21/08/2021 - 07:45

Thủ tướng Úc gặp khó vì COVID-19 

Sự xuất hiện của biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh đã bộc lộ “yếu kém” của Chính phủ Úc trong việc triển khai tiêm vaccine mà cái giá phải trả có thể là tương lai chính trị của Thủ tướng Scott Morrison, Hãng tin Reuters nhận định.

Ảnh: AFP

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Úc ghi nhận 43.000 trường hợp dương tính và chưa tới 1.000 ca tử vong. Con số trên được xem là “khiêm tốn” so với nhiều quốc gia phát triển khác, nhưng việc nước này cũng nằm trong số những nước có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 thấp nhất đã khiến một bộ phận người dân bất mãn trong bối cảnh biến chủng Delta tiếp tục hoành hành.

Hôm 19-8, Úc có thêm 754 ca mắc mới và là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ đỉnh dịch năm ngoái. Phần lớn các trường hợp lây nhiễm nằm ở vùng Tây Sydney, nơi sinh sống của khoảng 2,5 triệu người và là vùng kinh tế lớn thứ 3 của đất nước. Tình hình này khiến nhiều người nghi ngờ các biện pháp phong tỏa dài hạn của chính phủ không thể kiềm chế sự bùng phát của biến thể Delta nhưng lại đang giết chết các doanh nghiệp địa phương. Rất đông trong số họ là những cử tri ủng hộ liên minh bảo thủ Tự do - Quốc gia cầm quyền, nhưng giờ đây có không ít người muốn Thủ tướng Morrison ra đi sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Morrison (ảnh) phải cải tổ nội các nhằm củng cố uy tín của chính phủ liên quan cách giải quyết cáo buộc bất bình đẳng về giới, bê bối tấn công tình dục cùng những hành vi thiếu đứng đắn nhắm vào phụ nữ. Nhưng kết quả thăm dò hồi tháng 7 cho thấy, xếp hạng tín nhiệm của Thủ tướng Morrison và tỷ lệ ủng hộ chính phủ liên đảng tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Nếu cuộc bầu cử  được tổ chức ở thời điểm hiện tại, tờ The Australian cho rằng liên minh do Thủ tướng Morrison lãnh đạo có thể thất bại nặng nề trước Công đảng đối lập theo đường lối trung tả.

Theo các nhà quan sát, nguyên nhân khiến phe bảo thủ mất lòng cử tri hiện nay có liên quan đến việc Úc đi sau hầu hết các quốc gia phát triển trong chiến lược triển khai tiêm vaccine COVID-19. Trong đó, chính quyền Thủ tướng Morrison bị đổ lỗi về khả năng điều hành kém cỏi trong tiếp cận nguồn cung vaccine khiến chương trình tiêm chủng quốc gia tiếp tục chậm lại. Ðược biết, Úc đến nay chỉ mới tiêm đầy đủ cho 30% trong khoảng 20 triệu người trưởng thành. Trong bối cảnh đại dịch sẽ còn diễn biến phức tạp, các nhà chuyên môn cho rằng Thủ tướng Morrison phải nỗ lực hơn nữa trong những tháng tới để giành lại niềm tin của cử tri.

Trước đây, ông Morrison đã bảo vệ cách làm của chính phủ khi khẳng định các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt giúp người dân giữ việc làm, ổn định cơ sở kinh doanh và tránh được những thiệt hại nặng nề về nhân mạng trong đợt bùng phát COVID-19 trước đó. Nhưng với thách thức hiện tại, Thủ tướng Morrison đang hướng tới mục tiêu thuyết phục giới chính trị gia lẫn người dân Úc vốn chia rẽ về các biện pháp phong tỏa phải chấp nhận số ca nhiễm mới xuất hiện hàng ngày, miễn là các trường hợp nghiêm trọng được kiểm soát và số ca tử vong giữ ở mức tối thiểu. Với hơn một nửa trong tổng dân số hơn 25 triệu người Úc đang sống ở vùng tỏa, các chuyên gia cảnh báo Canberra kéo dài giãn cách có thể đối mặt một cuộc khủng hoảng khác khi kinh tế nước này rơi vào suy thoái. Ðây sẽ là đòn giáng mạnh đối với nỗ lực duy trì quyền lực của phe bảo thủ trong kỳ bầu cử tới.

Gia hạn phong tỏa thành phố Sydney

Chính quyền bang New South Wales thông báo gia hạn lệnh phong tỏa Sydney và siết chặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 ở một số điểm nóng trong thành phố lớn nhất cả nước này đến hết tháng 9 tới. Theo đó, từ ngày 23-8, mọi người dân khi ra khỏi nhà, trừ lúc tập thể dục, đều bắt buộc phải đeo khẩu trang.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết