09/07/2018 - 21:57

Tiêu chảy – một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ nhỏ 

Lượng bệnh nhi bị tiêu chảy điều trị nội trú ở Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ luôn ở mức 90- 110 bệnh nhi. Từ đầu năm 2018 đến ngày 5-7-2018, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị nội trú cho 3.353 ca tiêu chảy, trong đó ở Cần Thơ là 1.532 ca.

Chị Trần Thị Ngọc Luyến vui mừng khi con đã bớt bệnh.

Không chủ quan

5 ngày chăm con mới 7 tháng tuổi ở Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ là thời gian sống trong mệt mỏi, lo lắng của chị Trần Thị Ngọc Luyến, phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Đút từng muỗng nước cho bé Nguyễn Thị Ngọc My, chị kể: “Tôi mừng lắm vì con đã chịu uống sữa, dù rất ít. Mấy hôm trước bé không ăn, uống, nằm im, ngày tiêu lỏng mấy chục lần, hết nằm ở Khoa Tiêu hóa lại xuống Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc rồi trở lên Khoa Tiêu hóa. Có lúc gia đình suy nghĩ muốn chuyển cháu đi TP Hồ Chí Minh nhưng các bác sĩ tư vấn, khuyên bệnh tiêu chảy ở tuyến trên có thuốc, máy móc gì là ở bệnh viện này đều có, các bác sĩ đã sử dụng thuốc mạnh nhất cho cháu. Các bác sĩ rất nhiệt tình nên gia đình quyết định ở lại điều trị và đến nay bé bớt đi tiêu, bớt sốt, chịu uống sữa, chơi đùa”. Trước đó, ở nhà, tối 1-7, bé Nguyễn Thị Ngọc My uống sữa bị ói, tiêu lỏng mấy lần. Sáng hôm sau, gia đình đưa cháu lên Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ khám, rồi nhập viện. 

Chiều 6-7-2018, Khoa Tiêu hóa có 94 bệnh nhi dù cuối tuần, bệnh ổn đã cho xuất viện bớt. Khoa hiện có 103 giường bệnh, với 15  phòng bệnh. Trong đó 1 phòng bệnh cấp cứu, 3 phòng theo dõi diễn tiến, các phòng còn lại điều trị các cháu bệnh nhẹ hơn. Theo bác sĩ Thái Thanh Lâm, Trưởng Khoa Tiêu hóa, bệnh tiêu chảy nặng do nhiều yếu tố:  Để bé tiêu chảy nhiều mất nước; gia đình chủ quan thấy bé đi tiêu vài lần không đi khám, dẫn đến việc điều trị muộn; trẻ bị nhiễm vi khuẩn đường ruột có độc tố mạnh; trẻ bụ bẫm, có bệnh lý nền như tim mạch, sanh non, suy dinh dưỡng... Tiêu chảy do độc tố vi khuẩn như vi khuẩn Ecoli là rất đáng lo vì độc tố rất mạnh, diễn biến rất nhanh, chỉ trong vòng 12-24 giờ là có thể gây sốc nhiễm trùng. Điều trị tiêu chảy không đơn giản, vì vậy, không nên chủ quan.

Giữ vệ sinh để phòng bệnh

Theo bác sĩ Thái Thanh Lâm, nếu trẻ  không sốt, tươi tỉnh, ăn uống được, đi tiêu lỏng ít thì trẻ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên khi có một trong các biểu hiện: sốt cao liên tục, ói nhiều, da nổi bông, co giật, tiêu nhiều  lần (7-10 lần/ngày, lượng phân lỏng mỗi lần nhiều), bụng chướng, trẻ uống ít hoặc không uống nước, sữa... thì cần cho trẻ nhập viện ngay. Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy có bệnh lý nền như: tim mạch, bụ bẫm, suy dinh dưỡng,  trẻ sơ sinh... nên nhập viện để bác sĩ khám và theo dõi sát.

Trong quá trình điều trị, có những dấu hiệu “chỉ báo” trẻ có nguy cơ bị nặng: sốt cao, da nổi bông, bụng chướng, lừ đừ, nôn ói nhiều... Những trường hợp này cần được theo dõi liên tục, để phát hiện sớm dấu hiệu sốc nhiễm trùng. Khi trẻ bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, sẽ được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để theo dõi.

Nhiều bậc cha mẹ khi trẻ tiêu chảy ồ ạt rất lo lắng, muốn bác sĩ cho con dùng thuốc để cầm lại. Thực chất, theo bác sĩ Thái Thanh Lâm, bệnh tiêu chảy là do nhiễm trùng đường ruột. Vi khuẩn nằm trong đường tiêu hóa và làm tổn thương đường tiêu hóa, vì vậy, trẻ tiêu chảy là để đào thải lượng vi khuẩn ra ngoài. Khi trẻ tiêu chảy nhiều, cho trẻ bù dịch bằng đường uống. Nếu trẻ ói nhiều, không chịu uống sữa, nước, các bác sĩ bù dịch bằng đường tĩnh mạch. Sau vài ngày, bé đi tiêu phân lỏng giảm từ từ chứ không thể cầm ngay được.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh tiêu chảy có thể do vi-rút, vi khuẩn, ký sinh trùng… gây ra. Một trong những nguyên nhân cơ bản gây bệnh là do trẻ ăn uống không đảm bảo vệ sinh: ăn thức ăn ôi thiu, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, nguồn nước và thức ăn bị ô nhiễm; hoặc tiếp xúc với phân của người mắc bệnh.

Đối với trẻ bị tiêu chảy, quan trọng là bù nước cho trẻ sớm, cho trẻ uống dung dịch Oresol (hoặc nước cháo muối, nước dừa, nước súp, nước chín…) sớm. Chủ động bù dịch và điện giải cho trẻ em là biện pháp sớm nhất có thể được áp dụng để điều trị và dự phòng biến chứng của bệnh. Khi trẻ bệnh, tiếp tục cho trẻ uống sữa bình thường. Tuy nhiên, cần vệ sinh vật dụng kỹ, sữa pha xong uống ngay, không trữ lại.

Nhiều gia đình thắc mắc vì đã cho trẻ uống vắc- xin phòng ngừa bệnh tiêu chảy nhưng trẻ vẫn bị bệnh. Đó là bởi vắc-xin chỉ phòng được tiêu chảy do rotavirus. Vì thế, biện pháp phòng ngừa tiêu chảy hữu hiệu nhất vẫn là giữ an toàn vệ sinh thực phẩm; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; tạo cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, bệnh tiêu chảy cũng rất dễ lây. Khoa Tiêu hóa đã từng tiếp nhận các trẻ trong cùng gia đình, cùng lớp học bị tiêu chảy do lây nhau.

Theo bác sĩ Thái Thanh Lâm, sau khi trẻ xuất viện, tiếp tục cho trẻ ăn uống dễ tiêu, chia làm nhiều bữa, uống nhiều nước, sữa để bù nước và dinh dưỡng cho trẻ. 

Tiêu chảy cấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em tại các nước đang phát triển. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 4 triệu trẻ em tử vong do tiêu chảy cấp, khoảng 80% trong số đó là trẻ em dưới 2 tuổi. 

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết