04/01/2025 - 13:18

NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ:

Thúc đẩy chuyển đổi số nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo 

   

Qua 12 năm xây dựng, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ (CTUT) luôn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CÐS) vào hoạt động quản lý, giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố và vùng ÐBSCL. NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng CTUT, cho biết:

- Thực hiện Kế hoạch số 241/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về CĐS TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, CTUT đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy CĐS. Những dấu ấn CĐS của trường thể hiện rõ nét trong việc ứng dụng CNTT vào quá trình giảng dạy, quản lý đào tạo, như nghiên cứu xây dựng hệ thống phần mềm trực tuyến E-Learning và các ứng dụng, công cụ hỗ trợ hoạt động dạy học, nghiên cứu khoa học, quản lý học vụ, quản trị đơn vị, phục vụ cộng đồng, kiểm tra đánh giá năng lực, thu học phí liên thông ngân hàng qua mã số định danh…

Cụ thể, tập thể nhà trường đẩy mạnh sử dụng các công cụ dạy học hiện đại, ứng dụng đa phương tiện nghe - nhìn, tăng cường sử dụng các phần mềm mô phỏng, công cụ kỹ thuật số minh họa trực quan nội dung bài học. Trường cũng tích cực số hóa tài liệu, giáo trình, bài giảng; tổ chức lưu trữ chương trình đào tạo, học liệu trên môi trường mạng, tạo điều kiện cho người học truy xuất, khai thác thông tin, khám phá tri thức mọi lúc mọi nơi bằng máy tính nối mạng, điện thoại thông minh.

Trường liên tục cập nhật, ứng dụng các thành tựu công nghệ mới để đẩy nhanh quá trình CĐS trong giáo dục; không ngừng nâng cao chất lượng dạy học, đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục các chương trình đào tạo, chú trọng ứng dụng công nghệ của giảng viên, sinh viên trong các hoạt động dạy học.

Sinh viên CTUT trong giờ thực hành. Ảnh: B.NG

* Nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực nào để phục vụ công tác CĐS, thưa thầy?  

- Từ những ngày đầu mới thành lập trường, Ban Giám hiệu đã chú trọng việc xây dựng hệ thống quy trình quản lý đào tạo, quản lý sinh viên, hệ thống các biểu mẫu văn bản theo quy định; ưu tiên ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và điều hành các hoạt động của trường. Trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất như hệ thống máy chủ, mạng máy tính…; trang bị các hệ thống thông tin quản lý giáo dục như phần mềm Education quản lý học vụ, phần mềm HRM quản lý nhân sự - tiền lương, phần mềm EGOV phục vụ hành chính điện tử, cổng thông tin của trường, trang tin tuyển sinh, trang tin các đơn vị.

Trường cung cấp thông tin kịp thời và thông suốt cho người dùng; ứng dụng hệ thống thư điện tử trong chia sẻ thông tin sử dụng tên miền ctuet.edu.vn dành cho cán bộ, viên chức, giảng viên và sinh viên. Nghiên cứu thiết kế, xây dựng Hệ thống phần mềm sát hạch trên máy tính phục vụ các kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh, Tin học; đặc biệt là phục vụ các kỳ thi tuyển công chức, viên chức do TP Cần Thơ tổ chức. Nghiên cứu thiết kế xây dựng, triển khai Hệ thống đăng ký và xét tuyển, Hệ thống học tập trực tuyến phục vụ tốt công tác tuyển sinh, giảng dạy và học tập trực tuyến trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Hằng năm, CTUT tiến hành rà soát hệ thống thông tin, hạ tầng CNTT - truyền thông nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý chung của trường. Nhà trường tiếp tục thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1282/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ÐT) liên quan đến việc tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong giáo dục. Trường tích cực tuyên truyền chính sách CĐS của Chính phủ, của TP Cần Thơ; thành lập Ban chỉ đạo CĐS của trường; giao nhiệm vụ Khoa CNTT chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học về giải pháp chuyển đổi số của trường đến 2025 theo hướng tiếp cận CĐS của thành phố, phối hợp các đơn vị đề xuất giải pháp CĐS, tham mưu xây dựng kế hoạch CĐS đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 của trường. Tích cực sử dụng các ứng dụng nền tảng số dùng chung trong trao đổi thông tin, hội họp, giảng dạy, học tập trực tuyến, lưu trữ dữ liệu; khai thác các ứng dụng CNTT nghiệp vụ.

* Được biết, năm 2024, CTUT có đào tạo một số ngành phục vụ CĐS nói chung, lĩnh vực vi mạch bán dẫn nói riêng. Thầy có thể thông tin cụ thể về các ngành học mới này?

- Qua 12 năm thành lập, CTUT được Bộ GD&ÐT giao đào tạo 22 ngành trình độ đại học, với quy mô đào tạo trên 7.000 sinh viên. Trong quá trình xây dựng và phát triển, trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo và đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, 12 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia; mở rộng hình thức đào tạo trình độ đại học vừa làm vừa học, đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Công nghệ thực phẩm, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật, công nghệ của TP Cần Thơ và ÐBSCL. Những ngành đào tạo của trường thuộc tốp 10 nhóm nghề nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, được Cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép tự do di chuyển trong các nước thành viên.

Năm 2024, trường mở thêm 1 chương trình đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo mới được thiết kế theo hướng tiếp cận các trường danh tiếng trong và ngoài nước, lấy ý kiến các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm và khảo sát nhu cầu sử dụng nguồn lao động của các công ty, doanh nghiệp. Chương trình có tổng số 161 tín chỉ, thời gian đào tạo 4,5 năm. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực đảm nhiệm vị trí việc làm phù hợp. Người học chương trình này có thể nghiên cứu, thiết kế, vận hành, sử dụng các sản phẩm vi mạch bán dẫn trong hệ thống tích hợp cơ khí, điện tử và điều khiển như robot, xe tự hành, máy công cụ điều khiển số (CNC), hệ thống sản xuất linh hoạt tại các công ty tư vấn, thiết kế, xây lắp, giám sát liên quan đến hệ thống cơ điện tử, cơ khí tự động, công nghệ tự động, công nghệ robot; thiết kế điện tử, kiểm tra chất lượng sản phẩm, giám sát quy trình đóng gói trong ngành công nghiệp bán dẫn; tham gia lĩnh vực đào tạo các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn.

* Xin thầy cho biết những định hướng phát triển sắp tới của CTUT?

-  Với vai trò là trường đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND TP Cần Thơ, nhà trường có trách nhiệm trong việc góp phần cùng thành phố phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng TP Cần Thơ xứng tầm trung tâm vùng ÐBSCL ở nhiều lĩnh vực, trong đó có GD&ĐT, khoa học - công nghệ; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ; cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho công cuộc CĐS, sử dụng năng lượng tái tạo thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, góp phần đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, là Trung tâm Logistics hạng 2 của vùng theo cơ chế đặc thù cho TP Cần Thơ đã được Quốc hội thông qua.

Để thực hiện mục tiêu trên, tập thể nhà trường tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng thời, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, hoàn thiện công tác kiểm định chất lượng, góp phần làm nền tảng vững chắc, tạo thế và lực để trường vận hành xứng tầm là trường đại học kỹ thuật - công nghệ của vùng.

* Xin cảm ơn thầy!

BÍCH NGỌC (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết