ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)
Trong chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Việt Nam và Singapore đã ký bản ghi nhớ thiết lập “Quan hệ Ðối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, năng lượng sạch giữa hai nước.
Ứng dụng điều hành thành phố thông minh của Cần Thơ.
Singapore được coi là hình mẫu về nền kinh tế số và kinh tế xanh. Ðảo quốc sư tử hồi năm 2020 được xếp hạng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, về Chỉ số cạnh tranh kỹ thuật số thế giới IMD (IMD World Digital Competitiveness Index). Singapore cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt mục tiêu giảm phát thải carbon cho bộ máy công vụ và là nước đầu tiên ở châu Á áp dụng thuế carbon.
Vì thế, không riêng gì Việt Nam, ngay cả cường quốc công nghệ như Trung Quốc cũng đã ký với Singapore bản ghi nhớ về Thúc đẩy hợp tác phát triển xanh và kinh tế số từ tháng 6-2022. Cuối tháng 1-2023, Malaysia và Singapore đã ký thỏa thuận hợp tác kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh. Tháng 11-2022, Hàn Quốc và Singapore đã chính thức ký Thỏa thuận đối tác số (DPA) nhằm tăng cường hợp tác công nghiệp và thương mại số. Singapore, Chile và New Zealand là 3 nước đầu tiên ký kết DPA vào tháng 6-2020,. Sau đó, Úc lần lượt ký với Singapore Thỏa thuận kinh tế số (DEA) và Thỏa thuận kinh tế xanh. Riêng Anh và Singapore ký DEA vào tháng 6-2022.
Hình mẫu kinh tế số, kinh tế xanh
Kinh tế số là một trong 3 trụ cột của chiến lược Quốc gia thông minh Singapore, gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Singapore đang số hóa nền kinh tế với việc có một cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, lực lượng lao động được đào tạo, có trình độ chuyên môn cao và chính phủ ổn định. Nền kinh tế số tận dụng lợi thế của công nghệ mới nhất để số hóa các quy trình và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Ðiều này thu hút các khoản đầu tư nước ngoài, do đó, tạo ra việc làm và cơ hội mới cho người lao động ở Singapore. Môi trường ủng hộ doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng công nghệ tuyệt vời, kết nối chặt chẽ với các nền kinh tế lớn của châu Á cũng như sự sẵn sàng đầu tư giúp quốc gia này có một vị trí thuận lợi để phát triển nền kinh tế số mạnh mẽ.
Ba chiến lược chính đã được xác định trong Khung hành động của nền kinh tế số để tận dụng thế mạnh của Singapore là: Ðẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bằng cách số hóa các ngành công nghiệp và doanh nghiệp; phát triển một hệ sinh thái để giúp các doanh nghiệp luôn sôi động và cạnh tranh; chuyển đổi ngành công nghệ thông tin và truyền thông thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế số.
Singapore chính thức đưa ra Kế hoạch xanh từ tháng 2-2021 với 5 trụ cột: thành phố trong thiên nhiên; tái quy hoạch năng lượng; sống bền vững; kinh tế xanh; và tương lai tự cường.
Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới đặt mục tiêu giảm phát thải carbon cho bộ máy công vụ. Bộ máy công vụ được giao đi đầu trong việc đảm bảo tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon và sử dụng năng lượng sạch. Ðể giảm lượng phát thải, Singapore đã chuẩn bị để “từ bỏ” vị thế là trung tâm dầu khí của thế giới với lộ trình cắt giảm sản lượng các nhà máy lọc dầu ở đây. Ngược lại, Singapore đang rất nỗ lực và có điều kiện thuận lợi để vươn lên thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực, trở thành nơi cung cấp LNG và hydrogen của khu vực Ðông Nam Á. Singapore đã đầu tư rất lớn cho hạ tầng cảng và lưu trữ các nhiên liệu không phát thải carbon này.
Một trong những định hướng chuyển đổi để khai thác mắt xích cao trong chuỗi giá trị “kinh tế xanh” là nỗ lực biến Singapore thành trung tâm khu vực về buôn bán, trao đổi tín chỉ carbon; cung cấp các giải pháp tài chính xanh, các tư vấn dịch vụ môi trường, giải pháp công nghệ ít phát thải và phát triển hạ tầng bền vững. Với lợi thế hiện nay là nhà xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới với giá trị khoảng 23% thị trường toàn cầu và là nơi đóng trụ sở của hàng trăm công ty hóa dầu và buôn bán năng lượng, với Singapore, việc thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon rất thuận lợi.
Việt Nam trước cơ hội được chia sẻ
Khi trở thành Ðối tác Kinh tế số, Việt Nam và Singapore sẽ chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong chuyển đổi số trên 3 trụ cột, gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Phía Singapore sẽ hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử...
Vào tháng 3-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Quyết định đặt ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chiến lược với những giải pháp khả thi và hiệu quả sẽ là bài toán không dễ dàng trong quá trình chuyển đổi số ở nước ta. Trong khi đó, ngoài tư duy và tầm nhìn chiến lược, Singapore biết cách hiện thực hóa bằng những giải pháp cụ thể rất thực tiễn, thực dụng. Chẳng hạn, cũng là giải pháp thúc đẩy số hóa dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Singapore đã thiết kế và đưa ra 9 giải pháp cụ thể. Trong đó, Chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đầu tiên là “SMEs Go Digital” (Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số) là làm cho việc chuyển đổi số trở nên đơn giản. Tiếp theo là “Industry Digital Plans” (kế hoạch số hóa ngành), hướng dẫn từng bước một cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một số ngành nghề cụ thể về các giải pháp số hóa và đào tạo nhân viên của mình trên từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Kế đến là giải pháp hỗ trợ tài chính của chính phủ cho các doanh nghiệp…
Ðối với kinh tế xanh, xu hướng này ở Việt Nam mới chỉ ở xuất phát điểm. Tuy nhiên, với lợi thế của nước đi sau và có điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Với sự hỗ trợ của Singapore như là Ðối tác Kinh tế xanh, Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Mục tiêu của Cần Thơ
Từ 2017, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025”. Trên cơ sở đó, UBND TP đã ban hành Quyết định số 1652/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án tập trung 10 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Hạ tầng ICT và nền tảng dữ liệu đô thị thông minh; chính quyền số; quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng dịch vụ tiện ích đô thị thông minh; giao thông thông minh; môi trường thông minh; nông nghiệp thông minh; an ninh an toàn thông minh; du lịch thông minh; y tế thông minh; giáo dục thông minh.
Lộ trình thực hiện Ðề án chia thành 3 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 (2021-2022) xây dựng Trung tâm Ðiều hành đô thị thông minh (IOC) và triển khai một số lĩnh vực ưu tiên như giao thông thông minh, giám sát môi trường, an ninh trật tự, du lịch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh... Giai đoạn 2 (2023-2025) mở rộng triển khai đô thị thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, thu hút xã hội hóa đầu tư phát triển đô thị thông minh. Giai đoạn 3 với tầm nhìn đến năm 2030, TP Cần Thơ trở thành thành phố thông minh trên các lĩnh vực ưu tiên, tham gia vào chuỗi liên kết thành phố thông minh, là hạt nhân đầu tàu của vùng ÐBSCL trong chuỗi liên kết đô thị thông minh cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
Trung tâm IOC đã vận hành từ năm 2021. TP Cần Thơ cũng đã xây dựng hạ tầng ICT - nền tảng dữ liệu cho đô thị thông minh. Về chính quyền số trong đô thị thông minh, cơ bản hoàn thiện các hệ thống dùng chung như hệ thống quản lý văn bản, điều hành được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị kể cả phiên bản di động tích hợp ký số; hệ thống phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức đến tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố. Ngoài ra, TP Cần Thơ đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến và nâng cấp đồng bộ cho tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp huyện, xã; hệ thống hội nghị truyền hình được triển khai cho 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn phục vụ nhanh chóng, kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo quận, huyện đến chính quyền cấp cơ sở.
Về kinh tế số, Kế hoạch số 38/KH-UBND về chuyển đổi số năm 2023 trên địa bàn TP Cần Thơ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 20%.
|