Tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”
Tôi bắt gặp niềm vui, sự tin tưởng, kỳ vọng vào thế hệ trẻ của ông Ba Ngay, bà Bảy Minh Châu trong ánh mắt, nụ cười của thầy Lê Văn Quới, một nhà giáo cả đời tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Tốt nghiệp Ðại học Sư phạm (Sài Gòn), thầy Lê Văn Quới được bổ nhiệm về Cần Thơ dạy môn văn tại Trung học Phan Thanh Giản (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm) vào năm 1964. Người thầy giáo hiếu học quê ở Bến Tre ấy đã chọn Cần Thơ làm quê hương thứ hai và chứng kiến bao sự đổi thay, phát triển của TP Cần Thơ trong hơn 60 năm qua. Thầy còn nhớ ngày 30-4-1975, cũng như bao cư dân ở nội thành, sau những giờ phút lo sợ cảnh bom rơi, đạn lạc, thầy vui mừng khi đất nước độc lập, hết cảnh bom đạn đau thương. Trong ngày hòa bình đầu tiên, khu vực quanh nơi gia đình thầy sinh sống trên đường Phan Thanh Giản (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh), xóm Cả Ðài, hẻm Hai Ðịa, hẻm Vú Sữa, hẻm 178, khu vực Cầu Củi… không khí mừng đất nước độc lập, thống nhất náo nhiệt chưa từng có.
Các con, cháu của thầy Lê Văn Quới họp mặt chúc Tết và chúc mừng kỷ niệm 53 năm ngày cưới của cha mẹ. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Ấn tượng đọng lại sâu sắc trong tâm trí thầy là sau giải phóng dù cuộc sống nhiều khó khăn, thiếu thốn, vất vả nhưng khí thế lao động, làm việc để xây dựng đời sống mới diễn ra sôi nổi. Chỉ vài tháng sau ngày 30-4-1975, cùng với nhiều giáo viên khác, thầy và vợ (cô Nguyễn Thanh Mai) được phân công trở lại dạy tại Trường Cấp 3 thành phố. Ðể bảo đảm giảng dạy tốt chương trình mới, theo yêu cầu mới, bên cạnh dự các lớp tập huấn, thầy cật lực tìm tài liệu tự học tập, trang bị những kiến thức còn thiếu hụt. Khi được phân công về dạy tại Trường Cấp 3 An Thôn Trang, mỗi ngày đạp xe cọc cạch đi về, thầy quyết tâm phải làm thật tốt nhiệm vụ của mình. Từ năm 1978 đến 1982, với vai trò hiệu phó chuyên môn, thầy cùng Ban Giám hiệu trường không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
Từ năm 1983, do yêu cầu giảng dạy học sinh khối chuyên để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, thầy được điều động trở về Trường THPT Châu Văn Liêm giảng dạy, giữ vai trò Tổ trưởng bộ môn Văn cho đến khi nghỉ hưu. Liên tục trong nhiều năm, thầy được Sở cử làm thanh tra kiêm nhiệm môn văn, làm giám khảo trong các kỳ thi giáo viên giỏi của tỉnh. Gần 40 năm đứng trên bục giảng, thông qua những bài giảng hay, những câu chuyện lôi cuốn, thầy đã truyền thụ cho nhiều thế hệ học sinh lòng nước, yêu quê hương, gia đình; khơi dậy, hun đúc trong học sinh ý chí phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành những con người có ích, có trách nhiệm với gia đình và xã hội…Thầy đã góp phần bồi dưỡng nhiều giáo viên giỏi, đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi, đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, quốc gia, tuyển sinh đại học. Ðặc biệt là luôn quan tâm động viên, giúp đỡ nhiều học sinh nghèo vươn lên thành đạt… Nhiều đồng nghiệp, các thế hệ học trò còn thán phục thầy cô về hành trình vượt khó, nuôi dạy 2 con trai trở thành những nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu giá trị. Cả hai cùng được phong hàm Phó Giáo sư vào năm 2014. Trong đó, con trai lớn là PGS. TS Lê Nguyễn Ðoan Duy (sinh năm 1972) được đào tạo tiến sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học tại Pháp, hiện là Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm Trường Ðại học Công thương TPHCM; con trai kế là PGS. TS Lê Nguyễn Ðoan Khôi (sinh năm 1974) được đào tạo tiến sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại Hà Lan, hiện là Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Ðại học Cần Thơ. Nhắc đến 2 con trai, thầy nói rằng như là một cái duyên, năm 1966, thầy vinh dự là một trong 19 người trong Ban vận động thành lập Trường Ðại học Cần Thơ (đứng đầu là bác sĩ Lê Văn Thuấn), sau nầy 2 con trai của thầy được Trường Ðại học Cần Thơ đào tạo bồi dưỡng, trưởng thành. Giờ thầy rất vui trong 4 cháu nội, có cháu Lê Nguyễn Hà Thanh (con gái của Ðoan Khôi) quyết nối nghiệp ông nội làm cô gái dạy văn. Hà Thanh hiện là sinh viên năm thứ 2 ngành Sư phạm Ngữ Văn, Trường Ðại học Cần Thơ.
Ở tuổi 83, thầy Lê Văn Quới vẫn đọc sách báo, xem tin tức thời sự hàng ngày và biết rõ tình hình phát triển của thành phố, đất nước. Thầy nói, nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, thầy rất vui vì thành phố, đất nước mình đạt nhiều thành tựu to lớn, vị thế trong khu vực và thế giới được khẳng định, trong đó, Cần Thơ từng bước khẳng định là đô thị trung tâm vùng ÐBSCL. Thầy mong các thế hệ lãnh đạo thành phố làm sao khơi dậy được khí thế hăng hái lao động, sản xuất, cống hiến như những năm đầu hòa bình thì Cần Thơ sẽ phát triển nhanh hơn, đạt những kết quả to lớn hơn nữa…
Tin tưởng điều tốt đẹp ở tương lai
Ở tuổi 71, bà Phạm Thị Kim Lan (nhà ở đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều) vẫn toát lên vẻ năng động, sự chỉn chu, đặc biệt là nguồn năng lượng sống lạc quan, tích cực. Quen biết bà nhiều năm, chứng kiến những năm tháng bà tất tả chạy ngược xuôi, làm đủ thứ việc để lo cho 4 con ăn học, nhưng trong hoàn cảnh nào, trên môi bà cũng nở nụ cười tươi tắn.
Vợ chồng bà Phạm Thị Kim Lan hạnh phúc khi 4 con và dâu, rể đều thành đạt, gia đình êm ấm. Ảnh: Gia đình cung cấp
Nhắc đến ngày 30-4-1975, trong lòng bà dâng lên nhiều cảm xúc. Như nhiều cư dân nội thành, trong niềm vui chấm dứt chiến tranh, bà và gia đình cũng không khỏi lo lắng về tương lai, bởi nguồn thu nhập chính từ những căn phố cho thuê để nuôi sống gia đình hơn 10 người từ nay không còn nữa. Thấu hiểu nỗi lo của cha mẹ, cô sinh viên văn khoa xinh đẹp Kim Lan quyết định tập tành ra chợ mua bán. Tinh thần lạc quan của Kim Lan cũng truyền cho ba mẹ, người thân và cuộc sống gia đình cô dần ổn định với công việc mua bán rau củ quả ở chợ và tại nhà. Kết hôn với bạn học là sinh viên ngành luật, rồi 4 con lần lượt ra đời, vợ chồng bà thống nhất với nhau dù cực khổ đến đâu cũng phải lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Vì các con, bà không từ nan bất kỳ công việc lao động chính đáng nào. Bà làm đủ thứ việc: bán ăn sáng, may đồ giao cho tiệm, làm kẹp tóc bỏ mối cho các chợ. Nhận thấy nhiều người có nhu cầu học tiếng Anh, bà nhận dạy kèm rồi tổ chức lớp dạy tại nhà, nhận dạy nấu ăn cho người nước ngoài… Cả ngày bà tất bật với 5 ca dạy thêm nhưng bà thấy vui vì cả 4 con đều rất ngoan, học hành chăm chỉ và biết phụ giúp cha mẹ từ nhỏ. Khi một số dự án ở nước ngoài triển khai tại Cần Thơ, cần người thông thạo tiếng Anh, bà có nguồn thu nhập ổn định khi tham gia làm các dự án. Bà kể: “Khi làm cho các công ty nước ngoài, tôi có nhiều cơ hội để học tập và làm việc ở nước ngoài, nhưng tôi quyết chọn công việc làm tại nhà để kề cận chăm sóc, dạy dỗ các con. Vợ chồng tôi luôn dạy các con phải giữ phẩm chất đàng hoàng, đoan chính, phải luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, chú ý hình thành cho con lối sống tích cực, lạc quan, luôn hy vọng về tương lai tốt đẹp”. Thương cha mẹ vất vả, các con của bà sớm biết tự chăm sóc, bảo ban nhau học hành và trong thời gian học đại học, tất cả đều đi dạy kèm để phụ thêm chi phí sinh hoạt, học hành. Hành trang quý báu cha mẹ truyền cho đã giúp các con của bà có những bước tiến vững vàng trên con đường học tập, thực hiện hoài bão của mỗi cá nhân. Cả 4 con bà đều thành đạt, con gái lớn Văn Phạm Ðan Tú công tác trong ngành bảo hiểm; con trai thứ hai và con gái thứ ba là Văn Phạm Ðăng Trí, Văn Phạm Ðan Thủy đều tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, đều được phong hàm Phó Giáo sư, đang giảng dạy tại Trường Ðại học Cần Thơ; con gái út Văn Phạm Ðan Tuyến tốt nghiệp Thạc sĩ tại Nhật, đang công tác tại TP HCM. Gia đình bà Phạm Thị Kim Lan nhiều năm được bình chọn, tuyên dương là gia đình hiếu học tiêu biểu của quận Ninh Kiều, hiện có 5 người con (2 con và dâu, rể) là đảng viên.
Nhắc đến hành trình gần 50 năm không ngừng nỗ lực để hoàn thành ước mơ nuôi dạy các con nên người, thành đạt, trong đôi mắt người mẹ kiên cường vượt khó ấy lấp lánh những giọt nước mắt hạnh phúc. Bà nói, có lẽ tinh thần lạc quan, luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong tương lai đã giúp bà vượt lên mọi khó khăn để tạo dựng tương lai tươi sáng cho các con.