08/10/2008 - 21:37

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, thuộc Trường Đại học Cần Thơ:

Tiếp tục mở rộng mô hình giúp nông dân đa dạng hóa sản phẩm

 

Sau khi Báo Cần Thơ đăng bài “Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An: Hiệu quả bước đầu mô hình sản xuất rau an toàn”, nhiều bạn đọc thắc mắc liệu mô hình sản xuất trên có tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm cũng như mở rộng qui mô sản xuất? Phóng viên Báo Cần Thơ vừa có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Trung tâm Hòa An), về vấn đề này.

* Xin tiến sĩ cho biết mục đích chính của Dự án Hỗ trợ cộng đồng CTU-MSU (liên kết giữa Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Michigan – Hoa Kỳ), trong đó có mô hình sản xuất rau an toàn?

- Mục tiêu ban đầu của dự án này là nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân. Đến nay, nhiều hộ dân tham gia dự án đã áp dụng khá thành thạo các kiến thức do dự án cung cấp vào thực tiễn sản xuất rau màu, chăn nuôi thủy sản và sản xuất lúa. Tuy nhiên, khi người dân áp dụng quy trình trồng rau an toàn và tạo ra sản phẩm thì không có thị trường, chúng tôi lại phải tiếp tục tổ chức tiêu thụ sản phẩm để vừa giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, đồng thời để tự trang bị kiến thức về thị trường.

Rau muống được trồng trong mùng lưới theo qui trình sản xuất rau an toàn của Trung tâm Hòa An để phòng tránh các loại sâu bệnh tấn công. ẢNH: NHẬT CHÁNH 

Năm 2004, chúng tôi tìm đến và liên kết với các đầu mối tiêu thụ rau ở TP Cần Thơ. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ tích cực từ phía các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp của TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, các cơ quan truyền thông. Theo khảo sát của chúng tôi, đến nay có khoảng hơn 90% người tiêu dùng ở Cần Thơ hiểu biết sâu về rau an toàn. Tuy vậy, phần lớn người tiêu dùng lại không nhận biết được rau an toàn nên thường chọn các loại rau xanh mượt vì được tưới bằng phân hóa học. Mặt khác, một số người tiêu dùng còn so sánh giá rau an toàn (cao hơn) với các loại rau được trồng theo kiểu truyền thống, nhưng chưa quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe và sử dụng rau có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất.

* Tiến sĩ có thể nói cụ thể hơn về sự khác biệt và lợi ích khi sử dụng rau an toàn?

- Các loại rau màu được trồng theo quy trình sản xuất rau an toàn do chỉ sử dụng phân hữu cơ nên thường không xanh mượt và mềm mại như rau trồng có sử dụng phân hóa học. Tuy nhiên, các loại rau an toàn trước khi cung cấp cho thị trường đều được tuyển lựa kỹ mới đóng gói. Do đó, người tiêu dùng gần như không phải loại bỏ phần thân hoặc lá rau bị già, còn mua rau được trồng đại trà thì phần không sử dụng được lên đến 15%-20% trọng lượng. Mặt khác, các loại rau an toàn đều được thu hoạch đúng vào thời điểm có chất dinh dưỡng cao nhất. Chúng tôi chỉ cung cấp ra thị trường những trái bí đao, trái mướp rất non nên khi ăn có vị ngọt (chất dinh dưỡng cao) thay vì để trái mướp, trái bí đao, trái đậu đũa lớn thì chất ngọt đã chuyển hóa thành chất xơ.

Nói chung, đến thời điểm này Dự án Hỗ trợ cộng đồng CTU-MSU đã giúp cho một số nông hộ với quy mô sản xuất rất nhỏ nhưng đã chủ động sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng theo nhu cầu của thị trường chứ không còn cung cấp ra thị trường những gì mà họ sản xuất được. Những nông hộ trong vùng dự án đã nắm vững đến trên 95% kỹ thuật của quy trình sản xuất rau an toàn. Ngoài năng lực trồng rau an toàn, những hộ dân này đang từng bước tham gia sâu vào việc tự xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến năm 2009, việc trồng rau an toàn ở Hòa An để cung cấp cho thị trường TP Cần Thơ và các nơi khác sẽ do nông dân tự quyết định. Khi ấy, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Hòa An không tham gia trực tiếp việc trồng và tổ chức tiêu thụ rau an toàn để chuyển sang vai trò tư vấn là chủ yếu.

* Trung tâm Hòa An có tiếp tục nhân rộng quy trình sản xuất rau an toàn hay các loại hoa kiểng, cây cảnh ở các vùng ven của TP Cần Thơ như Phong Điền, Ô Môn hoặc Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long, thưa tiến sĩ?

- Nói chung, quy trình sản xuất rau màu, cây cảnh, hoa kiểng có thể thực hiện được ở nhiều nơi và Trung tâm Hòa An luôn sẵn sàng hợp tác với các địa phương để thực hiện các chương trình này. Tuy nhiên, đối với các vùng ven của TP Cần Thơ như Phong Điền, Ô Môn thì môi trường không khí, môi trường nước khác với vùng sâu như Hòa An của huyện Phụng Hiệp, nên việc trồng rau màu ở khu vực này sẽ tốn kém hơn, do phải trồng trong nhà lưới, xử lý nước để tưới. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa làm cho giá trị đất ở các khu vực này rất cao nên đất thường được sử dụng vào các mục đích khác như kinh doanh, sản xuất công nghiệp. Những vùng ven của TP Cần Thơ chỉ phù hợp cho việc sản xuất nông nghiệp đô thị (đòi hỏi nhiều vốn, kỹ thuật và nghệ thuật) như trồng lan cắt cành, hoa mai... cá cảnh. Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị nói trên sẽ tăng rất mạnh khi cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ đi vào hoạt động. Còn khu vực Bình Minh, Bình Tân của tỉnh Vĩnh Long là vùng đất phù sa màu mỡ do sông Hậu bồi đắp, nên rất phù hợp cho việc trồng các loại rau màu và các loại cây trồng ngắn ngày khác.

* Thời gian tới, Trung tâm Hòa An có tiếp tục giúp nông dân đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường?

- Để giúp nông dân đa dạng hóa sản phẩm có chất lượng cung cấp cho thị trường, năm 2009 Trung tâm Hòa An sẽ giúp nông dân sản xuất lúa giống cấp xác nhận trên nền đất mía trong mùa lũ để cung cấp cho thị trường lúa giống phục vụ cho vụ lúa đông xuân. Mặt khác, chúng tôi cũng đã tính đến phương án giúp nông dân khai thác các thế mạnh vùng đất trũng của huyện Phụng Hiệp để nuôi các loại cá lóc, cá rô, cá sặt rằn, lươn... Để thực hiện được định hướng trên, thời gian qua chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để cung cấp kiến thức và quy trình ương nuôi thủy sản nước ngọt, sản xuất lúa giống.

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

NHẬT CHÁNH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết