Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Cùng với nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, TP Cần Thơ còn kết nối với các định chế tài chính quốc tế để huy động và bổ sung nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng trọng điểm thích ứng với biến đổi khí hậu. Mới đây, thành phố đã gặp gỡ và làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam để thảo luận, đề xuất khả năng tiếp cận nguồn vốn ODA cho các dự án cần nguồn lực đầu tư lớn, làm thay đổi diện mạo Tây Ðô có tác động lan tỏa đến sự phát triển của vùng ÐBSCL.
Dự án đường Trần Hoàng Na nối dài (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến quốc lộ 91B), tổng chiều dài tuyến khoảng 7,6km (mục số 2) nằm trong dự án có nhu cầu đầu tư bằng vốn ODA của ADB.
Xác định dự án cấp bách
Ở nhóm dự án hạ tầng giao thông, thành phố đề xuất tiếp cận vốn ODA từ ADB cho 3 dự án: dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu để đầu tư xây dựng theo hình thức vay vốn ODA của ADB, gồm: xây dựng cầu vượt tại 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố, dự kiến vốn đầu tư 2.100 tỉ đồng; đường Trần Hoàng Na nối dài (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến quốc lộ 91B), tổng chiều dài tuyến khoảng 7,6km dự kiến vốn đầu tư 1.750 tỉ đồng; đường hẻm 91 (đoạn từ đường Vành đai phía Tây TP Cần Thơ đến đường tỉnh 923), tổng chiều dài tuyến khoảng 5,15km, dự kiến vốn đầu tư 1.050 tỉ đồng. Theo ông Phạm Văn Ðồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, tổng mức đầu tư dự kiến của 3 dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải TP Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu khoảng 4.900 tỉ đồng. Dự kiến giai đoạn 2023-2025 thành phố sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và ký hiệp định vay vốn ODA với ADB; giai đoạn 2025-2030 thực hiện đầu tư dự án. Việc đầu tư xây dựng các công trình này là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của TP Cần Thơ. Ðồng thời, chia sẻ lưu lượng giao thông với các tuyến đường hiện hữu trung tâm thành phố, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, tiếng ồn, khí thải của các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; mở rộng không gian đô thị tạo điều kiện hình thành các khu đô thị mới, hiện đại, thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu dọc theo các dự án này.
Bên cạnh các dự án giao thông, thành phố còn có nhu cầu đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn. Tuy nhiên ngân sách nhà nước thành phố hiện nay chưa thể đáp ứng được các dự án dự kiến đầu tư theo quy hoạch được duyệt. Thành phố rất cần sự chung tay đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân, tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư các dự án thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn. Theo ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay ước khoảng 130.000 m3/ngày đêm. Riêng nước thải sinh hoạt trên địa bàn quận Ninh Kiều đang được thu gom và xử lý nước tại nhà máy xử lý nước thải TP Cần Thơ tại Cái Sâu, phường Phú Thứ, quận Cái Răng. Nhà máy Cái Sâu hiện có công suất 30.000 m3/ngày đêm, đáp ứng được khoảng 25% tổng nhu cầu xử lý nước thải đô thị của toàn thành phố. Do đó, thành phố đề xuất tiếp cận nguồn vốn ODA từ ADB để đầu tư nâng cấp Nhà máy Cái Sâu giai đoạn 2 từ 30.000m3/ngày đêm lên 60.000m3/ngày đêm với nguồn vốn dự kiến đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 trên 1.538 tỉ đồng. Thuận lợi của việc nâng cấp nhà máy là thành phố đã có sẵn quỹ đất sạch và thậm chí có thể nâng công suất lên
120.000 m3/ ngày đêm.
Ưu tiên cơ hội đầu tư
ADB đánh giá cao và bày tỏ sự quan tâm đến các dự án trọng điểm do TP Cần Thơ đề xuất bởi đây là các dự án phù hợp với định hướng đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu. Về phía ADB cũng đề xuất hỗ trợ TP Cần Thơ trong việc tham vấn hỗ trợ kỹ thuật về lồng ghép, lập kế hoạch tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu. Bà Deborah Cornland, Chuyên gia tư vấn về tăng trường xanh, ADB, chia sẻ: Hoạt động tham vấn tích hợp tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu nhằm giúp Cần Thơ tăng cường sự gắn kết chính sách, thu hút vốn và tài chính, tăng tính cạnh tranh, mang lại các lợi ích xã hội, tăng khả năng chống chịu. Các hoạt động tham vấn này nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực theo yêu cầu địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác của nhiều bên liên quan; tăng cường năng lực cấp tỉnh về lập kế hoạch hành động tích hợp tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác liên ngành về lập kế hoạch tăng trưởng xanh và biến đổi khí hậu... Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao năng lực chẩn đoán, đánh giá nhu cầu và cơ hội đầu tư, tăng cường sự gắn kết chính sách và hài hòa các hành động, xây dựng tiêu chí ưu tiên cơ hội đầu tư, xác định các khoản đầu tư tiềm năng thành phố có thể tiếp cận trong tương lai… Dự kiến dự án sẽ sớm khởi động từ tháng 4, tháng 5-2023, hoàn thành xây dựng kế hoạch hành động vào tháng 4-2024.
Theo Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Keiju Mitsuhashi, để phát triển quan hệ đối tác tiềm năng giữa TP Cần Thơ và ADB, đoàn tham vấn ADB đề xuất thành phố rà soát lại các dự án phát triển hạ tầng giao thông, đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi. ADB sẵn sàng hỗ trợ thông qua khoản viện trợ kỹ thuật để giúp thành phố chuẩn bị các thủ tục cần thiết và ADB sẽ tiến hành thẩm định đối với các dự án thành phố đề xuất. Thành phố cần thông tin chi tiết về các dự án để ADB có cơ sở đánh giá, phản hồi và xem xét khả năng tài trợ phù hợp đối với các dự án này. ADB đề nghị thành phố chủ động đăng ký với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để các dự án được Bộ phê duyệt đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn bằng nguồn vốn ODA để làm cơ sở nhận được tài trợ vốn ODA theo quy định của Chính phủ Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng khẳng định: Hiện nay, thành phố có nhu cầu rất lớn về đầu tư kết nối giao thông với khu vực ÐBSCL. Do đó, qua cân đối tính toán của thành phố là ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ODA cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông gắn thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Theo đề nghị của ADB, thành phố sẽ chuẩn bị các thủ tục liên quan để đề xuất các thủ tục liên quan đến dự án, tranh thủ cân đối nhu cầu vay vốn đầu tư cho giai đoạn trung hạn tới. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của ADB nhằm sớm tiếp cận gói tư vấn hỗ trợ kỹ thuật về tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và kết nối rà soát các dự án có liên quan để có thể vận dụng chủ động và hiệu quả hơn trong thời gian tới.