28/02/2024 - 09:11

Thụy Ðiển sắp gia nhập NATO 

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng liên minh quân sự này sẽ sớm trở nên “mạnh mẽ hơn” sau khi Quốc hội Hungary phê duyệt yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Ðiển.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Ðiển Pal Jonson (phải) cùng người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tham quan tàu hộ vệ HSwMS Harnosand. Ảnh: US DoD

“Hiện nay, tất cả các đồng minh trong NATO đã thông qua yêu cầu gia nhập của Thụy Ðiển, nước này sẽ trở thành thành viên thứ 32 của liên minh… Việc Thụy Ðiển gia nhập NATO sẽ làm cho tất cả chúng ta mạnh mẽ và an toàn hơn”, Tổng Thư ký Stoltenberg viết trên mạng xã hội X ngày 26-2.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Chính phủ Mỹ hoan nghênh việc Quốc hội Hungary thông qua yêu cầu của Thụy Ðiển gia nhập NATO. Trong khi đó, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz cho rằng việc Thụy Ðiển gia nhập NATO sẽ là một sự tăng cường đối với an ninh châu Âu và toàn cầu. Trên mạng xã hội X, ông Scholz nhấn mạnh việc phê chuẩn tại Quốc hội Hungary là một chiến thắng cho NATO.

Về phần mình, Thủ tướng Thụy Ðiển Ulf Kristersson cho rằng nước này đã đạt được một bước tiến lớn tới việc trở thành thành viên của NATO.

Trước đó cùng ngày, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary đã bỏ phiếu phê chuẩn yêu cầu gia nhập NATO của Thụy Ðiển, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn quyết định này. Dự kiến, dự luật này sẽ được Tổng thống Hungary ký ban hành thành luật trong vài ngày tới.

Theo quy chế NATO, quyết định kết nạp thêm bất kỳ thành viên nào đều phải được tất cả các quốc gia thành viên đồng thuận thông qua.

“Hồ NATO”

Việc Thụy Ðiển gia nhập NATO sẽ bổ sung thêm mảnh ghép cuối cùng cho liên minh xung quanh bờ biển Baltic vốn có tầm quan trọng chiến lược.

Sau khi Phần Lan chính thức trở thành thành viên NATO vào năm ngoái, tư cách thành viên của Thụy Ðiển có nghĩa tất cả các quốc gia xung quanh biển Baltic, ngoại trừ Nga, sẽ là một phần của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Ðiều đó khiến một số người gọi vùng biển này là “hồ NATO”, trong khi các đồng minh phương Tây giờ đây dường như đang ở vị trí thuận lợi để hạn chế không gian hoạt động của Nga trên tuyến đường vận chuyển quan trọng trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Mát-xcơ-va, theo hãng tin AFP.

Ba quốc gia đặc biệt thở phào nhẹ nhõm trước sự gia nhập của Thụy Ðiển (và Phần Lan) là các nước NATO ở vùng Baltic, gồm Estonia, Latvia và Litva, mà từ lâu đây được coi là “gót chân Achilles” của khối quân sự này.

Các nhà hoạch định chiến tranh đã đau đầu để tìm cách ngăn chặn 3 nước này bị chia cắt nếu lực lượng bộ binh Nga giành lấy “Hành lang Suwalki”, dải dất hẹp dài 65km nằm giữa Kaliningrad và Belarus. Kaliningrad là một tỉnh của Nga nằm lọt giữa Ba Lan và Litva, trong khi Belarus là đồng minh quan trọng của Mát-xcơ-va. Kaliningrad cũng là nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Baltic thuộc quân đội Nga.

Vị trí của Thụy Ðiển nằm ở cả biển Bắc và biển Baltic sẽ mở ra một tuyến đường quan trọng để vận chuyển nhiều lực lượng NATO hơn đến bảo vệ các nước kể trên trong trường hợp bị tấn công. “Nó cho phép lực lượng Mỹ tăng cường kịp thời cho các nước xung quanh biển Baltic, đặc biệt là các quốc gia tiền tuyến”, Tuuli Duneton, Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng của Estonia, nói.

Thụy Ðiển từ lâu đã có quan hệ đối tác chặt chẽ với NATO nhưng tư cách thành viên chính thức sẽ cho phép quốc gia Bắc Âu này hòa nhập hoàn toàn vào các kế hoạch phòng thủ của liên minh. Ngoài bờ biển Baltic dài, Thụy Ðiển còn có đảo Gotland, nơi sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc giúp NATO áp đặt ý chí của khối.

Bổ sung năng lực dưới nước cho NATO

Hôm 26-2, Tư lệnh Hải quân Estonia Juri Saska cho biết khả năng bảo vệ biển Baltic và cơ sở hạ tầng dưới nước của NATO sẽ tăng đáng kể khi Thụy Ðiển gia nhập liên minh quân sự.

Trong khi Ðức có tàu ngầm và Ba Lan đang có kế hoạch mua tàu mới thì Thụy Ðiển đã có nhiều kinh nghiệm về tàu ngầm ở biển Baltic và tích lũy được kiến ​​thức chuyên môn trong lĩnh vực này. “Họ chắc chắn là những chuyên gia giỏi về công nghệ tàu ngầm, công nghệ săn ngầm, các biện pháp đối phó với mìn. Và cả trong cuộc chiến chống tàu mặt nước, khi chúng ta nói về tên lửa diệt hạm”, ông Saksa ca ngợi năng lực dưới nước của Stockholm.

Thụy Điển, với ngành công nghiệp quốc phòng công nghệ tiên tiến, đang tự chế tạo các máy bay chiến đấu, tàu hộ vệ và tàu ngầm, được thiết kế để hoạt động trong môi trường khắc nghiệt của biển Baltic. Nước này đã bắt đầu đóng một lớp tàu ngầm hiện đại mới và các tàu hộ vệ cỡ lớn hơn để phòng thủ bờ biển, trên không.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết