04/06/2019 - 18:12

Thuốc mới hứa hẹn kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư 

Tại Hội nghị về bệnh ung thư lớn nhất thế giới diễn ra ở Chicago (Mỹ) cuối tuần qua, nhiều loại thuốc mới đã được giới thiệu sẽ làm tăng cơ hội sống sót cho những bệnh nhân mắc một số dạng ung thư khó điều trị như ung thư phổi, vú, tuyến tụy và tuyến tiền liệt.

Ung thư phổi

Các thuốc được sử dụng trong liệu pháp miễn dịch chẳng hạn như Keytruda (ảnh) đã thay đổi phương pháp điều trị nhiều dạng ung thư. Cụ thể, các nhà khoa học ở Đại học California (Mỹ) đã mời 550 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn tham gia nghiên cứu nhằm tìm hiểu tác dụng của pembrolizumab (tên thương mại Keytruda)- chất ức chế chốt kiểm miễn dịch PD-L1 để giúp hệ miễn dịch loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư. Kết quả cho thấy trong số những người sử dụng Keytruda như là một phần trong liệu pháp ban đầu của họ, thì có 23,2% trường hợp sống thêm ít nhất 5 năm, so với chỉ 15,5% ở nhóm thử các phương pháp điều trị khác trước rồi mới đến Keytruda. Trước đây, chỉ khoảng 5% ca bệnh duy trì sự sống 5 năm.

 Ảnh: Financial Times

Một trong những người hưởng lợi từ liệu pháp miễn dịch Keytruda là Roszell Mack, 87 tuổi. Ông này vẫn có thể làm việc trong một nông trại nuôi ngựa ở Kentucky 9 năm sau khi phát hiện mắc ung thư phổi vốn đã di căn đến xương và hạch bạch huyết. Mack cũng đã gặp phải những tác dụng phụ của thuốc, chủ yếu là đau nhức kinh khủng, nhưng có thể chịu đựng được sau khi bắt đầu sử dụng Keytruda cách đây 4 năm.

Năm 2014, lần đầu tiên thuốc Keytruda của hãng dược Merck được cấp phép để điều trị ung thư hắc tố di căn. Nay Keytruda đã vượt qua Opdivo của công ty Bristol- Myers Squibb để trở thành liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư số một trong lĩnh vực y tế. Doanh số năm nay của Keytruda dự báo vượt 10 tỉ USD và 20 tỉ USD vào năm 2024. Năm ngoái, một nghiên cứu nhỏ đã chứng minh tỷ lệ sống sót 5 năm ở những bệnh nhân ung thư phổi áp dụng liệu pháp miễn dịch Opdivo là 16%.

Ung thư tuyến tiền liệt

Hiện cũng có hai loại thuốc được chứng minh có thể kéo dài sự sống cho những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Trong số 1.125 bệnh nhân nam tham gia nghiên cứu về hiệu quả điều trị của thuốc Xtandi, thì có phân nửa trường hợp vẫn đang áp dụng phương pháp hóa trị liệu. Kết quả sau 3 năm nghiên cứu chỉ ra rằng 80% bệnh nhân uống Xtandi kết hợp các phương pháp điều trị tiêu chuẩn vẫn còn sống, so với 72% trường hợp điều trị nhưng không kèm theo dược phẩm của hãng Pfizer và Astellas Pharma.

Không chỉ Xtandi, thuốc Erleada cũng mang niềm vui đến những người mắc bệnh này. Nghiên cứu trong 2 năm có sự tham gia của 1.052 bệnh nhân được điều trị bằng liệu pháp hoóc-môn có hoặc không kết hợp Erleada. Kết quả rất đáng mừng khi tỷ lệ sống sót ở những ca điều trị có Erleada là 82% và 74% đối với những bệnh nhân ngược lại.

Ngoài hai loại thuốc trên, phái mạnh cũng có thể chọn một trong 4 dược phẩm khác có hiệu quả tương tự, song chưa có nghiên cứu nào so sánh tác dụng của chúng. Chi phí và tác dụng phụ của thuốc có thể giúp bệnh nhân đưa ra quyết định. Hóa trị liệu có thể gây ra tình trạng tê liệt và đau nhói dây thần kinh ở bàn tay, bàn chân và có thể không tốt cho những người bị tiểu đường. Còn Xtandi và Erleada thì có thể khiến bệnh nhân ngất xỉu và té ngã. Trong khi đó, Zytiga nên được dùng chung với steroid để điều trị ung thư tuyến tiền liệt đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Người sử dụng các loại thuốc này có thể phải tốn hơn 10.000 USD/tháng và uống không ngừng.

Ung thư vú

Trong nỗ lực kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư vú, các nhà khoa học Mỹ đã thực hiện thử nghiệm lâm sàng đối với 672 bệnh nhân dưới 59 tuổi bị ung thư vú di căn phổ biến. Theo đó, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Toàn diện UCLA Jonsson (bang California) đã sử dụng loại chế phẩm dưới dạng thuốc viên ribociclib (tên thương hiệu Kisqali) có khả năng ức chế cylin. Kết quả cho thấy 70% bệnh nhân được bổ sung Kisqali vẫn còn sống sau 3 năm rưỡi nghiên cứu, so với 46% ở những trường hợp chỉ áp dụng liệu pháp hoóc-môn và giả dược. Những người sử dụng Kisqali đã sống trung bình 23,8 tháng trong khi bệnh không nặng hơn so với 13 tháng ở bệnh nhân dùng giả dược. Tuy nhiên theo trang GoodRx, thuốc này có giá hơn 12.000 USD cho một tháng điều trị.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Sara Hurvitz, cho biết công trình của họ tập trung vào ung thư vú dương tính với prôtêin tiếp nhận nội tiết tố- chiếm tới 2/3 số ca ung thư vú ở phụ nữ trẻ. Được biết, khoảng 48.000 ca ung thư vú mỗi năm ở xứ cờ hoa là những phụ nữ dưới 50 tuổi. Chỉ riêng trong năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 627.000 phụ nữ trên toàn thế giới chết vì ung thư vú, chiếm khoảng 15% tổng số ca tử vong do ung thư ở phái yếu.

Ung thư tuyến tụy di căn 

Đối với những người bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy di căn, khả năng sống của họ thường sẽ không kéo dài hơn một năm sau đó. Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ mới đây đã nghiên cứu ra loại thuốc mới có thể trì hoãn đáng kể sự phát triển của căn bệnh này, với kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy 1/3 số bệnh nhân được điều trị thuốc đã sống thêm hơn 2 năm tính đến thời điểm này.  Những người được điều trị thí điểm là các bệnh nhân có đột biến gien BRCA - một đặc tính di truyền và làm gia tăng nguy cơ bị mắc bệnh ung thư ở tụy, buồng trứng, tuyến tiền liệt và vú. Sự đột biến gien này ảnh hưởng đến khả năng tự phục hồi các nhiễm sắc thể ADN bị tổn thương trong cơ thể - tình trạng có thể gây ra bởi nhiều yếu tố như hấp thụ quá nhiều ánh nắng Mặt trời hay tiếp xúc với amiăng...

Trưởng nhóm nghiên cứu Hedy Kindler - bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Trung tâm y tế Đại học Chicago, cho biết: "Các tế bào bình thường có thể tự phục hồi sau tổn thương, nhưng các tế bào đột biến thì không thể mà ngược lại còn phát triển theo hướng bất thường". Các nhà khoa học đã tạo ra "chất ức chế PARP" với mục đích giúp các tế bào bị tổn thương tự hồi phục. 

Thử nghiệm đã được thực hiện đối với hơn 3.300 người bị ung thư tuyến tụy, xác định khoảng 250 người có gien bị lỗi. Các nhà khoa học chia các bệnh nhân thành 2 nhóm, trong đó một nhóm được cung cấp một loại thuốc tên là Olaparib, còn nhóm khác được cung cấp giả dược.

Kết quả cho thấy Olaparib có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tới 47% và những người được điều trị bằng thuốc này có thể kiểm soát bệnh lý của mình trong thời gian dài gần gấp đôi (7,4 tháng so với 3,8 tháng) so với những bệnh nhân được điều trị giả dược. 

Ông Kindler cho biết có tới 1/4 số bệnh nhân được điều trị với Olaparib ghi nhận tình trạng khối u co nhỏ lại và diễn biến tích cực này được duy trì trong hơn hai năm. Ông nêu rõ: "Ý nghĩa của nghiên cứu này đó là bạn có thể biến một căn bệnh dự đoán sẽ gây chết người thành một căn bệnh mãn tính, ít nhất là trong một khoảng thời gian và có thể kiểm soát nó".

Obamacare giúp cải thiện việc điều trị bệnh ung thư

Hai nghiên cứu mới đây cho thấy việc triển khai Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ có tên Obamacare đã cải thiện quá trình phát hiện sớm và giúp gần như loại bỏ được khoảng cách sắc tộc trong việc điều trị kịp thời hàng loạt bệnh ung thư tại Mỹ.

Nghiên cứu đầu tiên về tầm soát ung thư buồng trứng do bác sĩ Anna Jo Smith tại Khoa sản Johns Hopkins ở thành phố Baltimore, bang Maryland, đứng đầu. Theo bác sĩ Smith, việc có bảo hiểm y tế đóng vai trò lớn giúp không chỉ nữ giới mà bất kỳ người nào có quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, qua đó có thể phát hiện sớm dấu hiệu ung thư và có biện pháp điều trị cần thiết.

Nghiên cứu thứ hai, do công ty cung cấp dịch vụ và công nghệ chăm sóc sức khỏe Flatiron Health tài trợ, chỉ rõ khoảng cách giữa người Mỹ da trắng và da màu trong cùng thời gian điều trị đã “biến mất” nhờ việc triển khai đạo luật y tế này. Nghiên cứu này dựa trên hồ sơ sức khỏe của 2,2 triệu người bị chẩn đoán mắc các bệnh ung thư di căn, như ung thư phổi tế bào không nhỏ, ung thư vú, ung thư dạ dày và thực quản, ung thư trực tràng, ung thư thận, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư hắc tố.

Kết quả các nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực “khai tử” chương trình này, vốn do người tiền nhiệm Barack Obama ký ban hành hồi năm 2010. Tính đến năm 2016 -2017, đã có 12,7 triệu người tham gia chương trình này.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, CNN)

Chia sẻ bài viết