30/06/2022 - 09:08

Thốt Nốt tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế 

Những tháng đầu năm 2022, quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện khá tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đặc biệt, sản xuất công nghiệp, thương mại - dịch vụ của quận đã có sự khởi sắc, tăng trở lại, đưa nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt.

Doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu ở quận Thốt Nốt khởi sắc trở lại sau dịch COVID-19.

Doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu ở quận Thốt Nốt khởi sắc trở lại sau dịch COVID-19.

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, đến nay các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế đã phục hồi hoàn toàn, các doanh nghiệp hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng so với cùng kỳ, do doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sản xuất, tích cực tìm kiếm các thị trường mới, đặc biệt là đẩy mạnh tiêu thụ nội địa… Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Quận ủy, UBND quận và sự chỉ đạo kịp thời của các sở, ngành thành phố, đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên các hoạt động thuộc lĩnh vực kinh tế đều tăng và vượt kế hoạch đề ra…”.

Trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng của quận ước được 18.981 tỉ đồng, đạt 55,08% so với kế hoạch năm, tăng 5,29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, địa phương đã phát triển mới 2 doanh nghiệp và 16 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Nâng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp - xây dựng của quận đến nay là 1.354 cơ sở (trong đó có 145 doanh nghiệp), giải quyết được 16.697 lao động. Ngành xay xát và chế biến gạo là lĩnh vực tăng trưởng khá cao, với tổng sản lượng xay xát từ đầu năm đến nay đạt 665.000 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng sản lượng gạo lau bóng đạt 895.000 tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn là 190.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 98,8 triệu USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2021; chế biến thủy sản xuất khẩu với sản lượng cá tra phi lê đạt trên 43.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 125 triệu USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ quận trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng tăng trưởng khá, ước đạt 8.122,7 tỉ đồng, đạt gần 60% so với kế hoạch, tăng 8,11% so với cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận Thốt Nốt trong 6 tháng đầu năm phát triển khá, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ. Ông Trương Tiến Lực cho biết thêm: Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tuy đã phục hồi nhưng các chi phí về nguyên liệu phục vụ sản xuất, xăng dầu, vận chuyển… đều tăng mạnh đã ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất, làm giảm hiệu quả sản xuất. Đồng thời việc phát sinh thêm các chi phí phòng, chống dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp giảm đơn hàng do thiếu hụt lao động. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ tuy đã phục hồi, sức mua tăng nhưng vẫn bị ảnh hưởng do thu nhập giảm sút nên người dân chủ yếu mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Công tác mời gọi đầu tư, khai thác các chợ truyền thống còn nhiều khó khăn do thủ tục đầu tư khai thác các chợ thuộc đất công do Nhà nước quản lý còn rườm rà, gây khó khăn và chậm trễ tiến độ cho các nhà đầu tư. Công tác tuyên truyền việc mua bán hàng hóa phải niêm yết giá được triển khai tốt nhưng ý thức của các hộ tiểu thương chưa cao, vẫn còn một số hộ niêm yết giá mang tính đối phó; hàng hóa hết hạn sử dụng vẫn còn tồn tại do sự chủ quan của các hộ kinh doanh trong việc tự kiểm tra hàng hóa...

Trong 6 tháng cuối năm 2022, quận Thốt Nốt sẽ phối hợp với Sở Công Thương TP Cần Thơ thường xuyên cập nhật thông tin, nắm sát tình hình thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra xuất khẩu sản phẩm. Nắm tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp nhằm kịp thời tham mưu, đề xuất UBND quận tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển; phấn đấu đưa các chỉ tiêu phát triển ngành Công Thương năm 2022 đạt và vượt 10% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển ngành công nghiệp chế biến và nông nghiệp chất lượng cao; triển khai các chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường theo các chính sách hỗ trợ của thành phố. Đẩy mạnh thu hút đầu tư trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển nhằm xây dựng hệ thống mạng lưới bán buôn, bán lẻ đa dạng và phong phú các ngành hàng, đồng thời thu hút đầu tư xây dựng các chợ truyền thống...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết