27/10/2020 - 08:23

Tìm thuốc chữa bệnh "tham nhũng" 

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Bài cuối: Ðể “cơ thể” luôn khỏe mạnh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”(*). Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, để phòng trừ “thứ giặc” này, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện, tự soi rọi, giữ gìn đạo đức công vụ. Trong đó, người đứng đầu càng phải gương mẫu. Bên cạnh đó, việc tạo một cơ chế đủ mạnh để hỗ trợ người đứng đầu và người thực thi công vụ trong công tác chống lại loại “giặc nội xâm” này cũng là vấn đề đang được đặt ra.

Hoàn thiện pháp luật về PCTN là góp phần rất lớn trong công cuộc PCTN. Trong ảnh: Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo Luật PCTN vào năm 2018.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Ðến xã Trường Thành, huyện Thới Lai, trong những năm gần đây, có thể nhận thấy bộ mặt xã nông thôn ngày càng đổi mới. Dọc bên con đường rộng rãi, sạch, đẹp là nhà cửa khang trang. Xã Trường Thành đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020. Ðể có kết quả trên, Bí thư Ðảng ủy xã đã nghiên cứu, thảo luận trong Ban Chấp hành Ðảng bộ xã và đi đến quyết định lãnh đạo, chỉ đạo cho UBND, các ban, ngành, đoàn thể xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ vườn tạp sang trồng sầu riêng, nhãn, vú sữa. Ðây là những loại cây ăn trái chủ lực của xã thời gian gần đây. Bên cạnh đó, xã còn hỗ trợ, vận động các hộ dân vào hợp tác xã và làm thủ tục đăng ký nguồn gốc xuất xứ đối với các loại trái cây này. Ðến nay toàn xã có trên 600ha vườn cây ăn trái và 2 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Vĩnh Anh, ấp Trường Tây, xã Trường Thành, cho biết: “Cán bộ xã, nhất là đồng chí Bí thư thường xuyên đến nhà động viên chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăm lo làm ăn. Do đó, từ khoảng 30 gốc sầu riêng trước đây đến nay tôi đã phát triển thêm 200 gốc sầu riêng Ri-6. Thu nhập của tôi trên 300 triệu đồng/năm, trừ chi phí thu lợi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài 12 công đất hiện nay, tôi dự kiến thuê thêm đất để trồng sầu riêng”.

Ông Trần Long Hồ, Bí thư xã Trường Thành, cho biết: “Hằng tháng, Ban Chấp hành Ðảng bộ họp đưa ra nghị quyết của tháng tới. Trong đó, những ý kiến đóng góp, ý tưởng phát triển địa phương đều có giải trình, đưa ra cơ sở đánh giá để thuyết phục ban chấp hành thống nhất. Người đứng đầu phải luôn lắng nghe, tiếp thu, phân tích, giải thích, công khai, minh bạch để quyết định đúng đắn và tạo được sự đồng thuận của tập thể vì lợi ích chung của địa phương”.

Ðể tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), Thành ủy Cần Thơ cũng đã ban hành nhiều quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; trách nhiệm nêu gương… Ðồng chí Lê Hoàng Thông, Phó Chánh Thanh tra thành phố, băn khoăn: “Qua thanh tra cho thấy, những sai phạm liên quan đất đai, tài chính là chủ yếu. Do công tác quản lý đất đai còn sơ hở, công tác quản lý tài chính kế toán chưa chặt chẽ, thiếu đối chiếu kiểm tra. Do đó, người đứng đầu phải luôn kỹ lưỡng, thận trọng đối với lĩnh vực mình quản lý”.

Theo đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trước hết và hơn ai hết phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Ðảng, trước nhân dân; phát huy vai trò, gương mẫu đi đầu, có quan điểm ứng xử đúng đắn, việc gì đúng thì phải bảo vệ, việc gì sai thì phải đấu tranh. Ðồng thời, phải quyết tâm, quyết đoán, chủ động chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, PCTN, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, hành vi bao che tham nhũng, các hành vi tiêu cực, tham nhũng ngay trong địa phương, cơ quan, đơn vị mình; sẵn sàng nhận và chịu trách nhiệm khi cơ quan, đơn vị do mình phụ trách xảy ra tham nhũng, tiêu cực và quyết tâm khắc phục, sửa chữa...

Cần thể chế đủ mạnh

Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng xác định đấu tranh PCTN, lãng phí là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do đó, không chỉ con người có quyết tâm là được mà cần có một thể chế đủ mạnh. Cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, các quy định của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải được hoàn thiện thì mới đảm bảo công tác PCTN, lãng phí có hiệu lực, hiệu quả.

Thành phố Cần Thơ thời gian qua đã sắp xếp, kiện toàn giảm 32 phòng chuyên môn thuộc 17 sở, ngành, 5 phòng thuộc chi cục, 53 đơn vị sự nghiệp, 33 điểm trường tiểu học, mầm non và 9 chi nhánh trung tâm phát triển quỹ đất quận, huyện; hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 136 ban chỉ đạo xuống còn 64 ban chỉ đạo; sáp nhập 3 phường thành 1 phường. Ðội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng được tinh giản, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo UBND TP Cần Thơ, việc sắp xếp này đã giúp bộ máy hoạt động của thành phố được thu gọn, từng đơn vị hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước còn gặp một số khó khăn nhất định, do một số văn bản liên quan đến tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị do Chính phủ, Bộ quản lý chuyên ngành ban hành chậm sửa đổi nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện nghị quyết của địa phương. Một số nội dung về chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa rõ ràng nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố, phải chờ hướng dẫn từ bộ, ngành chủ quản…

Ðối với những quy định về xử lý hành vi tham nhũng, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố còn gặp một số khó khăn do các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết về pháp luật, có mối quan hệ xã hội… thường lợi dụng những sơ hở của pháp luật, sự thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý để thực hiện hành vi phạm tội và dùng thủ đoạn rất tinh vi để đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, công tác giám định, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tài sản, ngân hàng… thường rất chậm, kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, giải quyết vụ án. Một vấn đề nữa là tội tham ô và nhận hối lộ khu vực ngoài nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm nên còn quan điểm khác nhau giữa 3 ngành tư pháp.

Ðồng quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Văn Beo, Khoa Luật Trường Ðại học Cần Thơ, cho biết: “Pháp luật về PCTN và pháp luật hình sự còn thiếu sự đồng nhất, cần khắc phục, như Luật PCTN nêu lên 12 hành vi tham nhũng, trong khi Bộ luật Hình sự chỉ quy định 7 tội danh về tham nhũng. Bên cạnh đó, có hành vi được xác định là hành vi tham nhũng theo quy định của Luật PCTN, nhưng không có chế tài hình sự và cũng không có chế tài hành chính cụ thể, riêng biệt nào để xử lý. Do đó, cần bổ sung thêm vào Bộ luật Hình sự 5 tội danh về tham nhũng để góp phần hoàn thiện các quy định về PCTN”.

Ðể công tác PCTN trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả, đồng chí Phạm Văn Hiểu yêu cầu các cấp ủy đảng đề cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiền phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN. Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thực sự vì Ðảng, vì dân, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ngoài ra, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, nhân dân và toàn xã hội trong công tác đấu tranh PCTN.

Ngày 13-4-2020, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và thực hành tiết kiệm trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong đó nêu 5 nhiệm vụ, giải pháp và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị đối với công tác PCTN, lãng phí. Các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ; kiểm soát tài sản, thu nhập, công khai, minh bạch trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao hiệu quả công tác giám định và thu hồi tài sản tham nhũng và phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và xã hội cũng được đặt ra để thành phố thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

-------

(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, t7, tr.362.

Bài 1: “Thuốc đắng” dã tật

Bài 2: “Liều thuốc” phục hồi

Chia sẻ bài viết