21/08/2013 - 15:07

Tìm hướng hoàn thành các tiêu chí khó

Đầu tư xây dựng cầu trên địa bàn xã Đông Thắng,
huyện Cờ Đỏ.

Năm 2012, 36 xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn TP Cần Thơ đều có số lượng tiêu chí đạt tăng từ 1-5 tiêu chí trong tổng số 20 tiêu chí của Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Thực hiện Chương trình XDNTM TP Cần Thơ, các xã đa phần chỉ mới hoàn thành các tiêu chí “mềm”, còn các tiêu chí lớn, mang tính đột phá vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp.

“Đối đầu” các tiêu chí khó

Theo Ban Chỉ đạo Thực hiện Chương trình XDNTM TP Cần Thơ, so với năm 2010, việc thực hiện 20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM đã có bước chuyển biến đáng kể. Hiện TP Cần Thơ có 7 xã đạt từ 14-19 tiêu chí (tăng 7 xã), 19 xã đạt từ 9-13 tiêu chí (tăng 11 xã), 10 xã đạt từ 5-8 tiêu chí (giảm 2 xã) và không có xã nào đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 16 xã). Tuy nhiên, hầu hết các tiêu chí đạt được là những tiêu chí có vốn đầu tư ít như: giáo dục, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh trật tự xã hội… Các tiêu chí có vốn đầu tư lớn và mang tính “mở đường”, số xã đạt chuẩn rất thấp. Điển hình như: tiêu chí giao thông chỉ mới 3/36 xã đạt, trường học 4/36 xã, cơ sở vật chất văn hóa 5/36 xã, cơ cấu lao động và nhà ở dân cư 11/36 xã, thu nhập 14/36 xã…

Ông Nguyễn Hoàng Ba, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: “Cái khó nhất hiện nay là vốn đầu tư để thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí cần đầu tư vốn lớn. Chỉ tính riêng tiêu chí về trường học, huyện phải đầu tư hàng trăm tỉ đồng để đạt chuẩn tiêu chí XDNTM. Nguồn vốn này khó có thể huy động người dân trong khi nguồn tài trợ từ doanh nghiệp hết sức hạn chế…”. Theo ông Nguyễn Hoàng Ba, thời gian qua, các xã trên địa bàn huyện đã tập trung hoàn thành các tiêu chí “nằm trong khả năng” và ít tốn kinh phí. Các tiêu chí phức tạp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tỷ lệ đạt rất thấp và chưa mang tính bền vững. Theo một số xã XDNTM, với năng lực hiện có, các xã chỉ có thể phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông, thủy lợi còn các tiêu chí khác như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện… cần có sự tiếp sức từ ngân sách Nhà nước.

Thời gian qua, việc thực hiện tiêu chí giao thông và thủy lợi thông qua đầu tư nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông nông thôn, nạo vét kênh thủy lợi được sự đồng thuận và tích cực đóng góp từ phía người dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, hệ thống giao thông quy hoạch chưa đồng bộ nên việc đầu tư còn tự phát, chưa mang tính định hướng, gây khó khăn cho việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này. Hệ thống thủy lợi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nuôi thủy sản và sản xuất lúa vụ ba, đặc biệt là nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”. Song song đó, do chưa được đào tạo, tập huấn, lãnh đạo chủ chốt cấp xã cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tập hợp quần chúng, huy động sức người, sức của… trong khi không ít người dân vẫn chưa hình dung đầy đủ và nhận thức sâu sắc về XDNTM.

Gỡ khó thế nào?

Nhận diện được những khó khăn, các xã XDNTM trên địa bàn thành phố đã chủ động lên kế hoạch, vận dụng linh hoạt các giải pháp để từng bước hoàn thiện 20 tiêu chí, đặc biệt là nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Văn Bảy, Bí thư xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Bên cạnh việc lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xã tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Cần Thơ chung sức XDNTM”, phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng đường đẹp, ngõ đẹp, hiến đất để mở đường giao thông”. Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, xã xác định đầu tư phát triển sản xuất từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống là mấu chốt để vận động đóng góp XDNTM. Thạnh Thắng tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quy hoạch lại sản xuất theo hướng nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn”; nâng chất hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân…

Công cuộc XDNTM trên cả nước nói chung và TP Cần Thơ nói riêng 2 năm qua diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư thực hiện các tiêu chí vì thế cũng hạn chế. Song, theo đánh giá của ngành chức năng, cản ngại không chỉ nằm ở chỗ những tiêu chí cần đầu tư vốn lớn. Bởi nếu cứ giữ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đầu tư từ Nhà nước, việc thực hiện các tiêu chí không được tổ chức một cách toàn diện, khoa học thì dù có tiêu tốn nhiều tiền của, công sức… công cuộc XDNTM khó đạt kết quả như mong muốn. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Hơn ai hết, lãnh đạo các xã phải thay đổi tư duy trong cách nghĩ, cách làm. Vấn đề đóng góp XDNTM chẳng hạn, không phải doanh nghiệp cho địa phương bằng số tiền, hiện vật cụ thể thì mới được ghi nhận là đóng góp. Cần phải hiểu, bất kỳ doanh nghiệp nào đóng trên địa bàn, giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế ở địa phương nghĩa là họ đã chung tay vào công cuộc XDNTM”.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhóm tiêu chí cần có vốn đầu tư lớn như trường học, y tế, xóa nhà tạm… phải thực hiện từng bước và lâu dài. Vì vậy, mỗi xã cần cân nhắc trong việc chọn công trình thực sự cần thiết, ưu tiên đầu tư trước gắn với việc thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Đối với công cuộc XDNTM hiện nay, phát huy nội lực vẫn là giải pháp tối ưu nhất. Do đó, các xã cần tích cực huy động vốn trong dân, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn nhằm đa dạng hóa nguồn lực XDNTM... Để làm được điều này, công tác tuyên truyền XDNTM phải được đặt lên hàng đầu, bám sát phương châm “dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết