02/04/2022 - 12:51

Tích tiểu thành đại 

Thấy chồng lo lắng tiền viện phí, thuốc men cho mẹ, chị Ngọc Hân ở quận Ninh Kiều, đưa 10 triệu đồng kèm lời hứa sẽ lo chu đáo cho mẹ sau khi xuất viện. Chồng chị Hân quá bất ngờ bởi thu nhập vợ thấp, mà mỗi tháng anh phụ vợ chi phí sinh hoạt không nhiều, khó bề xoay sở. Lúc này, chị Hân khoe chồng sổ tiết kiệm mà chị dành dụm hơn 4 năm, được gần 80 triệu đồng. Nhờ chị Hân khéo tính toán, tích cóp mà gia đình có được khoản tiền dự phòng.

Nhiều chị em thực hiện cân đối chi tiêu, tiết kiệm để có quỹ dự phòng, tích lũy cho tương lai.

Nhiều chị em thực hiện cân đối chi tiêu, tiết kiệm để có quỹ dự phòng, tích lũy cho tương lai.

Chị Hân có nghề may, còn chồng làm thợ sửa xe. Anh chị sống cùng mẹ chồng gần 80 tuổi. Thu nhập hai vợ chồng tầm 12 triệu đồng/tháng, lo 2 con đi học và chi phí sinh hoạt trong nhà. Thấy làm nhiều năm không có dư mà công việc còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chị Hân tìm cách tiết kiệm. Học theo chị em bạn, chị Hân nhín lại tiền chợ bỏ ống heo, trung bình 20.000 đồng/ngày. Theo gợi ý một chị chơi chung, cả nhóm (10 người) góp vốn xoay vòng hỗ trợ nhau, 500.000 đồng /người/tháng, để mua sắm vật dụng gia đình. Nếu tính khoản này và tiền bỏ ống, mỗi năm, chị Hân để dành được khoảng 13 triệu đồng, đem gởi ngân hàng. Ngoài ra, những khi không có khách may đồ, chị Hân kiếm thêm bằng việc làm bánh bán, phụ việc nhà theo giờ cho hàng xóm, cứ có dư là gởi vào sổ tiết kiệm. Chị âm thầm tích lũy và số tiền lớn dần. Nhờ khoản này mà giải quyết được khó khăn khi mẹ chồng bị bệnh đột xuất. Chồng chị Hân rất xúc động trước việc làm của vợ, hứa sẽ điều chỉnh thói quen tiêu xài để phụ vợ nhiều hơn. Chị Hân tâm sự: “Cho dù thu nhập thấp nhưng nếu muốn tiết kiệm, mình sẽ làm được. Có rất nhiều cách để thực hiện và mình áp dụng sao cho phù hợp hoàn cảnh. Nghe tôi kể chuyện bỏ ống heo, chồng cũng bắt chước "nuôi heo" để thưởng các con vào cuối năm, mua sắm quần áo. Tôi rất vui vì chồng có sự thấu hiểu, hợp tác với vợ”.

Năm rồi con trai chị Tuyết ở quận Cái Răng, vào lớp 10. Do ảnh hưởng dịch bệnh phải học online nên con chị cần có máy tính hoặc điện thoại thông minh. Lúc đó, chị Tuyết định vay tiền hoặc mua trả góp vì lương công nhân của chị mỗi tháng chỉ vừa đủ chi xài, không có dư. Nghe hai mẹ con bàn bạc, chồng chị mua chiếc máy tính cũ của người bạn hơn 6 triệu đồng. Chị Tuyết thắc mắc thì chồng giải thích là tiền tăng ca, làm thêm, để ở cơ quan nên vợ không biết. Sợ vợ nghi ngờ việc lập “quỹ đen quỹ đỏ”, chồng chị Tuyết nói thiệt là số tiền này dành dụm từ năm rồi định đổi xe cho vợ đi làm vì chiếc xe đã quá cũ, nay thấy việc học của con cần hơn nên mua máy tính trước. Chị Tuyết chia sẻ: “Nghe chồng kể, tôi rớt nước mắt vì thương ảnh. Hèn chi bữa giờ thấy ảnh bớt nhậu, hay nhận thêm việc để làm, còn kèm các môn tự nhiên để con khỏi học thêm”. Sau khi bàn bạc, chồng chị Tuyết mua về một con heo đất to rồi đề xuất cả nhà cùng nuôi. Chị Tuyết để ý, đi làm về có ít tiền lẻ chồng cũng nhét vào heo, khác hẳn lúc trước, cứ để lung tung hoặc cho con. Mỗi khi có thu nhập tăng thêm hoặc tiền làm thêm, anh nói với vợ, nếu chưa cần xài thì tiếp tục bỏ ống. Thấy chồng như vậy, chị Tuyết cũng cân đối lại chợ búa, mua sắm, cùng nhau tích lũy cho tương lai.

Năm nay, vợ chồng chị Thu Nga ở quận Ninh Kiều, đón xuân trong nhà mới. Mấy năm trước, thấy nhà đã xuống cấp, chị Nga bàn với chồng để dành tiền để sữa chữa, thiếu thì vay mượn thêm. Công việc chồng chị Nga không ổn định, mọi chi tiêu phần lớn dựa vào lương, thưởng của chị nên anh e dè, sợ khó thực hiện. Chị Nga động viên chồng, nếu muốn sẽ làm được, chỉ cần quyết tâm. Chị Nga lên kế hoạch nhờ chồng đưa rước con mỗi ngày, phụ chăm sóc con, lo cơm nước để chị dành thời gian nhiều hơn cho công việc, thu nhập vì vậy cũng tăng lên. Chị Nga tham gia các nhóm tương trợ trong cơ quan như một hình thức bỏ ống, còn nuôi thêm 2 con heo đất. Cuối tuần, vợ chồng chị về Vĩnh Long thăm nhà, kết hợp mua cá thịt, rau củ của gia đình và hàng xóm, giá vừa rẻ vừa ngon, sơ chế để dành ăn dần. Nếu người quen có nhu cầu, chị Nga sẽ mua số lượng lớn về chia lại, có chút lời bù vào tiền xăng. Gần 2 năm dành dụm, chị Nga đủ tiền sơn sửa nhà, làm lại khu vực bếp, tráng cái sân, trồng hoa thật đẹp. Chị Nga cho biết: “Tôi đang để dành tiền mai mốt làm cái gác lửng cho con gái lớn, để căn phòng hai chị em đang ở cho gái út. Hồi xưa miếng đất này chúng tôi cũng vay ngân hàng mua, trả tiền từ từ. Ráng chịu khó, mình sẽ được thành quả xứng đáng”.

Tùy hoàn cảnh, mỗi cặp vợ chồng sẽ có cách thức phù hợp, cùng nhau tích cóp thực hiện kế hoạch về nhà cửa, học hành, mua sắm…, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Để có sự đồng lòng, thuận lợi trong quá trình thực hiện, vợ chồng cần thảo luận thẳng thắn, cởi mở để thống nhất mục đích, cách sử dụng tiền. Tiết kiệm ở đây không phải thắt lưng buộc bụng thái quá, mà là cắt giảm chi tiêu hợp lý, để các thành viên đều thoải mái, vui vẻ, cùng đóng góp. Không ít anh chị vừa dành dụm vừa nghĩ ra cách kiếm thêm tiền rất hiệu quả. Cũng từ sự cùng xoay sở, chia sẻ trách nhiệm với nhau trong gian khó mà gắn kết tình nghĩa, vun đắp trọn vẹn hơn hạnh phúc gia đình.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết