15/06/2016 - 15:18

Tiểu đường kết hợp bệnh tim làm tăng nguy cơ tử vong

Tác động kết hợp của tiểu đường típ 2 và bệnh động mạch vành có thể làm tăng nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân tiểu đường, theo nghiên cứu vừa được công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ mới đây.

Trong thử nghiệm quy mô lớn mang tên EXAMINE, Tiến sĩ William B. White ở Trung tâm Y tế Đại học Connecticut cùng các đồng nghiệp tại 898 viện y khoa trên toàn cầu đã quan sát tác động của thuốc trị tiểu đường Alogliptin trên 5.380 bệnh nhân mắc tiểu đường típ 2 và bị Hội chứng động mạch vành cấp tính (ACS) nhưng không tử vong – chẳng hạn như từng trải qua cơn đau tim hoặc nhập viện vì đau thắt ngực không ổn định.

Bệnh nhân tiểu đường được trích máu để kiểm tra định kỳ chỉ số đường huyết trong cơ thể. Ảnh: Pharmaceutical Journal

Cụ thể, họ đã tiến hành chia ngẫu nhiên người tham gia thành 2 nhóm, nhóm 1 dùng Alogliptin và nhóm 2 dùng giả dược, rồi sau đó quan sát tiến triển bệnh tình của tất cả tình nguyện viên trong 3 năm. Kết quả ban đầu của nghiên cứu, công bố trên tạp chí Y khoa New England hồi năm 2013, đã không cho thấy bất kỳ sự khác biệt nào về nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hay đột quị giữa 2 nhóm bệnh nhân.

Tuy nhiên, sau khi xem xét các bản phân tích mới về tỷ lệ tử vong ở tất cả bệnh nhân tiểu đường, các nhà nghiên cứu hiện nay phát hiện rằng những người từng nhập viện vì suy tim trong cuộc thử nghiệm có nguy cơ tử vong từ 24-28% trong khoảng thời gian còn lại của cuộc thử nghiệm, cao hơn 5 lần so với những bệnh nhân tiểu đường mà không bị ACS.

Được biết, bệnh nhân tiểu đường típ 2 có gấp 2-3 lần nguy cơ phát triển bệnh tim mạch so với toàn bộ dân số. Điều này một phần là vì nhóm dân số béo phì hoặc bị một số bệnh như cao huyết áp và hàm lượng cholesterol (mỡ trong máu) cao đều góp phần dẫn tới nguy cơ bị bệnh tiểu đường típ 2 và bệnh tim. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng một số loại thuốc giúp kiểm soát đường huyết cũng có thể gây hại đến tim- trong đó có cả insulin (hoóc-môn giúp chuyển đổi đường thành năng lượng trong cơ thể).

Cũng liên quan đến ảnh hưởng của bệnh tiểu đường, Tiến sĩ Emily Chew - Tác giả nghiên cứu "Hành động để kiểm soát nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường" (ACCORD) - mới đây cho biết việc kiểm soát chặt chẽ hàm lượng đường huyết có thể giúp bệnh nhân tiểu đường típ 2 đẩy lùi nguy cơ mù lòa do biến chứng của căn bệnh này. Trong nghiên cứu kéo dài 4 năm, các nhà khoa học nhận thấy những tình nguyện viên được kiểm soát chặt chẽ tình trạng đường huyết đã giảm được chỉ số Glycemia (GI - lượng đường trong thực phẩm hấp thu vào máu) ở mức trung bình 6,4% A1C, so với mức 7,7% ở nhóm áp dụng liệu pháp kiểm soát chỉ số Glycemia tiêu chuẩn. Nhóm nghiên cứu phát hiện việc kiểm soát chặt chẽ tình trạng đường huyết đã giúp bệnh nhân cắt giảm đến 1/3 nguy cơ mắc bệnh võng mạc.

AN NHIÊN (Theo ANI, Science Daily)

Chia sẻ bài viết