12/02/2023 - 11:36

Tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh 

Bài, ảnh: GIA BẢO  

Năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, hiệu quả. Với định hướng tăng trưởng tín dụng 14-15%; tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.

NHNN khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định, giảm lãi suất cho vay.

Chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, các biến động từ bên ngoài đều tác động mạnh đến chính sách điều hành vĩ mô, tăng trưởng kinh tế. Năm 2022, lạm phát các nền kinh tế lớn tăng cao; lãi suất tăng; chi phí sản xuất tăng do giá nguyên, nhiên vật liệu tăng… đã tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Ðể góp phần kiềm chế lạm phát, NHNN đã thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như Moody’s và S&P cũng nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đồng thời đánh giá cao việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Theo NHNN, năm 2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 14,17% đã góp phần tích cực cho phục hồi, tăng trưởng kinh tế.

Trên cơ sở tăng trưởng tín dụng năm 2022 và thực tế phục hồi, phát triển kinh tế năm 2023, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15%, nhưng sẽ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Chỉ thị của NHNN về nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng năm 2023 cũng nêu rõ tiếp tục thực hiện cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu NHNN các tỉnh, thành và các TCTD xem xét chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực tài chính, khả năng hấp thụ của nền kinh tế; đồng thời tiếp tục ưu tiên vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế động lực theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ; đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Song song đó, các TCTD tiếp tục kiểm soát tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.  

Năm 2023, các dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của các tổ chức quốc tế đều đưa ra nhận định đây là năm thứ hai kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm nghiêm trọng trước nhiều biến số khó lường. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 ở mức 6,3%; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng 6,2% và Việt Nam là một trong số những quốc gia dẫn đầu châu Á về tăng trưởng kinh tế; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 6,3%... Theo các chuyên gia kinh tế, để kiểm soát lạm phát, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2023 thì chính sách tiền tệ cần thực hiện thận trọng, phù hợp, linh hoạt; trong đó chính sách điều hành lãi suất và tỷ giá là then chốt. Ðồng thởi phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ần rủi ro cao; giải quyết hiệu quả vấn đề trái phiếu doanh nghiệp… Kết hợp với dư địa của chính sách tài chính để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.    

Kiểm soát chất lượng tín dụng

Theo các chuyên gia kinh tế, với dư chấn của lạm phát tăng cao ở các tháng cuối năm 2022 thì rất khó để giảm ngay lãi suất cho vay trong các tháng đầu năm 2023. Các ngân hàng cũng đang chờ room tín dụng được phân bổ năm 2023, vì vậy, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong các tháng đầu năm. Tuy nhiên các ngân hàng cũng đang kỳ vọng về đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế vững chắc của năm 2022 sẽ tiếp tục duy trì và phát huy trong năm 2023 để góp phần hỗ trợ ngành ngân hàng đạt các mục tiêu đề ra. Cạnh đó, các định chế tài chính lớn như Agribank, Vietcombank, BIDV, Vietinbank… cũng đang tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, đồng hành cùng khách hàng, doanh nghiệp với mức lãi suất thấp hơn các gói tín dụng thông thường và ưu tiên vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh, chủ lực của quốc gia…

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Theo định hướng năm 2023 của NHNN, Chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thành phố tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực thế mạnh của thành phố, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, lúa gạo, nông nghiệp… Ðồng thời giải quyết khó khăn về giải ngân hỗ trợ lãi suất, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn tín dụng bất động sản. Và yêu cầu các TCTD thực hiện tốt nhất Chỉ thị 01 của NHNN; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Hà, dư nợ tín dụng năm 2022 tăng trưởng đạt mức cao 17,59%, tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế (14,17%) góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Tháng 1-2023 vốn huy động và dư nợ cho vay tăng so với tháng trước. Ước đến cuối tháng 1-2023, dư nợ cho vay đạt 142.500 tỉ đồng, tăng 0,47% so với tháng 12-2022; nợ xấu chiếm 1,54% tổng dư nợ cho vay, giảm 0,27% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên tháng đầu năm 2023 như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều tăng cho với cuối năm 2022. Ngoài ra, các TCTD cũng rất tích cực thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Năm 2023, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, kinh tế toàn cầu tiếp tục với những gam màu tối, lạm phát vẫn trong chiều hướng tăng. Vì vậy, các khuyến cáo chính sách cho Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ cần bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành lãi suất phù hợp với các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối. Song song đó, NHNN khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định, giảm lãi suất cho vay, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng tăng trưởng tín dụng, kiểm soát dòng tiền ra thị trường.

Chia sẻ bài viết