28/09/2019 - 21:17

Thức uống bù nước tốt nhất cho cơ thể 

Khi bạn khát và cần uống, loại thức uống nào là tốt nhất? Tất nhiên bạn nghĩ ngay tới một ly nước, nhưng nước đơn thuần không phải là đồ uống chống mất nước tốt nhất - theo nghiên cứu của Đại học St. Andrew ở Scotland, sau khi các chuyên gia so sánh các phản ứng hydrat hóa (giữ nước cho cơ thể) của nhiều loại đồ uống khác nhau.

Nước cam tươi và sữa là hai trong số các thức uống bù nước tốt. Ảnh: lifealth

Nước cam tươi và sữa là hai trong số các thức uống bù nước tốt. Ảnh: lifealth

Bảo đảm cơ thể luôn đủ nước có ý nghĩa rất quan trọng, bao gồm giúp đưa các chất dinh dưỡng đến mọi tế bào, chống viêm nhiễm và bôi trơn các khớp xương. Các nhà nghiên cứu cho biết mặc dù nước có tác dụng khá tốt khi nhanh chóng bù nước cho cơ thể, song thức uống chứa một chút đường, chất béo hoặc prôtêin thậm chí còn làm tốt hơn trong việc giúp chúng ta giữ nước. Lý do là cơ thể chúng ta phản ứng khác nhau với từng loại đồ uống - theo Giáo sư Ronald Maughan, trưởng nhóm nghiên cứu.

Một trong các yếu tố quyết định phản ứng hydrat hóa là thể tích của đồ uống: Bạn càng uống nhiều, thức uống thoát ra khỏi dạ dày càng nhanh và được hấp thụ vào máu nhằm làm loãng chất lỏng trong cơ thể và giữ nước. Yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng hydrat hóa của thức uống là thành phần dinh dưỡng của nó.

Ví dụ, sữa được phát hiện có khả năng giữ nước thậm chí còn tốt hơn nước vì nó có chứa đường lactose, một số prôtêin và một vài chất béo - tất cả đều giúp chất lỏng chậm thoát khỏi dạ dày và kéo dài thời gian diễn ra quá trình hydrat hóa. Sữa còn cung cấp natri, hoạt động như một miếng bọt biển giúp giữ nước trong cơ thể. Tương tự, các dung dịch bù nước bằng đường uống (còn gọi là Oresol hay ORS) - thường được dùng để trị tiêu chảy - chứa một lượng nhỏ đường, natri và kali (hai chất điện giải chủ chốt), cũng giúp thúc đẩy cơ chế giữ nước trong cơ thể.

Lưu ý lượng đường trong thức uống

Đồ uống có nhiều đường, như nước trái cây (loại đóng chai/hộp) hoặc cola, không giúp cơ thể giữ nước tốt như các thức uống chỉ chứa một lượng nhỏ đường như sữa và Oresol. Chúng có thể ở trong dạ dày lâu hơn một chút và thoát ra chậm hơn so với nước, nhưng một khi vào đến ruột non, nồng độ đường cao trong thức uống sẽ bị pha loãng trong quá trình sinh lý gọi là thẩm thấu. Quá trình này “lôi kéo” nước từ cơ thể vào ruột non để làm loãng lượng đường dư thừa và đào thải hết ra ngoài, nên không có tác dụng giữ nước.

Tương tự, nước ép trái cây có thêm đường và soda không chỉ ít hydrat hóa mà còn cung cấp cho cơ thể nhiều đường và calo rỗng, tức không có lợi ích gì về mặt dinh dưỡng. Do đó, nếu lựa chọn giữa soda và nước để giải khát và chống mất nước, hãy uống nước. Dù sao thì cuối cùng, thận và gan vẫn cần nước để loại bỏ độc tố trong cơ thể và nước cũng đóng vai trò chính trong việc duy trì độ đàn hồi và mềm mại của làn da. Đây là loại “kem dưỡng ẩm” rẻ nhất bạn có thể tìm thấy.

Rượu, bia và cà phê giúp bạn giữ nước hay gây mất nước?

Thức uống có cồn hoạt động như một chất lợi tiểu, khiến bạn đi tiểu nhiều, do đó, khả năng hydrat hóa của chúng phụ thuộc vào tổng khối lượng đồ uống. Giáo sư Maughan cho biết, bia giữ nước tốt hơn rượu whisky, bởi vì bạn tiêu thụ nhiều chất lỏng hơn khi uống bia. Nói cách khác, đồ uống có độ cồn càng cao thì khả năng giữ nước càng kém, thậm chí gây mất nước cho cơ thể.

Còn về cà phê, khả năng giữ nước cho cơ thể tùy thuộc vào lượng caffeine mà bạn tiêu thụ. Một ly cà phê dung tích 350ml chứa khoảng 80mg caffeine sẽ tốt như nước. Nhưng tiêu thụ hơn 300mg caffeine, tức khoảng 2-4 tách cà phê, có thể khiến bạn mất nước, vì caffeine có tác dụng lợi tiểu nhẹ.

Bảng xếp hạng thức uống giữ nước

Trong nghiên cứu của Đại học St. Andrew, các chuyên gia đã thử nghiệm 13 loại đồ uống phổ biến để xem chúng tác động đến quá trình hydrat hóa như thế nào. Kết quả là họ đã tìm ra thứ tự các loại thức uống có khả năng giữ nước từ tốt nhất đến kém nhất trong khoảng thời gian 4 giờ, đó là:

1.Sữa tách béo (skim milk).

2.Dung dịch bù nước bằng đường uống.

3.Sữa chưa tách béo (full fat milk).

4.Nước cam tươi nguyên chất.

5.Cola.

6.Cola ăn kiêng (Diet Cola).

7.Trà đá.

8.Trà.

9.Thức uống thể thao (sport drink).

10. Nước.

11. Nước có ga (soda).

12. Bia.

13. Cà phê.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết