26/04/2010 - 20:37

THỦY SẢN VIỆT NAM

Tiềm năng và phát triển

Chăm sóc cá tra nuôi. Ảnh: NAM HƯƠNG

Trong khuôn khổ Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ I năm 2010, tại nhà hàng Hoa Sứ, TP Cần Thơ, vừa diễn ra Hội thảo “Thủy sản Việt Nam: Tiềm năng - phát triển và hội nhập”. Tại đây, nhiều ý kiến về thực trạng, tiềm năng và phát triển của ngành thủy sản được báo cáo, thảo luận khá sôi nổi. Chúng tôi xin lược ghi một số tham luận tại Hội thảo này.

GIÁO SƯ-TIẾN SĨ NGUYỄN THANH TUYỀN-HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ TÀI CHÍNH TP HỒ CHÍ MINH:

THỦY SẢN VIỆT NAM ĐÓNG GÓP LỚN NHƯNG CHỊU NHIỀU ÁP LỰC VÀ THÁCH THỨC

Với tổng chiều dài của bờ biển hơn 2.600km, dọc theo đó là 15 ngư trường (kể cả 2 ngư trường ở vịnh Thái Lan), phần lớn có khả năng khai thác quanh năm, đặc biệt với trên một triệu ha nuôi trồng, ngành thủy sản là một lợi thế của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành thủy sản Việt Nam thu hút, giải quyết việc làm hơn 4 triệu lao động, chưa kể số lao động gián tiếp qua các khâu trung gian như công nghiệp chế biến, các dịch vụ xuất khẩu, hệ thống thương mại, nhà hàng, khách sạn, nghề đóng tàu thuyền đánh cá... Giá trị sản lượng thủy sản hằng năm đạt khoảng 120.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng và đạt 4,2 tỉ USD năm 2009 và dự kiến năm 2010 đạt khoảng 4,5 tỉ USD (chỉ đứng sau dầu thô và dệt may). Với những gì đã và đang đóng góp, ngành thủy sản Việt Nam hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển vượt bậc trong tương lai.

Tuy nhiên, ngành thủy sản đối mặt với không ít áp lực và thách thức trong quá trình phát triển cần phải giải quyết. Điển hình như: phương tiện, kỹ thuật đánh bắt xa bờ với quy mô nhỏ và còn lạc hậu; hậu cần ngành thủy sản còn thiếu đồng bộ. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng thủy sản với mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng cao, chủ động phòng trị dịch bệnh còn nhiều hạn chế; nguồn nguyên liệu thủy sản cung ứng nhiều thời điểm thiếu ổn định bởi tác động của thị trường. Xuất khẩu thủy sản tuy có gia tăng nhưng chịu nhiều sức ép cạnh tranh, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy kết bán phá giá của Mỹ và các nước Tây Âu... gây nhiều bất lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các sự kiện về biến đổi khí hậu, nước mặn thâm nhập (đặc biệt ở ĐBSCL) tác động không nhỏ đến diện tích, sản lượng, chất lượng và tính ổn định của nuôi trồng thủy sản, thậm chí làm tái nghèo đối với không ít hộ dân cư.

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHÔI - GIÁM ĐỐC CHỨNG NHẬN - ITERTEK VIỆT NAM :

SẢN XUẤT THEO NHỮNG QUY ĐỊNH CÁC THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU ĐỂ ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU SẢN PHẨM THỦY SẢN

Để có cơ sở và niềm tin đối với sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ Việt Nam xuất khẩu sang EU, các khách hàng châu Âu thường lựa chọn mua hàng từ các đơn vị chế biến kinh doanh có hệ thống kiểm soát và quản lý tốt về các yếu tố ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thủy hải sản cũng phải lựa chọn và áp dụng các mô hình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm theo các quy định của châu Âu. Nếu như trước đây, các doanh nghiệp chỉ cần áp dụng HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn), ISO9000 (bộ tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng) thì hiện nay áp dụng tiêu chuẩn BRC (tiêu chuẩn thực phẩm toàn cầu), IFS (tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế), ISO22000 (tiêu chuẩn quốc tế kết hợp và bổ sung các yếu tố trọng tâm của tiêu chuẩn ISO9001 và các nguyên tắc HACCP) đang là điều kiện mua hàng của các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng. Tính đến nay, cả nước có khoảng 90 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn BRC và khoảng 50 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn IFC. Điều đáng quan tâm là các doanh nghiệp này luôn nằm trong tốp 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. Đối với 2 đối tượng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là con tôm và cá tra, cá ba sa chỉ mới có 1 vùng nuôi tôm và 4 vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP (sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế).

Với kết quả trên, ta có thể thấy, tỷ lệ rất thấp các doanh nghiệp chế biến và vùng nuôi đạt được trình độ quản lý theo yêu cầu, quy định của EU. Bởi lẽ, sử dụng Global GAP thực sự không dễ dàng đối với các vùng nuôi thủy hải sản: nước phải được bơm trực tiếp từ sông, phải qua quá trình lắng; phần nước thải phải được lưu ở ao lắng cho chất thải chìm xuống; phải có cam kết và kinh phí thực hiện...

ÔNG LÊ VĂN KHÁNG, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY SẢN VÀ XUẤT NHẬP KHẨU CÔN ĐẢO - VŨNG TÀU:

SỨC MUA, SỰ CHẤP NHẬN CHẤT LƯỢNG CỦA THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU LÀ ĐÒN BẨY THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NGÀNH THỦY SẢN

Nếu nói đến việc tăng cường xuất khẩu thủy sản, phải đề cập ngay đến các thị trường hiện hữu đang tiêu thụ đáng kể các mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Chính sức mua cũng như sự chấp nhận chất lượng thủy sản Việt Nam là đòn bẩy thúc đẩy việc phát triển ngành ngày càng quy mô cả về chất và lượng.

Điển hình một số thị trường cụ thể như sau: Đối với thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, hai thị trường hiện đang đứng đầu, tương đối ổn định và tương đối dễ chấp nhận đối với hầu hết các nước, khu vực nhập khẩu hải sản Việt Nam. Là 2 thị trường không khắt khe trong vấn đề vi sinh, nhưng lại rất chú trọng đến qui cách chất lượng hải sản. Từ năm 2009 đến nay - trong giai đoạn bình ổn dần nền kinh tế sau suy thoái - thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản đã dần ổn định và chấp nhận các sản phẩm chất lượng thấp nhằm đảm bảo giá cả ổn định cho đầu vào. Các nước liên minh châu Âu (EU), là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên tới 34 tỉ USD. Vì đây là một cộng đồng rộng lớn, thị hiếu đa dạng, đồng euro hầu như không bị ảnh hưởng bởi đồng USD nên về chiến lược xuất khẩu lâu dài thì không nhà xuất khẩu nào có thể bỏ qua. Mặt khác, đây là thị trường luôn sôi động ngay cả trong thời điểm suy thoái kinh tế. Bên cạnh trừ tiêu chuẩn vi sinh - là tiêu chuẩn tuyệt đối để vào thị trường này, sự khắt khe đối với chất lượng tiêu chuẩn sản phẩm không rõ rệt lắm. Dù đây là thị trường đầy tiềm năng và ổn định nhưng không phải nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam nào cũng có khả năng khai thác và duy trì được. Bởi thị trường này kiểm soát vi sinh sản phẩm rất chặt; nhà xuất khẩu phải có Code EU , duy trì HACCP thật nghiêm ngặt. Đặt biệt, năm 2010, hải sản xuất khẩu vào EU phải áp dụng xác nhận vùng đánh bắt (quy định IUU)... Đây là các rào cản kỹ thuật mà không phải nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam nào cũng có thể kiểm soát và thực hiện được...

Theo tôi, chỉ lo nguồn lợi thủy sản Việt Nam không còn đủ cung cấp trên toàn thế giới một khi mà sản phẩm thủy sản Việt Nam được thị trường chấp nhận. Bởi vì nguồn lợi thủy sản nếu không có chính sách bảo quản, nuôi trồng thì sẽ cạn kiệt; một số sản phẩm nuôi trồng với số lượng và qui mô lớn nhưng chưa có kế hoạch và phương hướng bao tiêu hợp lý thì sẽ dẫn đến việc các nhà xuất khẩu Việt Nam đã tự cạnh tranh với nhau ngay tại “sân nhà” dẫn đến hậu quả không đủ sức cạnh tranh với các nhà xuất khẩu ngành thủy sản trên thế giới.

TIẾN SĨ FLAVIO CORSIN - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM QUỐC TẾ CHO SỰ PHÁT TRIỂN ỔN ĐỊNH CỦA NGHỀ CÁ VÀ THỦY HẢI SẢN (ICAFIS):

CẢI THIỆN KHẢ NĂNG ĐIỀU HÀNH, HƯỚNG TỚI THỊ TRƯỜNG

Công việc của ICAFIS là tập trung không chỉ phát triển và tiến hành kế hoạch ở Việt Nam và nước ngoài để ủng hộ sự phát triển ổn định, mà còn cung cấp dịch vụ đến người nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Mục tiêu của ICAFIS là để cải thiện sự phát triển bền vững của việc sử dụng khả năng điều hành tiến tới cơ chế tới thị trường. Việc xây dựng cơ chế dẫn đầu thị trường của chúng tôi là cơ bản dựa trên một đội ngũ lớn với kiến thức chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Ví dụ điển hình của hoạt động hướng tới thị trường như quản lý hợp tác các kế hoạch hoạt động tại vịnh (IMOLA). Mục tiêu của kế hoạch này là hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc thúc đẩy các hoạt động đánh bắt truyền thống tại địa phương trong sự quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên. Suốt nhiều thập kỷ qua, nghề nuôi tôm ở Thừa Thiên Huế (cũng như trên thế giới) đối đầu với nhiều thách thức. Để hỗ trợ những người nông dân quy mô nhỏ tiếp cận những thách thức này, BMP (thực hành quản lý tốt hơn) đã được phát triển và tiến hành ở Huế. Kế hoạch của IMOLA là ủng hộ BMP. Những nỗ lực này chính yếu tập trung vào cải thiện số lượng và chất lượng của sản phẩm. Sự phản hồi mục đích gia tăng nhu cầu thị trường cho chuẩn mực chất lượng, sự chấp thuận với giấy chứng nhận và đòn bẩy dựa trên nhu cầu, kế hoạch bắt đầu khám phá những khả năng để tiến hành chuẩn mực, chứng nhận và nhãn hiệu... Ngoài ra, ICAFIS còn viện trợ cho các hoạt động về sự sống hoang dã và các đàm luận về thủy hải sản; tiến tới việc chứng nhận Hội đồng quản lý hàng hải (MSC)...

Trong thời gian tới, ICAFIS có trách nhiệm trong thúc đẩy phát triển bền vững lĩnh vực liên quan. Nỗ lực tương lai của ICAFIS là sẽ hướng tới việc tiếp tục thúc đẩy tiến hành BMP và đánh giá thách thức cho sự chấp thuận với chuẩn mực và chứng nhận. ICAFIS tiếp tục khuyến khích mối quan tâm của các nhà máy xử lý cá Việt Nam và bán lẻ nước ngoài để gia tăng mối liên hệ bền vững giữa nhà sản xuất và thị trường. Đồng thời, chúng tôi sẽ cung cấp tư vấn cho các đơn vị độc lập có sự lựa chọn thích hợp cho thương mại để làm tối đa lợi nhuận và sự bền vững lâu dài.

HÀ TRIỀU (lược ghi)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng-Trần Thành Nghiệp: Ngày 28 - 4, trong khuôn khổ dự án “Chuẩn hóa các yếu tố đầu vào, quy trình nuôi và thương hiệu ngành tôm Sóc Trăng”, tỉnh Sóc Trăng sang Brussels-Bỉ dự Hội chợ hàng thủy sản được tổ chức do Công ty TNHH Quản lý nguồn công nghiệp Việt Âu tài trợ. Dự Hội chợ hàng thủy sản tại Bỉ lần này, Sóc Trăng muốn đưa đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, nhà phân phối các nước thông điệp trực tiếp để họ biết đến tiềm năng sản xuất tôm sạch, bền vững của Sóc Trăng, để họ tiếp cận được với thực tế, từ đó có chính sách đầu tư, tiêu thụ mặt hàng tôm của tỉnh. Đó chính là sản lượng tôm nuôi với quy trình nuôi có tính truy nguyên nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm tôm nuôi sạch, mô hình nuôi mang tính bền vững...

Việc nuôi tôm sạch đã được các hộ nuôi trong tỉnh thực hiện nhiều năm nay, nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa giải quyết được. Sự hợp tác giữa Việt Âu với Sóc Trăng lần này nhằm hoàn chỉnh hơn quy trình nuôi để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... Trước mắt, trong năm 2010 sẽ xây dựng mô hình điểm tại Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh. Năm 2011 mở rộng thêm các trang trại lớn, năm 2012 sẽ thực hiện toàn bộ diện tích của Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh và đến năm 2015 nhân rộng ra toàn tỉnh...

X. T


Chia sẻ bài viết