07/09/2018 - 04:34

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bảo hộ giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh như thương hiệu quốc gia Việt Nam 

“Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt”. Tinh thần chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phát triển dược liệu Việt Nam đã tiếp tục được thể hiện tại hội nghị phát triển sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác đã diễn ra tại tỉnh Kon Tum sáng 6-9.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với ý kiến của các đại biểu, chuyên gia cần tìm kiếm dư địa phát triển cho nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là từ nguồn cây dược liệu. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với ý kiến của các đại biểu, chuyên gia cần tìm kiếm dư địa phát triển cho nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là từ nguồn cây dược liệu. Ảnh: Chinhphu.vn

Quảng Nam, Kon Tum là hai địa phương được coi là “thủ phủ” của loài biệt dược đặc hữu này. Hội nghị là bước khởi động mang tính cột mốc để đưa loài cây “đẻ trứng vàng” sâm Ngọc Linh - quốc bảo của Việt Nam phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Sâm Ngọc Linh là loài sâm được xếp là top 4 loài sâm tốt nhất trên thế giới. Điểm quan trọng làm nên giá trị cao của sâm Ngọc Linh là trong thành phần có tới 52 loại saponin khác nhau; trong đó, ngoài 26 loại có cấu trúc hóa học thường thấy trong các loại sâm khác như sâm Hàn Quốc, sâm Nhật Bản, sâm Tây Dương, còn có 26 loại saponin có cấu trúc mới, riêng có ở sâm Ngọc Linh.

Sâm Ngọc Linh cũng như hầu hết những dược liệu có giá trị kinh tế cao đều là những lâm sản ngoài gỗ, phát triển dưới tán rừng. Với cây Sâm Ngọc Linh, theo ước tính với chi phí ban đầu bỏ ra 3 tỉ/ha, sau 5 năm có thể thu về 30 tỉ đồng. Là một con số trong mơ với bà con vùng rừng. Nhiều địa phương đang muốn di thực giống sâm Ngọc Linh về trồng. Tuy nhiên, đây là loài cây đặc hữu, mọc ở những nơi cố định (chỉ phát triển dưới tán rừng già quanh chân núi Ngọc Linh) và đòi hỏi điều kiện thổ nhưỡng, kế đến là độ che phủ, điều kiện khí hậu. Vì thế, sâm Ngọc Linh được trồng ở độ cao 1.200 - 2.000m nhưng nếu đem sâm ở Kon Tum đến trồng ở những nơi khác có cùng độ cao thì không phát triển được.

Hiện tỉnh Kon Tum đã có 9 xã được cấp chứng nhận CDĐL (chỉ dẫn địa lý) về sâm Ngọc Linh ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đắk Glei với diện tích khoảng 400 ha. Địa phương này cũng chỉ có 2 đơn vị có sâm giống Ngọc Linh (Công ty Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum) nhưng cả 2 đều chưa bán giống ra thị trường. Vì thế, bên ngoài có bán giống sâm Ngọc Linh thì gần như 90% là giả.

Còn ở Quảng Nam, nhận thức được sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác là hướng đi chủ lực để xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu của bà con miền núi nên Quảng Nam đã có đề án phát triển cây sâm Ngọc Linh đến 2020 và trình Chính phủ đề án bảo tồn cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030 và đã được Chính phủ thông qua.

Trong phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tán thành với ý kiến của các đại biểu, chuyên gia cần tìm kiếm dư địa phát triển cho nền kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là từ nguồn cây dược liệu. Từ đó, không chỉ phục vụ tăng trưởng mà còn giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu tìm hiểu thêm về giá trị lịch sử của Sâm Ngọc Linh làm tăng giá trị đáng kể cho sâm. Cùng với đó là bảo hộ giá trị thương hiệu sâm Ngọc Linh bởi đây là thương hiệu quốc gia Việt Nam.

TTXVN

Chia sẻ bài viết