22/06/2022 - 14:51

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng vùng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ 

(CTO) - Sáng 21-6, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 đã bày tỏ sự tin tưởng rằng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá thời gian tới.

Khơi thông nguồn lực phát triển

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương trong tổ chức hội nghị. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với các báo cáo tham luận tại hội nghị thể hiện sự sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết, khoa học và thực tiễn, cũng như đã đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả và các cam kết tài trợ quốc tế cho ĐBSCL, Thủ tướng tin tưởng rằng hội nghị sẽ góp phần khơi thông, huy động các nguồn lực, là sự khởi nguồn thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của ĐBSCL trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.

Thủ tướng cũng lưu ý: “Để các triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần phải quyết tâm hơn nữa; đã cố gắng, nỗ lực rồi, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa; hành động quyết liệt, trọng tâm hơn nữa để thực sự có sản phẩm, kết quả, mang lại hạnh phúc, ấm no nhiều hơn cho nhân dân vùng ĐBSCL. Khi đó, chúng ta mới có thể tự tin nói Hội nghị rất thành công”.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của ĐBSCL cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Với diện tích gần 40.000km2 (chiếm khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% dân số cả nước); ĐBSCL hiện đóng góp khoảng 12% vào GDP của cả nước.

Vùng có đường bờ biển dài 700km và trên 360.000km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế. ĐBSCL có tiềm năng kết nối, thông qua các cảng tại TP Hồ Chí Minh và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trên địa bàn tỉnh của Bà Rịa - Vũng Tàu, với các thị trường Đông Á, châu Âu, Mỹ... Đồng thời, ĐBSCL nằm trong khu vực có các tuyến hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng. ĐBSCL còn có thế mạnh về phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp thực phẩm, đặc biệt phát triển du lịch quanh năm và các ngành dịch vụ khác.  

Bên cạnh đó, đầu tư vào ĐBSCL ngày càng được quan tâm hơn. Tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương vùng ĐBSCL ngày càng tăng; giai đoạn 2016-2020 đạt gần 200.000 tỉ đồng (tương đương gần 9 tỉ USD) chiếm khoảng 16% tổng đầu tư ngân sách nhà nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của các Bộ, ngành và địa phương hỗ trợ vùng ĐBSCL là trên 318.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 13,8 tỉ USD); tăng khoảng 5 tỉ USD so với thời kỳ trước, tập trung vào hạ tầng chiến lược. “Trong nhiệm kỳ này, ĐBSCL được ưu tiên cao nhất và điều này là hoàn toàn xứng đáng” - Thủ tương nhấn mạnh.

Vượt qua các rào cản

Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát dự án Cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Thủ tướng cũng lưu ý, với vị trí cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, ĐBSCL cần được phát huy cao hơn và tiềm năng, lợi thế to lớn cần được phát triển thành nguồn lực, cần được khai thông, tháo gỡ có hiệu quả hơn nữa. Muốn phát triển, cần thẳng thắn nhìn nhận, ĐBSCL vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Nếu lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, là nguồn lực cho sự phát triển của ĐBSCL thì đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất. Tỷ lệ lao động vùng qua đào tạo khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình chung cả nước (năm 2020, cả nước có tỷ lệ 64,5% lao động qua đào tạo, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24,5%).

Quy mô kinh tế nhỏ chỉ chiếm hơn 12% GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 67% so với bình quân chung cả nước (53,98 so với 80,21 triệu đồng/người). Tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn cả nước (27,2%, cả nước là 40,5%). Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu; trong đó, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiếu cảng biển nước sâu để kết nối với quốc tế; thiếu các trung tâm tiếp vận và kho vận của vùng; giao thông đường thủy nội địa chưa được phát huy; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Hạ tầng về y tế, giáo dục còn chưa đồng đều, yếu kém ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

Liên kết vùng còn chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả. Thu hút FDI vào vùng đứng thứ 4/6 vùng kinh tế cả nước, đầu tư tư nhân chưa nhiều. Xây dựng nông thôn mới còn chậm, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 48,29%, trong khi cả nước đạt 54%. Du lịch, dịch vụ chưa phát triển, phần lớn các địa phương mới chỉ tập trung khai thác sản phẩm du lịch sông nước, miệt vườn, thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao để đón khách quốc tế và các dịch vụ khác liên quan du lịch… Trong khi ĐBSCL là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, như: lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, nước dâng do bão lũ và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác…

Vậy nên, ĐBSCL cần được định vị lại, xác định các nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển. Hiện các chủ trương, chính sách, Nghị quyết phát triển toàn diện ĐBSCL đã được ban hành, như: Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị; Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 324/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL…

Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cũng có cơ chế, chính sách đặc thù cho Cần Thơ - trung tâm của vùng (Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 98/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045)… Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 đã thành lập, đồng chí Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và 4 Bộ trưởng làm Phó Chủ tịch; kèm theo là quy chế hoạt động. Đây là Hội đồng điều phối vùng đầu tiên của cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chủ trương của Đảng tới việc thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện… với ĐBSCL đều có hệ thống và rất tích cực, vấn đề là các địa phương, các bộ ngành, tổ chức quốc tế cùng Chính phủ tổ chức thực hiện có hiệu quả, thực chất. Cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả. Các bộ, ngành và địa phương phải cụ thể hóa, tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, bạn bè quốc tế. Công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, coi trọng việc thích ứng với tự nhiên.

Song song đó, phát huy mạnh mẽ các yếu tố nội lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa biển của mình... Thống nhất nhận thức và hành động. Phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, kể cả những ý kiến trái chiều để xem xét, quyết định. Tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp. Kiên định mục tiêu xuyên suốt nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời để phát triển một đồng bằng thịnh vượng.

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể:

-Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm.

-Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2021.

-Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp - xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%.

-GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm.

-Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42-48%.

-Có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết