26/06/2008 - 07:53

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Tổng thống George Bush

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức CH Pháp: Ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 24-6 (sáng 25-6 giờ Việt Nam), tại Nhà Trắng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Tổng thống George Bush về các biện pháp nhằm củng cố vững chắc và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí nâng cấp cơ chế đối thoại của các quan chức cấp cao hai bên về các vấn đề chính trị, quốc phòng, an ninh; lập cơ chế mới để trao đổi và phối hợp trong lĩnh vực giáo dục, môi trường, khoa học công nghệ; đồng thời, tiếp tục các cuộc đối thoại hiện có về kinh tế và giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại. Một lần nữa, Tổng thống Bush khẳng định ủng hộ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành nền tảng và động lực đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương Việt Nam - Hoa Kỳ lên tầm cao mới.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và thỏa thuận sẽ thành lập một Nhóm chuyên trách Giáo dục để cùng nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ hai nước các biện pháp hiệu quả cho sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới. Hai bên cũng cam kết sẽ tích cực hợp tác trong lĩnh vực môi trường, theo đó sẽ thành lập một Tiểu ban mới trong khuôn khổ Hiệp định song phương về Khoa học Công nghệ để giúp Việt Nam nghiên cứu đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Phía Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ đối tác với Việt Nam trong lĩnh vực này thành một hình mẫu.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội đàm với Tổng thống G.Bush. Ảnh: ĐỨC TÁM (TTXVN)

Tổng thống George Bush cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự hợp tác có hiệu quả trong việc tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc phòng chống HIV/AIDS, rà phá bom mìn, làm sạch môi trường ở những vùng bị nhiễm đi-ô-xin và thực hiện các dự án chăm sóc sức khỏe, tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh. Hai bên cũng khẳng định tiếp tục tham vấn và hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và về các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên có lợi ích chung như chống khủng bố, ngăn chặn bệnh dịch, tội phạm xuyên quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực.

* Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 24-6, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới Thủ đô Paris, bắt đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức CH Pháp.

Sáng 25-6, lễ đón chính thức Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam được tổ chức trọng thể tại trụ sở Quốc hội Pháp. Sau đó, hai bên đã tiến hành hội đàm.

Tiếp đó, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch QH Bernard Accoyer đã ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội Việt Nam - Pháp. Theo đó, hai bên tăng cường giao lưu hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động của mình, đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp và các hoạt động giám sát nhằm thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định, hiệp ước đã được ký kết giữa hai Nhà nước, hai Chính phủ. Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Pháp sẽ nỗ lực cùng Chính phủ hai nước tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc và ổn định cho quan hệ truyền thống giữa hai nước tiếp tục phát triển; củng cố mối quan hệ song phương thông qua các chuyến thăm chính thức và làm việc của các đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội hai nước. Hai bên sẽ tiến hành đều đặn việc trao đổi đoàn các cơ quan của Quốc hội, Nhóm nghị sĩ hữu nghị và cá nhân các nghị sĩ. Quốc hội Pháp có chương trình hỗ trợ Quốc hội Việt Nam trong việc bồi dưỡng chuyên môn, quy trình thủ tục nghị viện cho đại biểu Quốc hội và cán bộ của Quốc hội. Hai bên sẽ tăng cường trao đổi quan điểm về những vấn đề quốc tế cùng quan tâm, tăng cường hợp tác tại các diễn đàn liên nghị viện như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn đối tác nghị viện Á - Âu (ASEP), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF); thúc đẩy quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa Chính phủ hai nước trong các tổ chức quốc tế, tổ chức các nước nói tiếng Pháp, quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ bài viết