12/07/2013 - 20:42

Tỉ phú thương binh ở làng kềm

Thương binh Lê Nhựt Thâu vượt qua thương tật, vươn lên làm giàu từ nghề làm kềm cắt móng. 

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, tỉnh Bến Tre có trên 15.000 thương binh. Trong chiến đấu, những người con quê hương Đồng Khởi không ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh xương máu của mình để đánh bại kẻ thù. Về với đời thường, dù mang trên mình thương tật, hàng ngàn thương binh tỉnh Bến Tre vẫn tiếp tục thi đua sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp. Thương binh Lê Nhựt Thâu, ở xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, là tấm gương thương binh tuy "tàn nhưng không phế", vượt qua thương tật, vươn lên làm giàu, giải quyết việc làm cho hộ nghèo tại địa phương.

Hôm chúng tôi đến cơ sở sản xuất kềm cắt móng của thương binh Lê Nhựt Thâu, cũng là lúc gia đình anh đang chuẩn bị làm đám cúng cơm cho ông tổ nghề kềm cắt móng xã Mỹ Thạnh - ông Võ Văn Bảo (Tư Bảo).

Ông Tư Bảo là người khai sinh và góp phần tạo nên tên tuổi làng nghề truyền thống kềm cắt móng xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Ông mất ngày 25-5-2009 âm lịch, con cháu của ông vẫn giữ lấy nghề truyền thống của gia đình, trong đó anh Thâu, người con rể mà ngày xưa ông từ chối dạy nghề vì ông nghĩ anh chỉ có một tay không thể làm công việc vừa tốn sức, vừa đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi tay. Nhưng với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, anh Thâu đã làm ra những chiếc kềm gọn, đẹp trong sự cảm phục, quý mến của ông Tư Bảo.

Anh Thâu xuất thân trong một gia đình nông dân ở ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh. Năm 1981, tròn 18 tuổi, anh tham gia nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Đầu năm 1982, trong lúc chuyển cứ, anh bị bom nổ mất cẳng tay trái và ngón trỏ tay phải, cùng nhiều vết thương khác trên mình. Sau thời gian điều trị, an dưỡng, giữa năm 1983, anh phục viên về quê nhà, với tỷ lệ thương tật 71%, thương binh 2/4.

Trở về với đời thường, lúc đầu, cuộc sống của thương binh Lê Nhựt Thâu gặp muôn vàn khó khăn. Những lúc trái gió, trở trời làm vết thương đau nhức, những ánh mắt lạ lẫm của một số người nhìn vào cánh tay bị cụt làm anh mặc cảm, buồn chán, có lúc buông xuôi cho số phận.

Rồi như duyên nợ đẩy đưa, thương binh Lê Nhựt Thâu và cô gái Võ Thị Bé Bảy ở ấp Chợ có tình cảm với nhau, nên duyên vợ chồng năm 1985. Chị Bé Bảy là con gái thứ 7 của ông Tư Bảo. Anh cũng bắt đầu khởi nghiệp với nghề kềm cắt móng kể từ lúc này.

Nhớ lại ngày mới vào nghề, anh Thâu bộc bạch: "Những ngày đầu tiên làm kềm khó khăn lắm, tay mình mất mà cứ tưởng còn nguyên, đưa thanh sắt lên tay trái để nắm tạo thế làm kềm mới thấy không còn. Nhiều lần tôi phải cắn răng đau đớn vì đầu tay cụt chảy máu vì dùng làm điểm đỡ thanh sắt để mài, giũa. Rồi tôi nghĩ ra cách dùng vải, vỏ xe đạp quấn tay để không bị thương, cứ thế ngày đêm mày mò học nghề...". Với ý chí, quyết tâm của mình, trong một thời gian ngắn, anh Thâu đã trở thành người thợ làm kềm cắt móng giỏi tay nghề ở làng nghề Mỹ Thạnh.

Làm thuê cho gia đình bên vợ đến năm 1989, với nguồn vốn tích lũy và vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 2 triệu đồng, anh Thâu đầu tư mở cơ sở gia công kềm cắt móng cho riêng mình. Lúc đầu, anh nhận vài công nhân phụ việc. Công việc thuận lợi, anh tiếp tục đầu tư tăng lên 10 máy gia công kềm và nhận phôi giao cho các vệ tinh gia công. Từ năm 2005 đến nay, anh gắn kết với Công ty Kềm Nghĩa ở TPHCM sản xuất kềm cắt móng. Lúc đầu, anh làm đối tác giao nhận sản phẩm và sau này trực tiếp nhận phôi về để cho công nhân tại cơ sở và các vệ tinh gia công các công đoạn, khi thành phẩm anh giao về công ty thực hiện các công đoạn cuối để xuất khẩu. Bình quân mỗi tháng cơ sở của anh Thâu nhận gia công cho Công ty Kềm Nghĩa khoảng 160.000 sản phẩm kềm cắt móng. Ngoài nhận gia công sản phẩm, anh Thâu cũng đã đầu tư mua máy dập để trực tiếp sản xuất kềm cắt móng cung cấp trên thị trường.

Với việc tăng quy mô sản xuất, anh Thâu đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động ở địa phương và các nơi lân cận. Nhờ được trang bị máy móc đầy đủ, nên lao động làm việc cho anh Thâu không phải tốn nhiều sức lực, chủ yếu dùng máy thao tác theo khuôn mẫu có sẵn. Mỗi công nhân được anh trả lương dao động từ 2 triệu đến 4,5 triệu đồng/tháng.

Ông Trần Khắc Vũ, hộ nghèo ở ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh, cho biết: "Trước đây, tôi làm thuê, làm mướn bằng nghề bốc vác, nhưng làm việc nặng thời gian dài, bị bệnh cột sống không thể làm được nữa. Nhờ được vệ tinh của anh Thâu giao kềm tận nhà để gia công công đoạn binh kềm, giúp tôi có thu nhập khoảng 2 triệu đồng mỗi tháng, cuộc sống gia đình giảm bớt phần nào khó khăn". Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, ở xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, cho biết: "Qua người quen giới thiệu, tôi tìm đến xin vào làm việc cho cơ sở của anh Thâu hơn 1 năm nay. Bình quân, mỗi ngày tôi cắt chỉ kềm 4.000 cây, tiền công giá 30 đồng mỗi cây. Với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng bằng với mức lương mà tôi làm công nhân ở TPHCM trước đây, nhưng tôi không phải tốn nhiều chi phí cho việc đi về và có điều kiện chăm lo cho gia đình tốt hơn".

Cuối năm 2012, qua vận động của chính quyền địa phương, thương binh Lê Nhựt Thâu đứng ra huy động các hộ làm nghề kềm cắt móng ở xã Mỹ Thạnh thành lập Hợp tác xã kềm cắt móng Mỹ Thạnh để cùng người dân làng nghề hợp tác, liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm số lượng lớn hơn để mở rộng thị trường, phát triển làng nghề đi lên. Ngoài nhận gia công sản phẩm, anh Thâu cũng đã đầu tư mua máy dập để trực tiếp sản xuất kềm cắt móng cung cấp trên thị trường.

Ông Lê Văn Thanh, cán bộ Hội Cựu chiến binh huyện Giồng Trôm, nói: "Thương binh Lê Nhựt Thâu không chỉ là tấm gương thương binh tiêu biểu về thoát nghèo, làm giàu ở xã Mỹ Thạnh mà còn được huyện, tỉnh ghi nhận, tuyên dương. Năm 2012 vừa qua anh Thâu được UBND tỉnh Bến Tre tặng bằng khen Vì thành tích xuất sắc trong phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2007 - 2011. Hội Cựu chiến binh huyện Giồng Trôm đã và đang chọn tấm gương anh Thâu trong phát động thực hiện phong trào thi đua Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi trên địa bàn".

Người xưa có câu "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay" ngụ ý muốn nói có đôi mắt sáng và tầm nhìn xa, sự cần mẫn chăm chỉ của đôi tay là yếu tố quyết định sự giàu nghèo. Khởi nghiệp từ trong gian khó, gần 30 năm đến với nghề kềm cắt móng, dù chỉ có một tay nhưng nhờ dám nghĩ, dám làm và bằng nghị lực của mình, thương binh Lê Nhựt Thâu đã vươn lên ổn định cuộc sống, làm giàu, có trong tay tài sản tiền tỉ. Hiện tại, với nghề gia công và sản xuất kềm cắt móng, mỗi tháng sau khi trừ các chi phí anh còn lãi từ 15 đến 20 triệu đồng. Ngoài việc giải quyết việc làm cho lao động nghèo, những năm qua anh hưởng ứng tích cực các phong trào do địa phương phát động bằng việc đóng góp gần 100 triệu đồng để xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, giúp đỡ người nghèo và xây dựng giao thông nông thôn.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết