07/05/2016 - 17:48

Thực hư xung quanh phương pháp Detox – giải độc cơ thể

Phương pháp "detox" – dùng nước rau quả hoặc thực phẩm chức năng để giúp cơ thể loại bỏ mỡ thừa và giải trừ độc tố tích tụ trong cơ thể – đang trở thành một trào lưu giảm cân và làm đẹp phổ biến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sức khỏe khẳng định không có thực phẩm hay thức uống nào giúp cơ thể đẩy nhanh tốc độ đào thải độc tố. Trong bài viết mới đây, báo Anh Telegraph đã dẫn ý kiến một số chuyên gia về lĩnh vực này nhằm giúp chúng ta tránh ngộ nhận và có cách nhìn đúng về việc giải độc cơ thể.

Giải độc cơ thể là thuật ngữ y học chỉ liệu trình nhằm xử lý hàm lượng nguy hiểm thuốc, rượu hoặc một số độc tố khác hiện diện trong máu. Trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện điều trị, chứ không một loại thực phẩm hay thức uống nào có thể gia tăng tốc độ đào thải chất độc ra khỏi cơ thể – theo Tiến sĩ Frankie Phillips thuộc Hiệp hội Dinh dưỡng Anh. Nhận định về những phương pháp ăn uống hoặc sản phẩm giải độc được chia sẻ và bày bán trên thị trường hiện nay, Tiến sĩ Phillips cho rằng thanh lọc cơ thể chỉ bằng thực phẩm là "không cần thiết, thậm chí là vô nghĩa". "Cơ thể chúng ta là một hệ thống hoàn chỉnh có cơ chế riêng để giải độc từ đầu đến chân. Da, gan, ruột và thận đều là những bộ phận có chức năng phản xạ với các tín hiệu hóa học để loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể" – ông giải thích thêm.

Nước ép từ rau quả không hẳn là phương pháp tốt giúp giải độc cơ thể. Ảnh: Fitday

Thực tế cho thấy thị trường kinh doanh các sản phẩm detox đang lớn mạnh chưa từng có và hiện chiếm một phân khúc lớn trong thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu, với nhiều sản phẩm đa dạng như nước uống, thuốc viên, trà túi lọc, sản phẩm rửa mặt, nước súc miệng, miếng dán giải độc dùng cho bàn chân, muối tắm... Các chuyên gia phân tích thuộc hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International (Anh) thậm chí dự báo thị trường sản phẩm detox sẽ đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2017.

Thế nhưng về khía cạnh khoa học, các chuyên gia cho biết chưa có nghiên cứu trưng ra bằng chứng cho thấy sản phẩm hay chế độ ăn uống nào có tác động đến khả năng giải độc của cơ thể. Theo Giáo sư Edzard Ernst của Đại học Exeter, ngay cả những người ủng hộ phương pháp detox cũng không xác định được những sản phẩm họ đang dùng loại bỏ chất gì khỏi cơ thể. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng điều duy nhất mà ý tưởng giải độc cơ thể bằng đồ ăn, thức uống hoặc thực phẩm chức năng mang lại đó là tiêu tốn tiền bạc của người tiêu dùng. Họ khuyến cáo thay vì dốc hầu bao cho các sản phẩm được quảng cáo giúp thanh lọc cơ thể, mọi người nên lưu ý đến thành phần dinh dưỡng đưa vào cơ thể mỗi ngày. Miễn là không dung nạp quá nhiều chất có hại đối với cơ thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận quan trọng có chức năng thải độc, chúng ta không cần phải lo lắng trước ý nghĩ chất độc đang tích tụ trong cơ thể.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Priya Tew, tuân thủ chế độ ăn cân bằng, giàu chất dinh dưỡng với trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu prôtêin như thịt nạc, sữa, trứng, cá và các chất béo lành mạnh là một trong những cách tốt nhất giúp cơ thể khỏe mạnh. Đặc biệt, chúng ta cần bảo vệ tốt sức khỏe gan bởi đây là cơ quan quan trọng giúp cơ thể đào thải các chất độc hại. Ngoài hạn chế tiêu thụ (tốt nhất là tử bỏ hoàn toàn) các loại thức uống có cồn, bạn cần chú ý đến lượng đường tiêu thụ. "Dùng quá nhiều đường không chỉ khiến bạn béo lên mà nó còn dẫn tới bệnh gan" – bà nói thêm. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần bổ sung đủ nước, tránh xa thuốc lá và chủ động phòng tránh phơi nhiễm các hóa chất độc hại như:

Bisphenol A (BPA): hóa chất dùng sản xuất nhựa PC thường chế tạo hộp đựng thức ăn, chai nước. Kết quả một nghiên cứu 5 năm từng cho thấy BPA có liên quan đến tình trạng suy giảm chức năng sinh dục ở nam giới. Thường BPA trong các loại hộp nhựa có thể ngấm vào thức ăn và nước uống, vì vậy tốt hơn hết nên mua hộp đựng thực phẩm hoặc chai nhựa có ghi nhãn "BPA-free" (không chứa BPA).

Phthalate: là hóa chất khá phổ biến và tìm thấy chủ yếu trong các sản phẩm làm đẹp như dầu gội, nước hoa hay xà phòng. Không chỉ gây hại cho sự phát triển trí não, phthalate còn dẫn đến chứng rối loạn hoóc-môn giới tính. Để phòng tránh, người tiêu dùng cần đọc kỹ thành phần ghi trên sản phẩm. Đôi khi nhà sản xuất không liệt kê phthalate, nhưng nếu thành phần có chứa từ "fragrance" thì chắc chắn sản phẩm có chứa phthalate.

PFOA (axít perfluorooctanoic): thường hiện diện trong các sản phẩm chống dính như nồi, chảo. Mặc dù chất này có thể tác động đến sự phát triển ở trẻ nhỏ thậm chí gây ung thư, nhưng PFOA chỉ bị liệt vào danh sách "những hóa chất cần chú ý" của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ. Để hạn chế phơi nhiễm PFOA, mọi người nên ngừng sử dụng chảo chống dính nếu bề mặt của nó bị bong tróc.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Telegraph)

Chia sẻ bài viết