24/11/2017 - 10:42

Tìm lối ra cho sân khấu cải lương ĐBSCL
Bài cuối: Để sân khấu cải lương sáng đèn 

Như kiếp tằm thì mãi nhả tơ, những nghệ sĩ cải lương ở ĐBSCL dù đang đối đầu với nhiều khó khăn nhưng vẫn dốc lòng gìn giữ và quảng bá sân khấu cổ truyền phương Nam. Nhờ vậy mà cải lương đang được hồi sinh, cánh màn nhung đã rực rỡ ánh đèn, nghệ sĩ lại có dịp trải lòng cùng người mộ điệu.

Giữ nghề và truyền lửa

Từ tháng 5- 2017, vào ngày 17 hằng tháng, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang đều tổ chức chương trình “Dạ cổ tri âm” tại rạp hát Thầy Năm Tú- rạp hát cải lương đầu tiên của nước ta. Những trích đoạn “Lá sầu riêng”, “Tiếng trống Mê Linh”… được các nghệ sĩ thế hệ hôm nay biểu diễn một cách trân quý, trong sự say sưa của khán giả. Kinh phí tổ chức từ hoạt động của đoàn, nghĩa là các nghệ sĩ đã “nhường cơm xẻ áo” để sân khấu cải lương được sáng đèn. Bà Nguyễn Thị Tròn, người dân TP Mỹ Tho, nói: “Mấy nghệ sĩ trẻ bây giờ diễn cũng thiệt hay, coi lại mấy tuồng hồi xưa mà mê quá chừng”.

Đào tạo nhân tố trẻ là việc các đoàn cải lương cần làm để giúp sân khấu sáng đèn. Trong ảnh: Nhờ được chăm bồi, nghệ sĩ trẻ Lê Duy (phải) của Đoàn Cải lương Tây Đô vừa đoạt Huy chương Vàng tại Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc 2017 với vai Trần Thặng trong trích đoạn “Kẻ sĩ Thăng Long”. Ảnh: DUY KHÔI

Mô hình lớp dạy ca cổ ở Đoàn Văn công Đồng Tháp là cách làm hay. Phụ trách lớp là NSƯT Hải Yến, cô đào chính tài sắc, khi cải lương gặp khó đã sẵn lòng trở thành cô giáo. NSƯT Hải Yến  nói: “Tôi rất trân trọng công việc mới. Đây cũng là dịp mình rèn nghề và truyền nghệ thuật cải lương cho nhiều người”. Học viên của lớp có người là công chức, làm ngành điện lực, buôn bán… nhưng gặp nhau ở tình yêu cổ nhạc. Nhiều người đã có lối rẽ cho riêng mình, như trường hợp chị Nguyễn Thị Ngọc Huyền. Chị Huyền mê cải lương từ nhỏ, khi tham gia lớp học bộ lộc tố chất ca diễn tốt nên Đoàn Văn công Đồng Tháp nhận làm cộng tác viên. Ngọc Huyền xúc động: “Ước mơ được đứng trên sân khấu, được diễn cải lương của em đã thành sự thật. Từ nay em sẽ cố gắng để có thể gắn bó lâu dài với nghệ thuật mà mình yêu mến”.

Còn ở Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre, có một nghệ sĩ tuy không còn công tác ở Đoàn nhưng tình yêu dành cho cải lương vẫn luôn đong đầy, đó là NSƯT Tuyết Ngân. Chị đứng lớp dạy ca cổ, diễn cải lương cho người dân xứ Dừa. NSƯT Tuyết Ngân nói rằng: “Được hát là niềm vui nhất đời tôi. Mong muốn có một ngày quay lại sân khấu, diễn một vở diễn lớn dù có ngã quỵ trên sân khấu vẫn vui”. Nỗi niềm của chị khiến người mộ điệu ấm lòng.

Có dịp tham gia các chương trình về đờn ca tài tử, cải lương ở các trường: Đại học Tây Đô, Đại học Cần Thơ gần đây mới thấy, tâm huyết của những nghệ sĩ gạo cội đã lay động giới trẻ. Như đêm NSND Bạch Tuyết giao lưu với sinh viên Trường Đại học Tây Đô, những lời tâm tình về cải lương của nghệ sĩ thật hay: “Tôi không tin cải lương mai một. Tôi chưa bao giờ thấy cải lương đang điêu đứng. Ngược lại, tôi cho rằng cải lương đang sống rất khỏe trong lòng các bạn trẻ”. NSND Bạch Tuyết xác tín, cải lương đã ở trong tim, khối óc của người Nam bộ. Vấn đề là làm sao để các bạn trẻ được hiểu biết để yêu thương nghệ thuật truyền thống của ông cha.

Linh động để trụ vững

Truyền hình có cứu nổi cải lương?

Những năm gần đây, sân khấu cải lương đã được tìm lại và tôn vinh trên truyền hình, nổi bật là các chương trình dựng lại trọn vẹn vở diễn như “Hòa điệu đất chín Rồng”, “Ngân mãi Chuông vàng”. Bên cạnh đó là nhiều chương trình truyền hình thực tế: “Chuông vàng vọng cổ”, “Ai rành sáu câu”, “Đường đến danh ca vọng cổ”, “Tài tử tranh tài”… thu hút lượng khán giả khá lớn. Như nhận định của NSND Bạch Tuyết trong buổi giao lưu với sinh viên Trường Đại học Tây Đô: “Nếu như ngày xưa, mỗi đêm sân khấu sáng đèn có vài trăm người đến rạp thì bây giờ, chỉ cần mở tivi là có thể xem cải lương. Khán giả truyền hình phải nhiều hơn khán giả ở rạp gấp nhiều lần chứ”.

Đoàn Văn công Đồng Tháp vừa công diễn vở “Giọt máu người dưng”, diễn viên đa phần là nhân tố mới, trẻ. NSƯT Minh Mẫn- Trưởng đoàn Văn công Đồng Tháp, cho biết: “Có thời gian kép chính, đào chính đóng vai nhì thôi là không chịu, nhưng tôi đã nói chuyện với các anh chị và họ đã hiểu trong điều kiện cải lương gặp khó khăn thì mình phải làm bệ phóng cho lực lượng kế thừa”. Nhờ sự đoàn kết, chia sẻ ấy mà nay Đoàn Văn công Đồng Tháp đã có đến 6 NSƯT, nhiều nghệ sĩ đoạt giải cao ở các cuộc thi.

Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre cũng có nhiều cách làm hay trong đào tạo nhân lực kế thừa và nâng cao hiệu quả biểu diễn. Thời gian qua, đoàn đã dày công chọn lọc, đầu tư kịch bản nên có nhiều vở hay để thu hút khán giả. Ông Lư Phóng, Trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre, cho biết: “Mỗi năm đoàn đều xây dựng từ 1 đến 2 kịch bản, chú trọng kịch bản màu sắc. Tuy doanh thu biểu diễn còn khó nhưng chúng tôi cố gắng bởi đó chính là thước đo nghệ thuật xem khán giả có còn ủng hộ mình, ủng hộ cải lương hay không”.

Đoàn Cải lương Tây Đô vừa trở về từ Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch toàn quốc 2017 tại Đồng Nai với thành tích 1 Huy chương Vàng của nghệ sĩ Lê Duy, 1 Huy chương Bạc của nghệ sĩ Hồng Giang. Đây đều là những nghệ sĩ được đào tạo bài bản, được Nhà hát Tây Đô hỗ trợ trong làm nghề, thi diễn. Ngoài ra, ở Đoàn còn có nghệ sĩ Hồng Thủy, Phương Anh… cũng là những gương mặt trẻ tài năng, từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá của sân khấu cải lương. Chính việc chăm bồi nhân tố trẻ đã giúp Đoàn Cải lương Tây Đô có nhiều màu sắc hơn.

Thực tế cho thấy một số đoàn cải lương ở khu vực ĐBSCL trụ vững hiện nay còn nhờ sự quan tâm của địa phương. Ông Trương Quốc Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, cho biết: Từ năm 2008, Bến Tre đã có Đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật cải lương trên địa bàn với nhiều giải pháp xác thực, cụ thể. Hiện nay, Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre được trang bị về âm thanh, ánh sáng, phương tiện di chuyển… Đặc biệt, UBND tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng trụ sở mới cho đoàn với tổng kinh phí gần 15 tỉ đồng và dự kiến đến tháng 4-2018 sẽ hoàn thành. Sự quan tâm ấy đã hun đúc thêm tâm huyết cho nghệ sĩ.

Năm 2012, UBND tỉnh Đồng Tháp đã chủ trương cho Đoàn Văn công Đồng Tháp linh động trong hoạt động nghệ thuật và được tạo nguồn thu, với điều kiện phải giữ hoạt động của đội cải lương. NSƯT Minh Mẫn, Trưởng Đoàn Văn công Đồng Tháp, nhớ lại: “Đoàn có khu hậu cứ khang trang, vậy là ngoài cải lương, chúng tôi giống như một đơn vị tổ chức sự kiện. Lãnh đạo tỉnh cũng tin tưởng giao cho đoàn tổ chức hầu hết các chương trình, sự kiện của địa phương”. Hội trường đoàn ngoài giờ tập dượt và biểu diễn, còn được tận dụng cho thuê tổ chức tiệc cưới, mở các lớp dạy thể dục để đơn vị có thêm thu nhập. Các diễn viên, nghệ sĩ muốn trụ được với nghề trong điều kiện cải lương gặp khó đã sẵn sàng “đóng hai vai”: nhạc công thì thành thầy dạy đờn; diễn viên thành thầy dạy ca… Thậm chí, việc giặt trang phục sân khấu sau đêm diễn, nếu trước kia do tạp vụ làm thì giờ nghệ sĩ cùng làm. Chẳng ai chạnh lòng mà còn vui vì tiền tiết kiệm dùng đầu tư lại cho hoạt động nghệ thuật.

NSƯT Minh Mẫn cho biết thêm, trang phục sân khấu sử dụng 1-2 năm sẽ cũ, mục, bỏ thì phí nên đoàn lại mở dịch vụ cho thuê phục trang. Nhờ sự linh động này mà Đoàn Văn công Đồng Tháp đã “thoát nghèo”, mạnh dạn đầu tư trang phục, sân khấu… phục vụ khán giả tốt hơn.

***

Cứ ngồi mà than khổ, cải lương sẽ về đâu? Cải lương đang đứng trước nhiều khó khăn, song không phải không tìm thấy lối ra. Tìm lại thời hoàng kim của cải lương- đừng chỉ là khát vọng mà hãy là hành động của người làm nghề.

HUỲNH- THÔNG

Chia sẻ bài viết