03/06/2015 - 13:54

Tìm giải pháp chính trị cho vấn đề IS

Arabie Séoudite từng "nổi tiếng" khi có tới 15 phần tử xuất thân từ nước này trong tổng số 19 tên không tặc tham gia cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Và ngày nay, theo Thời báo Los Angeles của Mỹ, vương quốc Vùng Vịnh giàu dầu mỏ này cũng đang đối mặt với sự trỗi dậy của các thế lực cực đoan bản địa và gia nhập vào nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoành hành tại Iraq và Syrie.

Gần 3 năm trước đây, một sinh viên đại học người Arabie Séoudite tên Badr đã xin hộ chiếu để đến Syrie và Iraq, nơi anh ta hy vọng có thể cùng hai người anh họ tham chiến với các tay súng IS.

Hiện những công dân Arabie Séoudite trẻ như Badr được xem là một phần của mối đe dọa cực đoan mới tại vương quốc giàu dầu mỏ này. Theo số liệu thống kê mới nhất, gần 2.300 công dân Arabie Séoudite được cho đã gia nhập hàng ngũ của IS cũng như các nhóm khác tại Syrie và Iraq. Hàng trăm người trong số này đã trở về nước, mang theo những kỹ năng chiến đấu được tôi luyện trên các chiến trường nước ngoài.

Lực lượng đặc nhiệm Arabie Séoudite trong một bài tập chống khủng bố. Ảnh: LA

Mối nguy cực đoan tại Arabie Séoudite ngày càng rõ nét hơn khi IS tuyên bố nhận trách nhiệm vụ hai vụ tấn công tự sát mới đây khiến 25 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương, mà chủ yếu nhằm vào người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số bị IS xem là "những kẻ bội giáo".

Hiện Arabie Séoudite đang dần trở thành nạn nhân của cuộc xung đột sắc tộc không chỉ nhằm vào các dân tộc thiểu số người Hồi giáo dòng Shiite mà còn các gia đình quý tộc được cho tham nhũng, áp bức và có mối quan hệ mật thiết với Mỹ và phương Tây. Chính quyền Riyadh hiện đang là mục tiêu của một nhóm từng tuyên bố khôi phục "Đế chế Hồi giáo" như IS. Theo thiếu tướng Mansour al-Turki, người phát ngôn Bộ Nội vụ Arabie Séoudite, gần 400 người đã bị bắt do bị tình nghi thiết lập các mạng lưới cũng như triển khai các cuộc tấn công dưới danh nghĩa thành viên của IS hồi năm ngoái mà hầu hết trong số họ là công dân Arabie Séoudite.

Sự phát triển của lực lượng cực đoan tại Arabie Séoudite chứng tỏ ảnh hưởng của IS ngày càng lớn và có thể xâm nhập vào bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Khi đến Paris (Pháp) tham dự hội nghị quốc tế chống IS ngày 2-6, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho rằng "sự bành trướng" của nhóm này là một thất bại của thế giới. Ông phàn nàn liên quân quốc tế tham gia chống IS do Mỹ dẫn đầu chưa hỗ trợ đủ cho chiến dịch không kích tại Iraq.

Tuy nhiên, đã có dư luận nhận định thế giới cần điều chỉnh chiến lược chống IS, tức không chỉ bằng hành động quân sự mà cần thêm giải pháp chính trị nhân cuộc họp của liên quân chống IS tại Paris. Chính giới chức Mỹ đã cảnh báo cuộc chiến chống lại IS không chỉ cần có một chiến lược quân sự thành công. Trong cuộc phỏng vấn với France 24 của Pháp mới đây, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama bên cạnh liên minh toàn cầu chống IS, ông John Allen cho hay, để làm suy yếu IS, các vấn đề chính trị phải được giải quyết. "Chúng ta phải đối phó với các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế và tôn giáo bởi vì cuối cùng, sự tập trung của các vấn đề này sẽ tạo ra một môi trường nơi một tổ chức như IS có thể tìm thấy sự gắn kết và mục đích của mình" – ông nói.

TRÍ VĂN (Theo LA, France 24, AFP)

Chia sẻ bài viết