07/01/2021 - 09:00

Tìm lối đi mới, tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường 

Trong bối cảnh cạnh tranh thị trường gay gắt, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở TP Cần Thơ đã năng động, tìm những lối đi mới để nâng giá trị và tạo chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường. Cùng đó, ngành Nông nghiệp thành phố kịp thời triển khai nhiều dự án, kết hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo thuận lợi cho các HTX mở rộng quy mô, hình thành vùng chuyên canh nông sản an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Thành viên HTX nông nghiệp sạch Thạnh Ðạt, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh giới thiệu sản phẩm gạo Ðỏ đã được đóng gói bao bì hoàn thiện

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, xác định kinh tế hợp tác mà nòng cốt HTX là chủ thể quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã lồng ghép, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát kinh tế - xã hội địa phương, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị. Cùng đó, hỗ trợ cho các HTX tham gia vào các dự án sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ sản xuất, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông sản, thủy sản... Tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tham gia các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương trong cả nước, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng, tìm kiếm đối tác để kết nối thị trường tiêu thụ. Hiện, thành phố có 45/133 HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, từng bước khẳng định vị trí, vai trò kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường.

Ðổi mới phương thức hoạt động, để gia tăng giá trị, tạo chỗ đứng cho cá tra trên thị trường là hướng đi giúp HTX Nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, vừa tránh được những rủi ro thị trường, vừa mang lại thu nhập ổn định cho thành viên HTX. Ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi, chia sẻ: Nghề nuôi cá tra xuất khẩu “lúc thịnh, lúc suy”, bởi thị trường luôn biến động, người nuôi dễ bị thua lỗ và không có khả năng nuôi tiếp năm sau do thiếu vốn. Ðể khắc phục khó khăn này, Ban giám đốc HTX đã họp bàn và thống nhất phương án về việc ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với các công ty chế biến cá tra. Theo nội dung hợp đồng hợp tác mới, nhà máy chế biến cá tra sẽ cung cấp thức ăn, thuốc thú y, hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi và bao tiêu sản phẩm đầu ra; HTX tổ chức cho thành viên nuôi cá tra theo đúng quy trình an toàn, đáp ứng yêu cầu của công ty và sẽ hưởng giá trị trên cơ sở sản lượng và phần chi phí do tiết kiệm được trong quá trình nuôi.

Theo ông Huỳnh Thanh Bình, với cách làm mới này, HTX Nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi đã xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm cá tra, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hộ thành viên 500 triệu đồng/vụ. Ước tính, bình quân HTX giao cho các đối tác, công ty trên dưới 7.000 tấn cá tra/năm, doanh thu đạt từ 150-200 tỉ đồng/vụ nuôi, tùy thời điểm. Ðặc biệt năm 2020, nhu cầu xuất khẩu cá tra giảm do chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, nhưng HTX vẫn duy trì hoạt động nuôi cá tra, đảm bảo cung cấp sản lượng ổn định theo hợp đồng đã ký kết với các công ty, đạt doanh thu trên 192,8 tỉ đồng/năm, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ thành viên, vừa góp phần xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, an toàn với môi trường trên địa bàn thành phố.

Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng là cần nông sản an toàn, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, HTX nông nghiệp sạch Thạnh Ðạt, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh đã vận động 10 hộ thành viên và hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn xã cùng canh tác lúa Ðài thơm 8, lúa Ðỏ… theo hướng an toàn, với tổng diện tích trên 165ha. Cùng đó, HTX còn đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà kho có sức chứa trên 350 tấn, trang bị máy đóng gói bao bì, kết hợp xây dựng thương hiệu gạo sạch Thạnh Ðạt. Ông Trần Minh Tăng, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Thạnh Ðạt, cho biết: Hiện, sản phẩm gạo sạch Thạnh Ðạt của HTX có đầy đủ tem nhãn, bao bì… được xuất bán trên thị trường nhiều năm liền và được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài thành phố biết đến. Song, để tăng giá trị gạo sạch Thạnh Ðạt trên thị trường, ngoài đầu tư ứng dụng khoa học vào sản xuất lúa đạt năng suất và lợi nhuận cao, HTX sẽ tích cực tham gia các hội nghị, hội chợ nhằm quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, tạo niềm tin để nông dân vào HTX yên tâm sản xuất và có thu nhập ổn định.

Việc các HTX nông nghiệp năng động, tiên phong đổi mới phương thức hoạt động, tìm những lối đi mới trong liên kết với doanh nghiệp, không chỉ gia tăng giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên HTX, mà còn góp phần tạo diện mạo cho các xã nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững. Song để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX theo chiều sâu, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ HTX nông nghiệp tiếp cận được các chính sách ưu đãi của nhà nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, để phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường, bản thân HTX nông nghiệp cần chủ động, nắm bắt các xu hướng của thị trường, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tích cực huy động vốn từ thành viên, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, tiêu chuẩn vào sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu… để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, gia tăng thu nhập cho thành viên. Từ đó củng cố niềm tin trong nội bộ thành viên, tạo dựng uy tín với các đối tác và doanh nghiệp. Cùng đó, các sở, ban, ngành thành phố quan tâm và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, nhất là các mô hình điển hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, nông sản chủ lực của địa phương; quan tâm, hỗ trợ HTX tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng, xây dựng mối liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, hàng hóa… Qua đó, vừa tạo thuận lợi cho các HTX thực hiện tốt các dịch vụ cung ứng đầu vào và đầu ra, vừa hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất nông sản an toàn, phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết