19/03/2020 - 06:56

Thương chiến Mỹ-Trung tái diễn? 

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) gần đây gọi SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc” có thể đẩy Washington trở lại cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, theo nhận định của giới quan sát.

Ảnh: NYT

Đầu năm nay, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận giai đoạn 1 tại Nhà Trắng, đánh dấu bước đi đầu tiên giải quyết thương chiến gần 2 năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Là một phần quan trọng trong thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, số liệu hai tháng đầu năm cho thấy sản xuất công nghiệp Trung Quốc giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ giảm 20,5% trong khi đầu tư tài sản cố định, đầu tư khu vực tư nhân lần lượt sụt 24,5% và 26,4%. Theo dự báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể bị “co lại” trong quý I-2020 và nhiều khả năng giảm tốc nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn tiến nghiêm trọng.

Thỏa thuận thương mại sơ bộ bao gồm điều khoản về những sự kiện không thể lường trước, từ đó tạo ra khung miễn trừ nếu hai bên đều nhất trí. Nhưng trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung còn lắm gập ghềnh, đặc biệt tranh cãi gần đây giữa quan chức hai nước về nguồn gốc đại dịch COVID-19, cơ hội tham vấn mang tính xây dựng là rất hẹp, đồng nghĩa rất khó để tin rằng Trung Quốc sẽ tăng cường nhập hàng hóa Mỹ như đã hứa. Diễn biến này có thể đẩy cuộc chiến thương mại đến giai đoạn nguy hiểm hơn. 

Tiếp tục trả đũa

Trong khi nhà đầu tư đang thận trọng trước nguy cơ thương chiến tái diễn, màn “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Bắc Kinh vừa yêu cầu các nhà báo Mỹ làm việc cho New York Times, Wall Street Journal và Washington Post nộp lại thẻ tác nghiệp trong 2 tuần. Hiện chưa rõ bao nhiêu phóng viên bị ảnh hưởng nhưng tất cả họ chắc chắn không được tiếp tục làm việc tại Trung Quốc. Thông báo cũng yêu cầu chi nhánh của Voice of America, New York Times, Wall Street Journal, Washington Post và Time kê khai thông tin nhân viên, tài chính, tài sản cố định và hoạt động tại Trung Quốc; chính quyền đồng thời áp đặt biện pháp đáp trả tương tự như Mỹ đã hạn chế nhà báo Trung Quốc liên quan các vấn đề như cấp thị thực đưa tin.

Bắc Kinh nói rõ biện pháp mới là cần thiết và “có qua có lại” trước “sự áp bức vô lý” mà các tổ chức truyền thông Trung Quốc đang gặp phải ở Mỹ. Tháng rồi, Washington yêu cầu cắt giảm số lượng phóng viên Trung Quốc thường trú tại Mỹ sau khi Trung Quốc trục xuất 3 phóng viên của Wall Street Journal, trong đó có hai người Mỹ. Trước sự việc lần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng Trung Quốc đang hành xử ngược lại những gì nước này tuyên bố về mở cửa cho truyền thông. Ông Pompeo còn cảnh báo quyết định trên sẽ ảnh hưởng tới việc thông tin về tình hình đại dịch COVID-19 và hy vọng Bắc Kinh sẽ xem xét lại.

Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Trump đã bác bỏ việc ông dùng thuật ngữ “virus Trung Quốc” để chỉ SARS-CoV-2 là mang tính kỳ thị; đồng thời khẳng định đây là cụm từ “rất chính xác”. Theo nhiều người, chủ nhân Nhà Trắng đang trả đũa việc Trung Quốc đổ cho quân đội Mỹ mang virus vào nước họ. Tại cuộc họp hôm 17-3, Tổng thống Trump xác định Bắc Kinh đang tung tin sai lệch. “Thay vì tranh luận với họ, tôi nên gọi virus này bằng cái tên của nơi mà nó xuất hiện đầu tiên. Tôi cho rằng chính việc nói quân đội Mỹ đưa virus vào Trung Quốc mới tạo ra sự kỳ thị” - Tổng thống Trump nhấn mạnh.

Kể từ khi bùng phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm 2019, SARS-CoV-2 đã lây nhiễm cho khoảng 200.000 người trên toàn cầu và khiến 8.000 người tử vong. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, giới phân tích cho rằng hai cường quốc sẽ còn tiếp tục đổ vấy trách nhiệm cho nhau khi có nhiều dự báo về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, NY Post)

Chia sẻ bài viết