13/07/2017 - 19:33

Tìm hiểu tháng chay Ramadan của người Chăm ở An Giang

Đối với người Chăm sống ở Đồng bằng sông Cửu Long thì tháng chay Ramadan còn gọi là tháng nhịn ăn hoặc ép xác là một trong những thánh lễ quan trọng nhất, lớn nhất, thiêng liêng nhất. Đây là một tín điều bắt buộc, là một trong năm nghĩa vụ của một tín đồ khi thể hiện đức tin của mình với thánh Allah và tiên tri Mohammed.

Ramadan chính là tên gọi cho tháng thứ 9 của lịch Hồi giáo (lịch Hijra, tính từ ngày 1-9 đến 30-9). Trong khoảng thời gian một tháng tròn, từ lúc bình minh đến lúc sáng sớm khi con người bắt đầu phân biệt được ranh giới màu đen và màu trắng bằng mắt thường cho đến lúc mặt trời lặn. Tín đồ Hồi giáo đều không ăn, không uống, không hút thuốc, không động phòng, không làm chảy máu. Những tín đồ đạo Hồi kiên trì giữ giới luật chỉ ăn uống vào trước lúc bình minh và sau lúc mặt trời lặn. Nếu ai không thực hiện tốt các điều cấm này sẽ trở thành đối tượng để theo dõi và khiển trách. Những người già yếu, bệnh tật, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời kỳ cho con bú và người đi du lịch ở bên ngoài được cho là trường hợp ngoại lệ, song họ phải bù số ngày cần ăn chay bổ sung.

Thánh chay Ramadan là lễ hội lớn nhất trong năm, được tổ chức hết sức long trọng. Việc chuẩn bị thường được dự trù trước một tháng. Người Chăm ở Đồng bằng sông Cửu Long dù đang buôn bán, làm ăn ở xa cũng tranh thủ về nhà để chuẩn bị lễ. Họ rủ nhau đi tảo mộ người thân, nghĩa trang nằm trong vành đai Majid. Thánh đường thì được sửa chữa, sơn quết, quét vôi... để chuẩn bị vào lễ.

 

 Thiếu nữ Chăm vui Tết Roya.

Trước ngày vào lễ Ramadan, bà con trong xóm tụ họp lại bàn tính việc cùng nhau mua sắm bánh trái hoặc bò (tuyệt đối kiêng ăn thịt heo và chó, nên họ không nuôi những con vật này) để khi ra lễ sẽ cùng nhau liên hoan vui vẻ tại một căn nhà rộng rãi hoặc tại Thánh đường.

Thường vào ngày 27 tháng 8 người Chăm mở tiệc Arwah, đọc kinh và cầu nguyện. Bắt đầu từ đêm 1 tháng 9 lịch Hồi, chính thức vào tháng chay Ramadan, mọi người tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị thức ăn đêm, kiêng chuyện chăn gối vợ chồng, họ đến Surao hoặc Majid hành lễ. Mỗi ngày mọi người sẽ đi hành lễ 5 lần: SuBoh (rạng đông) là 4h30’, Zuhur (trưa) là 12h30’, Asar (chiều) là 15h30’, Magh-Rib (hoàng hôn) là 18h và I-Sha (tối) là 19h30’. Thứ sáu mỗi tuần bắt buộc mọi người phải tắm rửa sạch sẽ, sau khi tắm thì không cho bất cứ người nào chạm vào mình cho đến lúc vào đến Thánh đường.

Đúng 12h trưa, nam tín đồ tập trung đông đủ ở Thánh đường hành lễ gọi là HaGay Lum At (nữ không được vào Thánh đường), để tiến hành một buổi lễ thì ít nhất phải có 40 người tham gia. Họ quan niệm có như vậy thì Thượng đế mới chấp nhận buổi lễ. Thường thì buổi lễ kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Sau khi đã tập trung đông đủ, mọi người nghe giảng đạo đến 13 giờ thì bắt đầu hành lễ.

Người trực tiếp chủ trì buổi lễ là ông Cả chùa hoặc phó Cả chùa, Khotib thì đứng giảng cho tín đồ nghe về giáo luật bằng tiếng Chăm. Khi giảng đạo thì Khotib đứng trên bục giảng gọi là Minbar. Ở góc Thánh đường có cái tháp cao gọi là Manara, nơi FaLinl gióng chuông báo giờ hành lễ mỗi ngày. Sau đó có người Ymum điều khiển buổi lễ, vai trò của người này rất quan trọng, mọi người trong buổi lễ phải làm theo sự hướng dẫn của Ymum. Nếu người Ymum làm sai thì phải chịu hết tội lỗi của những tín đồ trong buổi lễ.

Mọi người hành lễ phải đứng ngay hàng thẳng lối và đồng loạt thực hiện các thao tác như khoanh tay trước ngực, hoặc ngồi để tay lên đùi, vuốt mặt hay cuối đầu sát đất với tất cả lòng thành kính của những tín đồ sùng đạo.

Hành lễ xong, bà con đọc kinh Koran hay nghe vị giáo cả giảng đạo ở nhà từng Puk (xóm), phụ nữ cũng tổ chức hành lễ như thế. Khi nghe tiếng trống dài báo hiệu, từng nhà đều trở dậy nấu cơm, họ ăn uống, hút thuốc lá khi tiếng trống ngắn vang lên thì ngưng hẳn, vào khoảng 4h30’ sáng. Đến 6h chiều, nam giới tập trung tại Majid, ở đây người ta nấu cháo vịt hoặc gà cho người nhịn ăn lót dạ, người nào cũng có phần và được nấu đãi đều đặn đến hết tháng chay Ramadan, cứ đúng mười ngày một lần tính theo ngày nhịn là ngày một lần đọc hết kinh Koran, chế độ chiêu đãi được tăng cao, có khi súp gà cùng bánh ngọt, những khoản tiền chiêu đãi được trích từ quỹ Thánh đường và các Agama đóng góp.

Tất cả mọi người kể cả ông Cả cũng đều mặc đồ truyền thống, vận chăn, đầu đội khăn trắng, áo chùng trắng, không trùm mặt.

Trong tháng chay tịnh, phần đông đồng bào Chăm vẫn lao động bình thường: phụ nữ vẫn dệt, vẫn may, phái nam vẫn ra sông tung chài bủa lưới. Đúng ba mươi ngày, khi thấy phía Tây có trăng non ló rạng, người ta ăn uống trở lại bình thường. Ngày lễ cuối cùng của tháng chay Ramadan được tổ chức thật trang nghiêm, người xướng lễ đọc những câu kinh gây xúc động, có khi người nghe phải rơi nước mắt. Họ cầu nguyện cho kẻ sống người chết được sự ân sủng của đức Allah và nguyện làm theo những lời mặc khải của người, trải qua một tháng nhịn đói, nhịn khát khiến người giàu sang dễ cảm thông và biết thương người nghèo khó. Sau buổi cầu kinh hành lễ, họ đến bắt tay nhau, ôm nhau chúc mừng và xin tha thứ cho nhau những điều lầm lỡ... với quan niệm, làm như vậy Thượng đế sẽ xóa hết mọi tội lỗi. Khi về nhà thì xin lỗi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, mình đã làm những điều không phải hàng ngày và cũng được tha tội.

Những ngày hội sau Thánh lễ được diễn ra trong ba ngày, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 10 theo Hồi lịch. Đây cũng là ngày hẹn truyền thống của những cộng đồng đồng bào Chăm theo Hồi giáo. Tất cả mọi người vì sinh kế, đi làm ăn phương xa đều trở về đoàn tụ với gia đình. Người Chăm ở Đồng bằng sông Cửu Long xem đây là những ngày vui nhất, nhà nào cũng sẵn sàng cơm nước, chuẩn bị đặc sản để đãi khách, bất kể thân hay lạ, gọi là tết Roya.

Vào ngày tết, toàn thể tín đồ đều phải lắng nghe ông Khotib nói lại sự tích ngày Thánh Ibram. Buổi tối trong ba ngày tết, dân chúng thường tổ chức thi đọc kinh Koran, và chấm giải nhất cho ai đọc hay và đọc thông suốt. Sau phần hành lễ, người Chăm thường tổ chức các cuộc vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao như ca hát, đua ghe... giống như Tết của người Việt. Đây là dịp để mọi người thăm viếng, vui chơi và chúc mừng, cầu nguyện điều lành cho nhau.

Bài, ảnh: TRẦN PHỎNG DIỀU

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
lữ hành