cần vô cùng những thùng rau trái quê nhà và thương cảm giác mở thùng hàng, để đón nhận những tình cảm vô vàn từ gia đình.
Có khi trong thùng ba má ghi chú này là mấy cái bánh ít, đòn bánh tét đám giỗ nhà bác gửi cho; có khi là mấy trái xoài non, em trai đòi gửi cho chị hai chấm mắm đường; có khi là cả hộp tôm sú ngon, ba mua tại vuông nhà hàng xóm... Dù là món gì, má cũng gói giấy, gói lá chuối một cách cẩn thận, để có đi qua gần 300km đường xe, mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên, tươi ngon.
Bao lần nhận, nhưng những khi Linh đi công tác đây đó, mua đặc sản gửi về, má hay nói: “Ở nhà có thiếu gì đâu, bây gửi chi cho tốn”. Ba cũng nói vọng vào: “Ðồ bây gửi, ba má nếm cho biết vị, chớ lần sau đừng tốn kém”. Mà thật, những món cao cấp thường làm quà ở phố như yến sào, sữa dinh dưỡng, các loại bánh nhập khẩu, trái cây sấy... Linh gửi về, ba má thử chút thôi, chỉ có tụi nhỏ trong nhà hào hứng. Nhưng tụi nhỏ vẫn không bỏ thói quen xúm xít ăn bánh tai yến má làm, hay ra vườn bẻ trái xoài chín cây, mớ ổi sẻ những trưa hè...
Thùng quà Linh đang gói, dự định chiều mang ra bến xe gửi về nhà cũng vậy, Linh biết tụi nhỏ sẽ thích lắm và thể nào ba má cũng lại la: “Gửi chi tốn kém”. Biết vậy nhưng cô vẫn cứ đóng thùng, vì Linh muốn chia sẻ với gia đình những hộp bánh Trung thu muôn vẻ, muôn vị, đủ phong cách mà các đối tác, khách hàng gửi tặng Linh. Tặng bánh Trung thu như một cách cảm ơn và giữ mối quan hệ trong công việc dường như là một nét văn hóa của ở thành phố, mà khi đi làm, nhận được hộp bánh Trung thu đầu tiên từ công ty, Linh mới biết. Ðợt ấy, cô cùng các chị đồng nghiệp sau giờ làm thì tụ lại nói về Trung thu ở quê và ở phố.
Linh kể:
- Tầm đầu tháng 8 là má em đã chuẩn bị mua bánh in, bánh pía. Phần nào để cúng trăng, cúng ông bà thì má sẽ dành riêng, phần nào mua ăn thì má cắt nhỏ để vào hộp. Em với mấy đứa nhỏ, cứ chạy ra chạy vô là mở hộp lấy bánh nên bị má la miết.
- Mà chị nghe nói người miền Tây không thích ăn bánh Trung thu, đúng không em?
Linh bật cười trước câu hỏi của chị đồng nghiệp:
- Nói vậy cũng không đúng. Tụi nhỏ với lớp trẻ thì tò mò, thích ăn nhưng ông bà, ba má lớn tuổi thì quen hơn với bánh in, bánh pía. Mà em đồ chắc là người lớn nói vậy để nhường cho sắp nhỏ ăn bánh Trung thu thỏa thích thôi, vì bánh Trung thu, nhất là bánh thập cẩm, giá mắc hơn các loại khác...
Linh kể thêm về nếp nhà Linh, thường má Linh sẽ tự tay làm chiếc bánh in cúng trăng, nặng gần 1 ký, to tròn cỡ 3 gang tay. Bánh làm từ bột nếp trắng tinh, nhồi với đường cát, nước cốt dừa rồi đúc trong khuôn tròn, có khắc hình rồng, phượng, hoa sen hoặc trắng trơn. Ðêm rằm tháng Tám, mâm cúng trăng nhà Linh là chiếc bánh trăng to, tròn vành vạnh, tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn và mùa màng bội thu.
Có lần Linh và mấy đứa nhỏ tụm lại hỏi bà:
- Sao nhà mình không có mâm cỗ? Tụi con đọc trong sách, Trung thu người ta thường làm mâm cỗ cúng trăng, trẻ con sẽ được phá cỗ...
- Phong tục mỗi nơi mỗi khác con ạ. Ðêm rằm tháng Tám, người quê mình cũng bày đủ lễ vật cúng trăng như trái cây, nhang đèn, trà, bánh. Ðợi khi cúng xong, khi tụi con thấy trăng tròn ngay trên đỉnh đầu, bà sẽ dọn lễ, chia bánh - lời giải thích nhẹ nhàng, trìu mến của bà đã làm tụi nhỏ cười tít mắt.
Và rồi, những thú vui khác trong đêm trăng tròn quê nhà đủ để sắp nhỏ quên đi hình ảnh mâm cỗ. Thả thuyền trên sông là trò Linh nhớ mãi. Vì là chị lớn, vai lớn trong nhà nên khi mấy đứa em, mấy đứa cháu xếp thuyền, gắn đèn cầy xong, Linh sẽ mang xuống bến nước trước nhà, đốt đèn cầy và thả. Ðêm rằm, cả con sông trước nhà rực sáng. Những con thuyền xếp bằng giấy thủ công nhiều màu sắc, kèm ánh đèn cầy lập lòe, lững lờ trôi mãi theo dòng ký ức của những đứa trẻ quê.
Thi thoảng, khi thấy những chiếc lồng đèn hiện đại, có đèn, có nhạc và đủ hình dáng, Linh lại nhớ về chiếc đèn lon mà Linh và mấy đứa em cứ tranh nhau kéo suốt mùa trăng. Chỉ cần 2 lon sữa bò rỗng, một vài ngọn nến nhỏ và ống tre thon, ba Linh đã đục đẽo và lắp ghép nên chiếc đèn Trung thu thật đẹp.
10 năm ở phố, Trung thu với Linh là cảm giác thoáng qua khi lướt dọc trên đường thấy những gian hàng bày bánh Trung thu từ đầu tháng 7 đến tận tháng 9 âm lịch. Có năm, Linh đi cùng bạn bè đến phố lồng đèn. Cô choáng ngợp trước không khí nhộn nhịp của dòng người; lồng đèn, đồ chơi, đồ trang trí Trung thu cũng đa dạng mẫu mã, màu sắc.
Tấm ảnh check-in, Linh chụp thật xinh - cô mặc váy trắng, đứng giữa rất nhiều chiếc lồng đèn đủ màu sắc, kiểu dáng nhưng ánh mắt vẫn tìm chiếc đèn lon ngày xưa...
* * *
Thùng bánh Trung thu dự định gửi về, Linh đã đóng xong. Nhưng thôi, cô không gửi nữa. Mùa trăng này Linh sẽ về nhà, mang cả bánh và những nhớ thương để đoàn viên cùng ba má và các em. Linh cũng sẽ nếm lại những mềm, dẻo, ngọt, thơm của chiếc bánh trăng do má làm. Nghĩ tới mùa trăng êm đềm nơi quê nhà, Linh háo hức đặt xe về quê...
Trung thu này, Linh lại phụ má bày lễ cúng trăng; ngồi cùng ba bên bàn trà, nhâm nhi cái mềm tan của bánh in bột nếp rồi cùng tụi nhỏ thả thuyền, dệt sáng cả con sông quê.
Cầm điện thoại gọi về nhà, Linh nói như reo:
- Trung thu này, con về nha cả nhà ơi!