24/10/2020 - 18:47

Tìm thuốc chữa bệnh "tham nhũng" 

Bài, ảnh: SƠN HÀ

Từ Đại hội VI của Đảng đến nay, gần nhất là Văn kiện Đại hội XII của Đảng và cả dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đều xác định tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ cần được đẩy lùi. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, các cấp, các ngành trong cả nước rất quyết liệt trong công tác này, nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng được phanh phui, xử lý nghiêm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tại TP Cần Thơ, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, các cấp ủy đảng nâng cao nhận thức và thực hiện tốt hơn công tác phòng ngừa tham nhũng trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn âm ỉ xảy ra, cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

Bài 1: “Thuốc đắng” dã tật

Tham nhũng như là một căn bệnh nan y, ung nhọt của nó phá hủy những “tế bào khỏe mạnh”. Ðể ngăn chặn căn bệnh nan y này, biện pháp được đặt ra là phải phòng ngừa ngay từ đầu. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và cải cách hành chính từ bộ máy đến thủ tục đang được các ngành, các cấp của thành phố thực hiện ráo riết. Bên cạnh đó, việc xử lý các vụ việc tham nhũng cũng được đẩy mạnh.

Ban Nội chính Thành ủy tái kiểm tra Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố.

Ban Nội chính Thành ủy tái kiểm tra Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố. 

“Vắc- xin” phòng ngừa

“Mỗi lần có thông báo kiểm tra, giám sát, nhất là việc kiểm tra giám sát về PCTN, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đơn vị tập trung rà soát lại tất cả thủ tục, văn bản, quy trình, quy chế làm việc. Việc các cấp lãnh đạo kiểm tra, giám sát giúp đơn vị nâng cao ý thức trong thực thi nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn”. Ðó là lời nói chân thành của ông Hồ Văn Mẫn, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Cần Thơ, trong buổi tái kiểm tra về công tác nội chính, PCTN của Ban Nội chính Thành ủy tại đơn vị vào tháng 6-2020.

Ðiều này cho thấy, dù các cơ quan, đơn vị vẫn cố gắng làm tốt công việc của mình, nhưng nếu thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát thì sẽ dẫn đến chủ quan, lơ là trong công việc và dễ xảy ra những điều đáng tiếc. Vào đầu nhiệm kỳ, khi kiểm tra Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, Ban Nội chính Thành ủy đã nhắc nhở Trung tâm về công tác triển khai các văn bản có liên quan đến công tác PCTN; tự kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với nhân viên trong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; khắc phục việc chưa xây dựng kế hoạch định kỳ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng. Ðến khi tái kiểm tra, Trung tâm đã có những chuyển biến tích cực. Theo ông Hồ Văn Mẫn, các nhân viên đều được Trung tâm tập huấn chặt chẽ về công tác áp giá, chi trả, kiểm đếm thiệt hại… và luôn được nhắc nhở về tinh thần, thái độ làm việc đối với người dân khi giải phóng mặt bằng. Từ đó, nhân viên làm việc ngày càng có trách nhiệm. Việc chuyển đổi vị trí công tác cũng được Trung tâm xây dựng kế hoạch công khai, minh bạch, rõ ràng. Ðoàn kiểm tra ghi nhận những vấn đề đã được Trung tâm khắc phục và đề nghị Trung tâm phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa đối với công việc của nhân viên, không để xảy ra những vấn đề đáng tiếc.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy, cho biết: “Công tác kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính trong nhiệm kỳ qua đi vào chiều sâu, đã tiến hành kiểm tra, giám sát đến tận cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, phòng, ban nghiệp vụ các sở, ngành. Từ đó, có thể nhắc nhở, chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt công tác PCTN; nắm được những khó khăn, vướng mắc một cách thiết thực nhất của đội ngũ làm công tác chuyên môn để kịp thời có những tham mưu tháo gỡ, tránh những sai sót không đáng có. Bên cạnh đó, kiểm tra, giám sát cũng nhằm giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao ý thức phòng ngừa tham nhũng, hạn chế sự chủ quan, lơ là, nhất là đối với người đứng đầu”.   

Công tác thanh tra về trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác PCTN và thanh tra toàn diện về đất đai, tài chính… góp phần giúp TP Cần Thơ kiểm soát được những sai sót, kịp thời chấn chỉnh, hạn chế thấp nhất những thiệt hại xảy ra. Trong năm 2019 và 9 tháng năm 2020, thanh tra toàn thành phố đã thanh tra 40 cuộc về công tác PCTN. Ông Lê Hoàng Thông, Phó Chánh Thanh tra thành phố, cho biết: “Công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN thời gian qua cho thấy, các địa phương, đơn vị được thanh tra đã tổ thực hiện nghiêm túc; quan tâm công tác phổ biến, tuyên truyền về PCTN. Qua đó, nâng cao được nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về PCTN”.       

Bên cạnh đó, Thành ủy Cần Thơ luôn coi trọng vai trò PCTN của người dân. Thành ủy đã ban hành Quy định phối hợp, quan hệ công tác giữa Ban Nội chính Thành ủy với Ðảng đoàn Ủy ban MTTQVN thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố nhằm kịp thời tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, đề xuất của cử tri, đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên MTTQVN về công tác PCTN trên địa bàn thành phố. Ông Tống Văn Nhịn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, cho biết: “Thực hiện quy định phối hợp, MTTQVN các cấp của thành phố luôn động viên nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. MTTQVN các cấp còn thực hiện nghiêm quy trình về tiếp nhận, giải quyết tố cáo; thông qua các hoạt động tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh theo quy định, người dân đã mạnh dạn, thẳng thắn đóng góp ý kiến và nhận xét của mình đối với bản thân và gia đình những người giữ các chức vụ được lấy phiếu tín nhiệm”. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng cũng góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Mạnh tay xử lý

Theo Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2019, tại Cần Thơ chỉ số nội dung về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đã tăng lên đáng kể, từ 6,98 năm 2018 lên 7,54 năm 2019. Ðiều này cho thấy, cả hệ thống chính trị của Cần Thơ đã quyết liệt vào cuộc chống tham nhũng.

Vụ án nhận hối lộ của Thanh tra giao thông Sở Giao thông vận tải thành phố được phát hiện thông qua tin báo tố giác tội phạm xảy ra năm 2015 đã được xử lý nghiêm minh. Có 9 đối tượng, trong đó có 7 thanh tra giao thông, phải nhận lãnh mức án từ 7 năm đến tù chung thân về tội nhận hối lộ. Liên quan đến vụ án này, 7 đối tượng đưa hối lộ cũng bị Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều đưa ra xét xử vào tháng 8-2020 với mức phạt tiền từ 80-200 triệu đồng. Ðối với người đứng đầu Sở Giao thông vận tải để xảy ra vụ việc trên cũng bị xử lý nghiêm với hình thức cảnh cáo về mặt đảng và chuyển công tác khác. Phó Giám đốc Sở bị khiển trách về mặt đảng và cảnh cáo về mặt chính quyền; Chánh Thanh tra giao thông Sở bị cách chức về mặt đảng và chính quyền, đồng thời bị điều chuyển làm công tác khác.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, từ năm 2015 đến nay, Thanh tra toàn thành phố đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 4 vụ, 10 đối tượng làm thất thoát, chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng. Trong đó, có vụ vi phạm quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Bình Thủy. Sau khi có kết luận thanh tra, xác định công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn quận Bình Thủy trong thời gian qua có nhiều sơ hở, yếu kém. Các ngành chức năng quận Bình Thủy buông lỏng quản lý, cho phép một số hộ tách thửa, chia lô, nhằm hình thành khu dân cư tự phát, không đúng chủ trương của UBND TP Cần Thơ. Vụ việc được chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra. Cơ quan này đã khởi tố vụ án và khởi tố 5 bị can có liên quan vào cuối năm 2019.

Những sai phạm xảy ra của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố trong nhiệm kỳ qua, đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HÐND thành phố, những sai phạm, tiêu cực của một số cơ quan, đơn vị thời gian qua là có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, phải thẳng thắn nhìn nhận, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên tại một số cơ quan, đơn vị chưa được coi trọng đúng mức, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu chưa phát huy vai trò, trách nhiệm, chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu; quyết tâm chính trị không cao, buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát trong kiểm tra, giám sát, ý thức trong phòng ngừa tham nhũng chưa cao; chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh, phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm… Do đó, những cá nhân, tổ chức đó bị xử lý kỷ luật là điều khó tránh khỏi.

Từ tháng 12-2015 đến tháng 5-2020, thanh tra toàn thành phố đã triển khai 997 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm trên 125 tỉ đồng; kiến nghị thu hồi trên 106 tỉ đồng, kiến nghị xử lý khác trên 19 tỉ đồng (đã thu hồi trên 100 tỉ đồng). Các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét xử lý 27 tập thể với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, kỷ luật 23 cá nhân (5 khiển trách, 9 cảnh cáo, 7 hạ bậc lương, 1 giáng chức, 1 thôi việc) và 79 cá nhân với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm; đã kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.

(Còn tiếp)

Bài 2: “Liều thuốc” phục hồi

Chia sẻ bài viết