22/11/2017 - 21:33

Tìm lối ra cho sân khấu cải lương ĐBSCL
Bài 1: Thăng trầm sau cánh màn nhung 

Khu vực ĐBSCL hiện chỉ có 6/13 địa phương có đoàn cải lương hoạt động độc lập, các địa phương còn lại hoặc không có hoặc hoạt động chung với Đoàn nghệ thuật tổng hợp. Qua rồi thời vàng son, sân khấu cải lương ĐBSCL hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát huy di sản dân tộc. Lối ra nào cho cải lương là vấn đề mà nhiều nghệ sĩ tâm huyết đau đáu tìm lời giải.

Đã có một thời sân khấu cải lương là thánh đường nghệ thuật, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nam bộ nói chung, ĐBSCL nói riêng. Nhưng hiện nay, cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn trong giữ chân nghệ sĩ, giữ chân khán giả với ước mong sân khấu mãi sáng đèn. Sau cánh màn nhung là biết bao nỗi niềm, ưu tư cho di sản cải lương.

Sự góp mặt của những nghệ sĩ thành danh trong các vở diễn luôn khiến khán giả thích thú. Trong ảnh: NSƯT Thanh Nam và NSƯT Thanh Ngân trong vở “Cơn mê cuối cùng” của Đoàn Cải lương nhân dân Kiên Giang. Ảnh: DUY KHÔI

 

“Nghe cải lương là đi coi đông nghẹt!”

Theo lịch sử cải lương Nam bộ, cải lương nhen nhóm hình thành từ những năm 1917-1918  và đến những năm 1922 trở đi thì dần hoàn thiện và phát triển. Tên gọi “Cải lương” ra đời từ năm 1920, bắt nguồn câu đối ngày khai trương rạp Tân Thinh: “CẢI cách hát ca theo tiến bộ. LƯƠNG truyền tuồng tích sánh văn minh”. Từ ấy, những nghệ sĩ tài danh ra đời, người Nam bộ có thêm một loại hình giải trí mới hấp dẫn và đậm bản sắc dân tộc.

Nói về thời kỳ vàng son của cải lương phải nói đến một loại hình báo chí gắn liền, đó là “Ký giả kịch trường”. Cố nghệ sĩ Năm Châu từng kể lại rằng: Ở Sài Gòn có trên 10 rạp cải lương, đêm nào cũng có hát, chưa kể miền Lục tỉnh Nam kỳ, từ Mỹ Tho dài xuống Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá. Nếu tin tức về cải lương lên báo thì không riêng gì khán giả mộ điệu sẽ mua báo theo dõi mà rất nhiều thành phần khác có liên hệ làm ăn với nghệ thuật sân khấu cũng cần tờ báo. Như vậy, từ những năm 1950, mảng thông tin văn nghệ trở thành trang yêu thích trên các tờ báo.

Thời hưng thịnh của những bậc thầy tuồng, đào chánh, kép chánh thế hệ tiên phong như Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền, NSND Tám Danh, NSND Phùng Há, nghệ sĩ Bảy Nhiêu, Năm Phỉ… được sử sách ghi lại rất nhiều. NSƯT Phương Hồng Thủy thì nhớ lại khoảng thời gian gần hơn, cách đây 30-40 năm, cải lương có một thời hoàng kim đáng nhớ. Mỗi ngày nghệ sĩ có thể hát 3 suất, bà con chen chân coi chật kín rạp, nghệ sĩ vì thế hát hết mình và cũng được người mộ điệu thương mến nhiều hơn. “Đó là hạnh phúc của nghệ sĩ”- NSƯT Phương Hồng Thủy nói.

Những người yêu mến nghệ thuật cải lương thời hoàng kim ấy giờ đây đa phần đã lớn tuổi nhưng mỗi lần nhắc lại là hồ hởi như chuyện mới hôm qua. Họ nhớ rõ từng tuồng tích, từng nghệ sĩ mà mình yêu mến. Tuổi hơn 80 nhưng bà Nguyễn Thị Nhiên (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) hào hứng: “Mấy tuồng như “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tiếng trống Mê Linh”… coi riết thuộc mà vẫn mê. Ghiền dữ lắm! Mê “Tiếng trống Mê Linh”, mê cô Thanh Nga, bởi vậy khi cô mất, tôi đi đám tang 3 ngày, chen lấn tới cái nón lá dẹp lép luôn”.

Còn chị em bà Trần Phú Thứ và Trần Thị Đẹt (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), cũng đã ngoài 80 tuổi, thì thể hiện tình yêu cải lương qua việc sưu tầm hình ảnh nghệ sĩ mấy chục năm qua. Với những nghệ sĩ hai cụ đặc biệt yêu thích thì bất cứ giá nào cũng phải sưu tầm, có khi thì đích thân tìm, có khi nhờ con cháu. Tất cả chỉ để thỏa lòng yêu mến cải lương. “Hồi xưa có đoàn hát là đi coi, đông nghẹt luôn. Minh Vương nè, Lệ Thủy nè… mê lắm”- cụ Đẹt rành “sáu câu” như thế.

Chạnh lòng…

Sự phát triển của công nghệ, các loại hình giải trí hiện đại, kéo theo thị hiếu của khán giả đã thay đổi, cải lương bị ảnh hưởng nhiều. Sân khấu đã vắng khán giả và người mộ điệu ít được nghe những giọng ca ngọt ngào quen thuộc, những tuồng tích, những vở cải lương vang bóng một thời. Bàn về nguyên nhân cải lương thoái trào, đạo diễn- NSƯT Hữu Lộc, đặt vấn đề: “Muốn cạnh tranh hoặc kéo khán giả thì tiền đâu? Từ đó cải lương xuống cấp, dần dần khán giả không còn mặn mòi với cải lương”. NSƯT Hữu Lộc đưa ra ví dụ hồi thời ông còn là Trưởng Đoàn nghệ thuật cải lương Long An, mỗi suất diễn có đến hàng ngàn khán giả đến xem. Nhưng hiện nay, chưa chắc được 100 người.

Do thiếu kịch bản cải lương hay nên nhiều chương trình chọn cách sử dụng kịch bản kinh điển. Trong ảnh: Thí sinh chương trình “Hạt ngọc mùa vàng” thi diễn vở “Nửa đời hương phấn” của Hà Triều- Hoa Phượng. Ảnh: DUY KHÔI

Đối với các Đoàn Cải lương ở miền Tây Nam bộ, khó khăn càng nhiều hơn, có nơi phải giải thể. Đoàn Cải lương Ánh Hồng, tỉnh Trà Vinh hay trước đó là Đoàn Cải lương Chuông Vàng, tỉnh Sóc Trăng là những ví dụ. Do điều kiện khó khăn, mới đây Đoàn Cải lương Ánh Hồng phải sáp nhập với Trung tâm Văn hóa tỉnh sau hơn nửa thế kỷ tồn tại. Một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nay phải “tầm gửi” vào đơn vị sự nghiệp chuyên phát triển nghệ thuật quần chúng, thử hỏi người làm nghề sao khỏi chạnh lòng?

Số lượng đoàn cải lương ở ĐBSCL còn trụ vững không nhiều và hoạt động chủ yếu đảm bảo hai mục tiêu: Diễn phục vụ nhân dân theo chỉ tiêu của HĐND tỉnh, thành và tham gia hội thi, hội diễn. Cụ thể, mỗi năm các đoàn thường biểu diễn khoảng 50-70 suất (tùy theo địa phương) để phục vụ khán giả. Trong những buổi biểu diễn đó, các nghệ sĩ cải lương đôi khi “kiêm” cả múa, ca nhạc, hát bè. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ tổ chức Cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 3 năm/lần nên hầu hết các đoàn cải lương của ĐBSCL 3 năm chỉ dựng 1 vở để thi. Sau cuộc thi, đoàn biểu diễn phục vụ nhân dân một vài buổi, thậm chí không có buổi nào.

Một điều đáng ngại của cải lương ĐBSCL là lực lượng nghệ sĩ kế thừa. Nhìn vào con số các cuộc thi cải lương, vọng cổ, những nghệ sĩ trẻ hoạt động ở các đoàn và nguồn từ các trường văn hóa- nghệ thuật, có vẻ khả quan nhưng thực chất không có mấy người thành công. Sau nhiều cuộc thi, rất nhiều người đoạt huy chương vàng, quán quân nhưng rồi… thôi. Sự “cào bằng”, “vui cả làng” là vấn nạn nhức nhối về thành tích ở các cuộc thi cải lương hiện nay. Điển hình như Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch 2017, có gần 50% thí sinh đoạt huy chương.

Một nguyên nhân nữa được giới làm nghề đưa ra là cải lương hiện tại thiếu kịch bản hay để tạo cảm hứng cho đạo diễn, diễn viên và thu hút khán giả. Đơn cử như trong Cuộc thi Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc vào cuối năm 2015 hay Cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu cải lương và dân ca kịch 2017 vừa kết thúc, các thí sinh toàn là “bổn cũ diễn lại”, một màu, rập khuôn. Các kịch bản mới, nếu có, không thu hút khán giả bởi sự cường điệu, mang nặng tính tuyên truyền; cách xử lý tình huống còn lỏng lẻo, sơ hở. Nhiều Đoàn Cải lương không đầu tư đội ngũ viết kịch bản, đạo diễn nên phải thuê mướn khiến cho nhiều vở có phong cách na ná nhau, không thúc đẩy sự sáng tạo của lực lượng làm nghề trong các đoàn.

*   *   *

Trước thực trạng này, nghệ sĩ ĐBSCL đã và đang làm gì để trụ vững với nghề, mang cải lương đến với người mộ điệu và trao truyền cho thế hệ trẻ? Những vấn đề này sẽ được giải đáp qua bài cuối: “Để sân khấu cải lương sáng đèn”. Mời quý độc giả theo dõi!

Bài cuối: Để sân khấu cải lương sáng đèn

HUỲNH- THÔNG

 

Chia sẻ bài viết