29/05/2024 - 08:46

Thời trang kể chuyện nông sản, di sản miền Tây 

Chương trình Tuần lễ Thời trang Cửu Long - Cửu Long Fashion Week năm 2024 vừa diễn ra tại TP Cần Thơ mang đến cho người xem nhiều trải nghiệm mới lạ, thú vị. Thông qua ngôn ngữ thời trang, câu chuyện về cây trái, di sản miền châu thổ được kể lại đầy sức hấp dẫn.

Các người mẫu nhí tái hiện chợ ma Định Yên.

Hơn 30 năm về trước, Làng nghề Dệt chiếu Định Yên hồi ấy vẫn còn nổi tiếng với khu chợ họp về đêm. Chợ họp lúc ban khuya, khi màn đêm bao phủ, không cố định giờ giấc, người mua người bán tập nập trong ánh đèn dầu leo lét. Tên gọi chợ ma cũng có từ đó…

Người dẫn chuyện cất lên lời giới thiệu về chợ ma Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), các người mẫu vai vác chiếu, tay cầm đèn dầu, từ từ bước ra sân khấu. Trình diễn là những người mẫu, người lớn có, nhưng đa phần là trẻ em, tự tin hóa thân thành nhân vật trong phiên chợ đầy thú vị. Có những cảnh bán mua tấp nập, có những cảnh trải chiếu coi độ dày mỏng, hoa văn… rôm rả chuyện làng nghề. Hàng chục người mẫu làm nên một hoạt cảnh thật sự ấn tượng qua ngôn ngữ thời trang, với áo bà ba, đầu quấn khăn rằn. Tiếng nhạc du dương, câu chuyện được kể đầy tình cảm. Chợ ma Định Yên được tái hiện trên đất Tây Đô thật hấp dẫn và mới lạ. Anh Lê Hòa Nhã, khán giả, chia sẻ: “Một trải nghiệm rất ấn tượng với tôi. Các người mẫu nhí diễn rất chuyên nghiệp, tự tin, thiết kế sân khấu gần gũi với thiên nhiên”.

Tại Cửu Long Fashion Week lần này, đơn vị tổ chức chọn chủ đề quảng bá nông sản và di sản miền Tây. Hai bộ sưu tập được chọn trình diễn là áo dài và áo bà ba, thiết kế theo phong cách đặc sắc Nam Bộ, kết hợp hoa văn và chất liệu khăn rằn chủ đạo, cùng với những điểm nhấn ở cổ, tay và vạt áo. Trên sàn diễn thời trang ấy, các người mẫu quảng bá chôm chôm, cam sành, sầu riêng, xoài cát… Một trái chôm chôm mời khách, một bó hoa làm bằng chôm chôm tặng đại biểu… những chi tiết nhỏ nhưng cho thấy nông sản được tôn vinh rõ nét.

Ông Ngô Anh Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Giải trí Việt News, đơn vị tổ chức Cửu Long Fashion Week, cho biết: ĐBSCL vốn nổi tiếng với cây lành trái ngọt. Nhưng thời gian qua, hai từ “giải cứu” được dùng khá phổ biến với các loại nông sản: “giải cứu” cam, “giải cứu: dưa hấu, “giải cứu” khoai lang... Trong sở trường của mình, Cửu Long Fashion Week mong muốn tôn vinh, góp phần quảng bá nét đẹp, giá trị và chung tay nâng tầm nông sản miền Tây. Cũng vì ý nghĩa này mà chương trình chọn áo dài và áo bà ba, kết hợp khăn rằn để kể lại một câu chuyện miền Tây thật đẹp.

Ông Minh cho biết thêm, ĐBSCL có bản sắc văn hóa rất phong phú, trong đó có các di sản văn hóa. Để tái hiện chợ ma Định Yên trong chương trình này, ê-kíp đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, đi thực tế, làm sao để toát lên được tinh thần của di sản. Trình diễn trong chương trình đa phần là các người mẫu nhí nên việc giúp cho các em hiểu về phiên chợ, để hóa thân trọn vẹn là điều khó nhưng qua đây, cũng là cách để giới thiệu di sản cho các em, và cả khán giả trẻ tuổi. Nhà thiết kế Lâm Thanh Đạt nói: “Chương trình lần này không chỉ ấn tượng mà còn ý nghĩa. Qua đây, tôi nhận thấy đề tài về văn hóa, di sản trong trình diễn thời trang rất phong phú để khai thác”.

Cửu Long Fashion Week là hoạt động thường niên. Năm 2023, chương trình đã tái hiện một phiên chợ quê đúng chất, qua đó giới thiệu các bộ sưu tập áo dài thiết kế theo lối cổ điển. Sắp tới, chương trình sẽ được tổ chức ở các địa phương khác ở ĐBSCL và cũng sẽ dùng chất liệu văn hóa bản địa làm cảm hứng.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết