18/06/2010 - 08:24

KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XII

Thông qua 8 Dự án luật

Ngày 17-6, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua 8 dự án luật.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nêu rõ việc thu thuế đối với nhà, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế vì lý do: Qua lấy ý kiến nhân dân cho thấy, việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao. Hơn nữa, khi nền kinh tế của Việt Nam chưa thực sự ổn định, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận rất lớn người dân. Xuất phát từ lý do trên, đồng thời thống nhất với ý kiến của đa số ĐBQH, UBTVQH xin chưa quy định về thuế đối với nhà ở và chỉ giữ lại các quy định về thuế áp dụng đối với đất.

Thống nhất theo đa số ý kiến ĐBQH, đa số ý kiến trong UBTVQH đề nghị quy định theo hướng: diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế; khẳng định rõ: việc thu thuế đối với diện tích đất lấn, chiếm không phải là căn cứ công nhận tính hợp pháp của diện tích này; đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi lấn, chiếm. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012.

Giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Bưu chính của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rõ về nguyên tắc hoạt động bưu chính (Điều 4) và chính sách của Nhà nước về bưu chính (Điều 5), có ý kiến đề nghị nên gộp quy định về nguyên tắc hoạt động bưu chính (Điều 4) và quy định về nguyên tắc hoạt động bưu chính công ích (Điều 32) thành một điều chung. Một số dịch vụ bưu chính phục vụ yêu cầu quốc phòng, an ninh và các hoạt động bưu chính đặc thù khác sẽ được áp dụng cơ chế ưu đãi phù hợp quy định tại văn bản dưới luật để bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với tinh thần phát triển đất nước và yêu cầu của công tác quản lý. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.

Báo cáo về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giải thích về nguyên tắc và chính sách của Nhà nước đối với sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có ý kiến cho rằng cần cụ thể hơn nữa nội dung, nguyên tắc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; không quy định tại khoản 6 Điều 5 về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 4 và Điều 5 của dự thảo Luật mới đã được chỉnh sửa, sắp xếp lại để quy định những nội dung có tính bao quát nhất, còn các nội dung cụ thể sẽ được thể hiện ở các chương, điều của Luật, các văn bản pháp quy của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dự thảo luật mới đã bỏ khoản 6 Điều 5. Việc ban hành, tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này thuộc thẩm quyền và do Thủ tướng Chính phủ quyết định để đáp ứng yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong thời kỳ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.

Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người khuyết tật giải thích đối với quy định trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật (Điều 15), Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng quy định giao trách nhiệm cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật ở cấp xã là dựa trên cơ sở thực tiễn thi hành chính sách bảo trợ xã hội trong nhiều năm qua. Theo tiêu chí xác định mức độ khuyết tật như quy định tại khoản 2, Điều 3 của dự thảo Luật, những trường hợp khuyết tật nặng và đặc biệt nặng có thể xác định được bằng phương pháp quan sát trực tiếp và Hội đồng ở cấp xã có thể đảm nhận được trách nhiệm này. Để giải quyết những khiếu nại của người khuyết tật, dự thảo Luật quy định việc xác định lại mức độ khuyết tật theo yêu cầu của người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của họ, việc xác định này do Hội đồng giám định y khoa thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 15. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2011.

Về dự thảo Luật nuôi con nuôi, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định về nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi. Việc chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi được quy định tại các điều 25, 26, 27 của dự thảo Luật. Hơn nữa việc chấm dứt nuôi con nuôi khi con nuôi đã thành niên chỉ nên coi là một trong những điều kiện mà không nên đặt thành nguyên tắc. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không cho bổ sung nội dung này vào Điều 4. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011.

Với 86,61% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự với hai điểm mới đáng chú ý tại Điều 59 và Điều 60. Đó là việc thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc với quy trình thực hiện do Chính phủ quy định cụ thể. Với việc thông qua Luật này, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp có thể được giải quyết việc xin nhận tử thi, hài cốt của người bị thi hành án tử hình. Trường hợp không được nhận tử thi hoặc thân nhân của người bị thi hành án không có đơn đề nghị được nhận tử thi về an táng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu sẽ tổ chức việc an táng. Sau 3 năm kể từ ngày thi hành án, thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án được làm đơn có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú đề nghị cho nhận hài cốt.

Luật Thi hành án hình sự cũng đã bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; bổ sung quy định về thủ tục ra quyết định thi hành án đối với hình phạt tử hình, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt trục xuất và hình phạt tù cho hưởng án treo. Luật cũng quy định trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân chấp hành tốt nội quy, quy chế trong chấp hành án, có thành tích trong lao động hoặc lập công thì được khen thưởng theo một hoặc nhiều hình thức. Phạm nhân nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng con... Luật Thi hành án hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.

Dự án Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội thông qua với 85,8% số đại biểu có mặt tán thành.

Luật vẫn giữ nguyên thẩm quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ của Hội đồng trọng tài (Khoản 5 Điều 46). Thảo luận về nội dung này, có ý kiến cho rằng nếu quy định như vậy thì cần phải sửa lại Khoản 2 Điều 85 của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành. Tuy nhiên, theo UBTVQH, có nhiều trường hợp, Hội đồng trọng tài đã áp dụng mọi biện pháp nhưng vẫn không thu thập được chứng cứ cần thiết vì không có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức, cơ quan đang quản lý, lưu giữ cung cấp trực tiếp cho mình. Do đó cần có quyền đề nghị Tòa án hỗ trợ. Quy định này không mâu thuẫn với quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự vì áp dụng trong hai trường hợp khác nhau và độc lập với nhau. Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.

87,22% số đại biểu có mặt biểu quyết thông qua Dự án Luật An toàn thực phẩm. 3 nội dung quan trọng của Luật là: Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm (Điều 3); Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm (Điều 7); Trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế (Điều 62).

Luật quy định rất rõ các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm. Trong đó có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm; thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm theo thực phẩm; thông tin trung thực về an toàn thực phẩm; kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện thực phẩm không an toàn; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm không an toàn do mình sản xuất gây ra...

Theo Luật này, trong quản lý ngành, Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu, kinh doanh đối với phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng... Bộ Y tế có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý... Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011.

Cũng trong chiều 17-6, theo chương trình, Quốc hội sẽ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đối với ông Nguyễn Hoàng Anh.

Quốc hội cũng nghe trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hộ i phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tờ trình về việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội về việc này.

QUỲNH HOA-THANH HÒA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết