05/02/2008 - 09:56

"Tiến sĩ chuột" Grant

Tiến sĩ Grant (phải) đang nghiên cứu một cái bẫy chuột ở ấp Keo, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. 

Kỹ sư Nguyễn Quý Hùng, Chủ nhiệm bộ môn bảo vệ thực vật – Viện khoa học Nông nghiệp miền Nam, Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu chuột hại nông nghiệp các tỉnh phía Nam”, có hứa với tôi khi nào Tiến sĩ (TS) Grant R.Singleton, người Úc, sang Việt Nam sẽ cùng tôi rong ruổi trong Đồng Tháp Mười để nghiên cứu về… con chuột! Nhờ đó, tôi có dịp làm quen và hiểu rõ hơn công việc của “Tiến sĩ chuột” Grant.

Lúc lên xe ở khách sạn Thắng Lợi đường Võ Văn Tần, TS Grant đưa cho tôi tấm danh thiếp, dưới tên chủ nhân có in hình năm con chuột (!) Thú thiệt, tôi chưa bao giờ thấy một tấm danh thiếp nào độc đáo như thế! Grant làm việc tại Phòng nghiên cứu chuột thuộc Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã của chính phủ Úc. Ông là một chuyên gia về chuột vùng ASEAN. TS Grant sang Việt Nam để bổ sung con chuột Việt Nam vào sự hiểu biết của ông về con chuột trong sinh cảnh Đông Nam Á mà cuốn sách của ông nhan đề: “Nhìn lại một số vấn đề sinh học và xử lý dịch hại do loài gặm nhấm ở Đông Nam Á” phần viết về con chuột ở Việt Nam còn quá ít.

... Sau cuộc trao đổi với các cán bộ Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam đóng tại xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, kỹ sư Nguyễn Quý Hùng cùng các đồng nghiệp kéo thẳng ông Grant ra những thửa ruộng đã phơi đòng đang bị chuột phá phách. Một nông dân xăng xái lội ngay ra giữa ruộng nhổ những bó lúa bị chuột cắn ngang thân, bông lúa gẫy gập xuống... mang lên cho TS Grant nghiên cứu. Theo bà con ở Long Định thì nạn chuột phá hại đã làm giảm năng suất lúa khoảng ba mươi phần trăm!

Nhiều nông dân ở các vùng biên giới của hai tỉnh Kiên Giang và Long An cho hay, chuột di chuyển thành đàn khoảng vài trăm ngàn con từ bên Campuchia sang, chúng có khả năng vượt qua sông một cách dễ dàng. Theo giải thích của các bậc lão nông tri điền, khi cây lúa của vùng biên giới bắt đầu làm đòng đến trổ bông cũng là lúa vụ lúa mùa bên Campuchia thu hoạch xong. Dân Campuchia đốt đồng theo tập quán, chuột thiếu thức ăn, nước uống và không nơi trú ẩn nên “vượt biên” sang Việt Nam. Chúng “câu kết” với chuột tại chỗ, phá lúa đông xuân của bà con (!). Cách giải thích này được các nhà khoa học chấp nhận vì chuột chỉ sinh sản và phát triển mạnh trong điều kiện có thức ăn dư thừa... Vùng Long Định của Tiền Giang nông dân làm tới ba vụ mỗi năm, thậm chí có nơi làm hai năm bảy vụ. Quanh năm có thức ăn nên chuột phát triển là chuyện đương nhiên.

TS Grant chăm chú xem những bẫy chuột làm bằng tre như cái cần câu, cắm trên những lối mòn đi ra ruộng ở Long Định. Ông vứt ngay cái máy chụp hình có gắn ống kính tê-lê dài nghêu xuống vệ cỏ để xem xét một cái bẫy, rồi lại cầm máy lên chụp lia lịa. Ông yêu cầu chủ nhân gài thử bẫy, cho bẫy sập và coi một cách say sưa. TS Grant coi bộ là người xông pha, già hơn nhiều so với tuổi bốn mươi ba của ông. Có lẽ vì ông chuyên nghiên cứu các loài động vật hoang dã, phải lặn lội người ở ngoài trời mưa gió. Tôi tin rằng những tấm hình bẫy chuột bằng tre của nông dân Long Định sẽ có mặt trong những trang sách mới, bổ sung cho những hình thức bẫy chuột mà tôi đã thấy ở các quốc gia ASEAN trong sách của TS Grant. Chẳng hạn như các cây nỏ bằng tre dùng để “bắn” chuột của nông dân tỉnh Luang Prabăng (Lào). Máy móc điện tử hiện đại đã được dùng ở Thái Lan, Malaysia v.v... để phát hiện chuột. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia ASEAN có những điều kiện sinh thái nông nghiệp gần giống nhau, phải cộng tác với nhau để cùng làm ăn sinh sống, từ việc lớn đến việc... không nhỏ như... diệt chuột. Sự có mặt của TS Grant đây là một minh chứng.

Rời ruộng lúa, chúng tôi kéo nhau vào cả nhà bác nông dân Lợi ở gần đó để làm một cuộc hội thảo... đầu bờ. Lý ra, phải hội thảo ngay bên ruộng lúa chuột đang phá mới đúng là... đầu bờ, nhưng bà con ấp Keo muốn tỏ ra hiếu khách, muốn tiếp chúng tôi trong nhà, có thuốc rê, nước dừa... đãi đằng tử tế. Căn nhà lợp lá dừa, cột xi măng đơn sơ nhưng mát mẻ của bác Lợi rất thuận tiện cho cuộc họp dã chiến này. Chiếc bàn tròn lớn ở giữa làm chỗ cho khách ngồi, hai bộ ghế ngựa hai bên dành cho cô bác từ các ấp tới dự. Cuộc họp sôi nổi ngay từ đầu. Những người nông dân cần cù chất phác bữa nay lại ngồi với các nhà khoa học trong và ngoài nước để bàn cách diệt trừ chuột đang phá lúa!

Bác Tám Tửng ở ấp Đông, người nhỏ thó nhưng giọng nói như có “tăng âm” kể với mọi người: “Tôi làm bảy công, trước kia ít chuột lắm, ba – bốn năm nay chuột nhiều lên, không hiểu từ trên kia (vùng Đồng Tháp Mười – LPK) nó xuống hay sao?”. Đa số cô bác đều “tố cáo” sự tinh ranh của loài chuột. Con đi đầu sập bẫy, con sau tránh liền! Đêm đầu gài điện, bị chết chừng vài chục con trên một thửa ruộng, đêm sau lũ chuột trốn không ra nữa, lâu lâu không thấy gì chúng mới lại ra hoạt động. Ngay cả cách gài điện nguy hiểm (đã bị xã cấm), cũng không đem lại hiệu quả. Chuột còn biết lấy đà... phóng qua dây điện để thoát thân. Cách kết hợp quây vải nylon quanh ruộng rồi đặt bẫy nơi chuột cắn rách vải chui vô cũng không kết quả, vì chuột cắn nhiều lỗ, không đủ bẫy để đặt (!).

Monica – cô thư ký xinh đẹp của TS Grant, người Úc, gốc Hà Lan, đã ghi chép rất tỉ mỉ các cách diệt chuột của bà con nông dân. Cô còn cẩn thận hỏi chúng tôi cách phát âm địa danh: xã Long Định, tỉnh Tiền Giang và nhờ một bạn ở Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam, ghi rõ địa danh đó vào sổ tay của cô bằng tiếng Việt.

TS Grant đã trao đổi với bà con nông dân Long Định về các hình thức diệt chuột, thông qua những gì mà ông đã nghiên cứu về phương pháp phòng trừ chuột ở các quốc gia Đông Nam Á. Ông hứa sẽ quay lại Long Định một ngày gần đây để làm việc tiếp với bà con về đề tài con chuột phá lúa!

Một ngày với TS Grant, với kỹ sư Nguyễn Quý Hùng, tôi hiểu ra rằng, con chuột đang là mối nguy hại cho nông dân cả vùng Đông Nam Á. Ở Thái Lan, hàng năm chuột làm giảm sản lượng lúa ước tính 150 triệu USD. Ở Lào, riêng tỉnh Luang Prabăng cũng thiệt hại 44.000USD... do chuột phá hoại mỗi năm.

Diệt chuột phải đồng loạt, phối hợp cả cộng đồng làng, xã, huyện, tỉnh... hơn thế nữa, cả nước, cả vùng (nhiều quốc gia) như TS Grant và chương trình nghiên cứu phòng trừ chuột mà kỹ sư Quý Hùng cùng các đồng nghiệp của anh đang làm...

...Giờ này không biết TS Grant đang ở đâu. Nhưng kỹ sư Quý Hùng thì tôi vừa gặp ở Trà Vinh, ông đang làm cố vấn cho Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Nhân năm chuột sắp tới, tôi hỏi ông về tình hình chuột hại ở ĐBSCL. Ông cho hay, mấy năm nay nhờ phát triển nghề nuôi trăn nên chuột bị săn bắt nhiều để làm mồi cho trăn, vì thế chuột giảm nhiều. Thế nhưng, phải luôn luôn cảnh giác. Năm nay, chuột có thể giảm nhưng năm tới lại có thể tăng vì nó đi đâu, về đâu không ai biết...

Lê Phú Khải

Chia sẻ bài viết