22/03/2019 - 08:01

Tiết kiệm nguồn nước ngọt trong mùa khô hạn 

Thách thức an ninh nguồn nước Mekong và câu chuyện ở ÐBSCL là vấn đề đang được các nhà quản lý, khoa học ở khu vực ÐBSCL quan tâm, lo ngại. Bởi nguy cơ thiếu hụt nguồn nước, mất an ninh môi trường do biến đổi khí hậu (BÐKH) và các dự án thủy điện phát triển ở vùng thượng lưu sông Mekong đang đe dọa đến vùng hạ lưu ÐBSCL. Những thiệt hại về sinh kế, sự mất cân bằng hệ sinh thái, môi trường do tác động BÐKH, đập thủy điện cần được quan tâm, xem xét lại; TP Cần Thơ cũng như các địa phương ở khu vực ÐBSCL tính toán, thực hiện giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước trong sản xuất, sinh hoạt...

TP Cần Thơ tăng cường công tác bơm tát, cung cấp nước cho vụ mùa sản xuất lúa hè thu.

Nguồn nước bị đe dọa

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL nằm ở hạ nguồn sông Mekong - nơi dòng nước chia thành các nhánh lớn đổ ra Biển Đông. Những năm gần đây, ĐBSCL ngày càng trở nên mong manh và dễ tổn thương trước tác động của BĐKH. Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hằng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông và ven biển, cùng với gia tăng nhiệt độ đã tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng cường diện tích “mặn hóa” do xâm nhập mặn (XNM). Đáng quan ngại hơn, sự phát triển ồ ạt thiếu bền vững của các đập thủy điện ở thượng nguồn dòng chính sông Mekong những năm qua đã khiến cho vấn đề an ninh nguồn nước ở vùng châu thổ sông Mekong nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đã trở nên bức bách, trầm trọng hơn.

Cụ thể, từ giữa tháng 3 đến nay, khu vực TP Cần Thơ tiếp tục chịu sự chi phối của áp cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương kết hợp với rìa Đông Nam của khối áp thấp nóng phía Tây ở tầng thấp đang phát triển mạnh nên thời tiết phổ biến vẫn ít mưa, sáng sớm có sương mù nhẹ. Ngày ít mây, trời nắng, có ngày nắng nóng. Nhiệt độ trung bình từ 27 đến 280c, trong đó có những ngày nhiệt độ cao từ 34 đến 350c; lưu lượng mưa xuất hiện rất thấp. Mực nước trên sông Hậu và các kênh rạch trong thành phố chịu ảnh hưởng và biến đổi theo triều. Mực nước cao nhất xuất hiện theo triều, từ 1,35m đến 1,40m; mực nước thấp nhất - 1,05m đến - 1,10m, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, cuối tháng 3-2019, mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Trong tháng 5, nếu không có mưa, độ mặn trên các cửa sông sẽ vẫn còn cao như tháng 4 và có khả năng kéo dài sang tháng 6. Nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, ĐBSCL không chỉ bị uy hiếp mà còn chịu những tổn thất nặng nề từ hạn mặn. TP Cần Thơ, ngay thời điểm này, vào những ngày nước kém, mực nước trên sông, rạch xuống thấp làm ảnh hưởng đến tưới tiêu, sản xuất của người dân. Ông Trần Văn Nhân, ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Mực nước trên sông rạch ngày càng xuống thấp so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nắng nóng kéo dài khiến cho sản xuất nông nghiệp tăng cao chi phí bơm tát, trữ nước... Theo kinh nghiệm của tôi, với tình trạng này, những tháng tới khô hạn có thể xảy ra, sản xuất lúa, rau màu sẽ gặp khó khăn hơn”.

Giải pháp ứng phó

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ: “Vùng ĐBSCL đang đối mặt với 6 thách thức, gồm: Thách thức BĐKH; gia tăng dân số và di dân; khai thác tài nguyên quá mức; suy giảm môi trường; thay đổi sử dụng đất; đe dọa của các đập thủy điện thượng nguồn và các dự án chuyển nước (ở Thái Lan, Lào và Campuchia). Trong 6 thách thức đó thì BĐKH có thể thích ứng được; gia tăng dân số và di dân ngăn chặn được; khai thác tài nguyên quá mức bằng cách nào đó có thể kiểm soát được; thay đổi sử dụng đất có thể điều chỉnh được... Tuy nhiên, đối với vấn đề hình thành đập thủy điện thượng nguồn và các dự án chuyển nước gần như chúng ta không thể kiểm soát và không thể thích ứng được trong điều kiện hiện nay. Đó là một trong những nguyên nhân tác động đến nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến sinh thái, môi trường, sinh kế của người dân...”.

Từ những ảnh hưởng khó lường trên, Bộ Xây dựng thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng và quy hoạch cấp nước cho vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia vào công tác quy hoạch và xây dựng các dự án đầu tư cho khu vực này. Qua đó, Bộ Xây dựng đã triển khai nghiên cứu và lập Dự án Cấp nước an toàn vùng ĐBSCL để xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho 7 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam sông Hậu, trong đó có TP Cần Thơ. Đây là dự án đầu tiên thực hiện theo quan điểm bảo đảm quy hoạch chung; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch, nước thô không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Theo Ban Quản lý Dự án Phát triển hạ tầng kỹ thuật - Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), Dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL được xây dựng với tổng kinh phí dự kiến đến 1,7 tỉ USD, gồm hệ thống cấp nước liên tỉnh; hệ thống lọc nước, dự kiến nước thô sẽ được lấy từ sông Hậu, sau đó xử lý và truyền dẫn nước sạch đến 7 công ty cấp nước (thuộc 7 tỉnh, thành phía Tây Nam sông Hậu) thông qua mạng lưới tuyến ống truyền tải; đồng thời sẽ cung cấp nước thô khi các địa phương cần sử dụng. Giai đoạn đầu, dự án được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 400 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 40 triệu USD, gồm 4 hợp phần, trong đó hợp phần 1 dự kiến xây dựng nhà máy nước công suất 200.000–300.000m3/ngày đêm, lấy nước sông Hậu; xây dựng các đường ống truyền tải vùng, trạm tăng áp, các hạng mục khác... Trên cơ sở đó, Dự án chuẩn bị dự án cấp nước an toàn vùng ĐBSCL được hình thành. Công ty TNHH tư vấn NJS (Nhận Bản) được chọn là đơn vị tư vấn với nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết dự án, hồ sơ mời thầu và xây dựng thể chế... Ông Lương Hồng Tân, Phó Trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ), cho biết: “Ngoài mục tiêu ứng phó BĐKH, dự án trên còn xác định mục tiêu giúp các địa phương hạn chế lấy nước ngầm cho sản xuất, sinh hoạt, hạn chế tình trạng sụt lún nền đất ĐBSCL thời gian tới…”.

Tại TP Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL có nhiều động thái trong việc bảo vệ, sử dụng nguồn nước ổn định, tránh lãng phí và đạt hiệu quả cao.  Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ phối hợp với các sở ngành chức năng, các tổ chức quốc tế thực hiện các dự án, công trình quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Dự án “Nâng cao khả năng chống chịu của TP Cần Thơ để ứng phó với XNM do BĐKH gây ra” được thành phố triển khai thực hiện và đã phát huy hiệu quả. Dự án là một trong các bước của kế hoạch ứng phó với BĐKH của thành phố, giúp tăng cường khả năng chống chịu và giảm nhẹ thiệt hại do nước biển dâng; củng cố và phát triển hệ thống quan trắc nước mặt của thành phố, góp phần chuyển tải thông tin về độ mặn xâm nhập trên địa bàn đến ngành chức năng, người sử dụng.

Dự án “Thích ứng BĐKH thông qua phát triển đô thị bền vững - Thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ”  cũng mang lại hiệu quả cao trong những năm qua. Dự án đã khảo sát, tìm hiểu hiện trạng hệ thống nước, quy hoạch phát triển đô thị và những tác động BĐKH lên môi trường nước của thành phố; thiết lập, tập hợp các phương án chiến lược nhằm phát triển bền vững hệ thống môi trường nước có tính thích nghi với BĐKH. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình nghiên cứu chất lượng nước mưa được thực hiện thu gom quan trắc xác định chất lượng nước, hệ thống thu gom và phương pháp xử lý... Qua đó, dự án xác định nước mưa là nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn cho sử dụng, sinh hoạt, sản xuất trong điều kiện thiếu nguồn nước mặt và suy kiệt nguồn nước ngầm dưới tác động của BĐKH. Thành phố khuyến khích cộng đồng sử dụng và dự trữ nước mưa...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, đến năm 2030, TP Cần Thơ tiếp tục triển khai 39 dự án thích ứng BĐKH, xung quanh các hoạt động như: tăng cường năng lực và chủ động ứng phó BĐKH; chương trình sinh kế nhà ở và sản xuất xanh, giảm thiểu tác hại môi trường do BĐKH gây ra... Dự toán kinh phí thực hiện các dự án này từ nguồn ngân sách địa phương, Trung ương và tranh thủ sự tài trợ của các tổ chức quốc tế. Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Công tác BĐKH TP Cần Thơ là đơn vị phổ biến kế hoạch trên và phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng, các địa phương triển khai dự án ứng phó, tìm đối tác cùng hợp tác thực hiện...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết