11/10/2019 - 07:21

Tiến quân vào Syria, Thổ Nhĩ Kỳ hứng chỉ trích 

Trong khi Nga, Mỹ khẳng định không can dự, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khu vực tiếp tục lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria.

Trong sứ mệnh “mang lại hòa bình cho khu vực”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 9-10 đã phát động “Chiến dịch Hòa bình Mùa Xuân” tại Syria nhằm ngăn cái gọi là “hành lang khủng bố” xuyên biên giới phía Nam. Ngay sau thông báo khai hỏa, chiến đấu cơ F16, xe tăng cùng pháo hạng nặng Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc 181 mục tiêu của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) trên khắp Đông Bắc Syria, buộc hàng ngàn thường dân rời bỏ nhà cửa chạy nạn. Đêm cùng ngày, binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp phiến quân Syria thân Ankara tiến vào lãnh thổ nước láng giềng, bắt đầu cuộc tấn công trên bộ nhằm vào lực lượng người Kurd.

Người dân di tản trước các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP

Dưới hỏa lực của Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Dân chủ Syria với YPG đóng vai trò nòng cốt đã tạm dừng hoạt động chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Bị Ankara coi là khủng bố, nhưng YPG là đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống IS và đang kiểm soát một phần lãnh thổ Syria. Do vậy, nhiều người quan ngại chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ làm phức tạp thêm cuộc nội chiến 8 năm ở quốc gia Trung Đông vốn liên quan các cường quốc toàn cầu và khu vực.

Động thái của Thổ Nhĩ Kỳ thực tế chưa được sự cho phép của Syria, giống như chiến dịch quân sự xuyên biên giới “Lá chắn sông Euphrates” mà Ankara tiến hành năm 2016. Sau khi tấn công, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết đã gửi công hàm ngoại giao tới Tổng lãnh sự Syria ở Istanbul để thông báo. Đáp lại, Damascus cực lực lên án hành động này, đồng thời khẳng định sẽ đáp trả “kế hoạch xâm chiếm” của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều quốc gia Trung Đông bao gồm Iran và Saudi Arabia cũng coi chiến dịch của chính quyền Erdogan là hành động “xâm lược”, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực.

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vấp phải chỉ trích từ phương Tây. Theo Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, điều quan trọng hiện nay là “không gây thêm bất ổn khu vực”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thì yêu cầu Ankara kiềm chế và ngừng ngay hoạt động quân sự ở Syria. EU cảnh báo không chi trả cho bất kỳ “vùng an toàn” nào mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ định thành lập. Các nước Anh, Pháp, Đức đặc biệt quan ngại diễn biến hiện nay sẽ làm suy yếu tiến triển đạt được trong cuộc chiến chống IS.

Trước đó, Ankara tỏ ra “hết kiên nhẫn” với Mỹ về việc lập vùng đệm và cho biết sẽ mở đợt tấn công nhắm vào người Kurd ở Syria. Tổng thống Donald Trump đáp lại bằng quyết định rút quân khỏi Đông Bắc Syria sau tuyên bố không can dự. Động thái này dấy lên chỉ trích kịch liệt cả trong lẫn ngoài nước Mỹ, bất chấp Ngoại trưởng Mike Pompeo phủ nhận Washington “bật đèn xanh” cho cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Trump sau đó nói rõ ông không tán thành “ý tưởng tồi” của chính quyền Erdogan nhưng không thay đổi quyết định rút quân.

Trong khi đó, quan điểm của Nga là không nhúng tay vào mâu thuẫn giữa hai nước Trung Đông. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov cảnh báo “hành vi liều lĩnh” của Washington bỏ rơi đồng minh trong cuộc chiến do chính Mỹ dẫn đầu có thể châm ngòi xung đột trên toàn khu vực. 

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 10-10 đã mở cuộc họp kín về tình hình Syria trong khi cuộc họp khẩn tương tự của Liên đoàn Arab sẽ tổ chức vào cuối tuần này.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết