15/12/2023 - 09:06

Tiềm ẩn rủi ro khi phụ nữ lớn tuổi muốn thụ tinh trong ống nghiệm 

Tháng 6-2023, một phụ nữ 60 tuổi ở Hải Phòng đã sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trước đó, cụ bà U80 ở Ấn Ðộ cũng sinh con bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản. Những kỳ tích trên cho thấy sự thành công phi thường của y học hiện đại, giúp nhiều cặp vợ chồng mong mỏi một mụn con được toại nguyện. Tuy nhiên, về góc độ các chuyên gia, việc thực hiện IVF ở phụ nữ càng lớn tuổi càng khó khăn và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Bác sĩ Khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Phụ sản TP Cần Thơ, tư vấn cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Hiện IVF là kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn phổ biến nhất. Trong đó, tinh trùng của chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm để tạo thành phôi. Sau thời gian nuôi cấy tại phòng thí nghiệm (khoảng 2-5 ngày), phôi được chuyển trở lại buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi. IVF được biết đến là phương pháp điều trị hiệu quả cho những trường hợp người vợ bị tắc ống dẫn trứng, trường hợp vô sinh do nam giới, cặp vợ chồng lớn tuổi, kèm theo các bệnh lý: lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn, bất thường ở tinh trùng và các yếu tố miễn dịch hoặc vô sinh chưa rõ nguyên nhân…

Theo PGS.TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trên thế giới có nhiều phụ nữ lớn tuổi thành công với phương pháp IVF. Tuy nhiên, phụ nữ tiếp cận với phương pháp IVF, càng lớn tuổi (đặc biệt từ 50 tuổi trở lên) càng gặp nhiều khó khăn, rủi ro cao mà tỷ lệ thành công thấp. Khi có thai, đối tượng này cũng mắc nhiều bệnh lý như tiền sản giật, đái tháo đường và tỷ lệ thai bất thường cũng cao hơn.

Độ tuổi sinh sản của phụ nữ diễn ra trong khoảng 15 đến 44 tuổi. Khả năng sinh sản của chị em suy giảm theo tuổi tác, do các yếu tố như dự trữ buồng trứng giảm, chất lượng trứng giảm và khả năng tử cung mang thai cũng khó khăn hơn. Phụ nữ từ 25 đến 30 tuổi thường có tỷ lệ thành công cao nhất. Sau 35 tuổi tỷ lệ có thai giảm dần.

Ngoài ra, phụ nữ lớn tuổi có nhiều nguy cơ phôi bất thường nhiễm sắc thể và ít có khả năng mang thai. Hơn nữa phụ nữ lớn tuổi cũng gặp các bệnh lý phụ khoa ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Quá trình thai nghén, thai phụ lớn tuổi cũng gia tăng nguy cơ mắc các hội chứng tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ. Trẻ được thụ thai bởi bà mẹ lớn tuổi cũng có nguy cơ cao bất thường hình thái và chức năng. Tương tự nữ giới, đàn ông tuổi cao cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả IVF của cặp vợ chồng do chất lượng tinh trùng giảm.

Những trở ngại khi phụ nữ lớn tuổi thực hiện IVF: chị em có thể đã mãn kinh, tử cung teo nhỏ, niêm mạc mỏng, bác sĩ sẽ phải điều kinh lại và chuẩn bị niêm mạc cũng khó khăn. Buồng trứng giảm dự trữ nên có thể phải xin trứng của người khác. Những yếu tố về sức khỏe bà mẹ, tuổi càng cao sức khỏe bà mẹ càng suy giảm, nên quá trình mang thai, việc đi lại khó khăn hơn. Mang đa thai (mang từ 2 thai trở lên), có thể khiến cân nặng của bé thấp, sinh non hoặc sinh khó. Ngoài ra, thai phụ còn có những nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ, bất thường thai nghén, có thể ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và con, gây thai chết lưu hoặc sảy thai. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ cao ở trẻ sinh ra bởi những bà mẹ lớn tuổi có thể bị dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, dị tật cơ xương hoặc các bệnh liên quan đến phổi hoặc tim mạch…

Các bác sĩ khuyến cáo, chỉ những trường hợp đặc biệt, mới tiến hành thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khi tuổi đã cao. Một số bác sĩ và chuyên gia sinh sản còn lo ngại về đạo đức khi áp dụng điều trị IVF đối với những phụ nữ lớn tuổi. Các bác sĩ cân nhắc giữa những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn, đối với sức khỏe của người phụ nữ cũng như sức khỏe và hạnh phúc của bất kỳ đứa trẻ nào được sinh ra đời.

Hiện nay, tình trạng hiếm muộn ở nước ta ngày càng gia tăng và trẻ hóa, do nhiều nguyên nhân, liên quan đến sức khỏe, lối sống, bệnh tật. Các bác sĩ khuyên, khi có vấn đề về sức khỏe sinh sản, các cặp vợ chồng nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa sản thăm khám để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc can thiệp sớm, kể cả tiếp cận các phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại, ở độ tuổi càng trẻ, càng đạt hiệu quả hơn so với độ tuổi cao hơn, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ cho cả mẹ và bé.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết