28/08/2022 - 15:03

Thung lũng Silicon của Đài Loan 

Trong chuyến thăm Ðài Loan hồi đầu tháng 8-2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có cuộc gặp đáng chú ý với chủ tịch Công ty sản xuất chất bán dẫn Ðài Loan (TSMC) Lưu Ðức Âm.

TSMC là nhà cung cấp vi mạch lớn nhất thế giới, chiếm 54% thị phần toàn cầu trong năm 2022. Các thành phần vi mạch do TSMC chế tạo và cung cấp cho những gã khổng lồ công nghệ như AMD, Nvidia, Intel, IBM và Apple, qua đó tạo động lực cho sự tiến bộ của thế giới.

Tại Ðài Loan, TSMC được ví như là “Hộ Quốc Thiên Sơn”, nghĩa là ngọn núi thiêng bảo vệ đất nước, đã biến Ðài Loan thành hòn đảo công nghệ, một phần tất yếu của chuỗi sản xuất toàn cầu.

TSMC tọa lạc tại Công viên Khoa học Tân Trúc, khu công nghiệp được thành lập năm 1980 và nằm cách đại lục khoảng 150km. Công viên này được gọi là “Thung lũng Silicon của Ðài Loan”, bởi nơi đây khai sinh ra các doanh nghiệp thành công trên các lĩnh vực như viễn thông, quang điện tử, máy móc chính xác, công nghệ sinh học và nhất là chất bán dẫn. Công viên Khoa học Tân Trúc được chia thành 6 công viên vệ tinh và sử dụng khoảng 150.000 nhân viên, trong đó công viên Tân Trúc là nơi dành cho ngành công nghiệp mạch tích hợp vốn tạo ra khoảng 70% giá trị sản phẩm đầu ra cho “công viên mẹ”.

Năm 2022, các công ty chip của Ðài Loan dự kiến thống trị thị trường chất bán dẫn thế giới với 66%, tăng 2% so với năm 2021. Ðứng ngay sau Ðài Loan là Hàn Quốc chỉ chiếm chưa tới 20%. Riêng TSMC sử dụng khoảng 65.000 nhân viên, đạt doanh thu hơn 58 tỉ USD năm 2021 và dự kiến tăng mạnh trong năm 2022 khi nguồn cung đang trở nên khan hiếm và đắt đỏ do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy thời gian qua.

Không chỉ châu Âu và Mỹ mà cả Trung Quốc cũng phụ thuộc vào TSMC. Riêng Trung Quốc phụ thuộc 35% chất bán dẫn từ Ðài Loan. Thế nên, việc Trung Quốc đe dọa muốn thống nhất Ðài Loan có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với nền công nghiệp bán dẫn quốc tế.

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết