Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Diện mạo xã nông thôn mới nâng cao Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ ngày càng khởi sắc. Cảnh quan khang trang, đời sống người dân được cải thiện là kết quả quá trình phấn đấu không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương; sự đồng lòng của người dân trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cán bộ địa phương quan tâm thăm hỏi đời sống, việc kinh doanh của gia đình anh Thạch Ca (người thứ nhất bên trái).
Những ngày này, dọc theo tuyến lộ bê tông dẫn vào trung tâm xã Thới Ðông, người dân tất bật thu hoạch dưa hấu, rau màu, chờ thương lái đến thu mua, vận chuyển. Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã, phấn khởi nói: “Vận dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi, ứng dụng tốt kỹ thuật canh tác nên nông hộ có thu nhập ổn định. Chúng tôi thường xuyên cập nhật nhu cầu thị trường tiêu thụ nông sản và định hướng người dân trong xây dựng mô hình sản xuất, canh tác phù hợp, thu hút hộ nghèo, cận nghèo tham gia”.
Nằm trên tuyến lộ thuộc ấp Thới Xuân, tiệm phở của gia đình anh Thạch Ca, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp, hộ dân tộc Khmer thoát nghèo cuối năm 2021, hằng ngày luôn đông khách. Trước đây, gia cảnh nghèo khó, không đất sản xuất, vợ chồng anh Ca rày đây mai đó làm mướn kiếm sống, nuôi 2 con ăn học. Năm 2018, anh Ca được hỗ trợ vay 85 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Hỗ trợ nông dân để chăn nuôi và mua bán bò thịt, thuê mặt bằng mở tiệm phở. Anh Ca chủ động sắp xếp việc nhà, tích cực tham gia các phong trào địa phương. Năm 2022, Hội Nông dân TP Cần Thơ tặng gia đình anh Ca “Mái ấm nông dân”. Anh Thạch Ca bày tỏ: “Ðược hỗ trợ 40 triệu đồng, người thân trong gia đình đóng góp thêm, tôi xây dựng nhà cao ráo, khang trang. Hiện 2 con tôi có việc làm ổn định, vợ chồng tôi an tâm làm ăn”.
Chúng tôi ghé thăm bà Phan Thị Út, hội viên người cao tuổi diện hộ cận nghèo, đơn thân ở ấp Thới Phong, vừa được Hội Người cao tuổi huyện Cờ Ðỏ thống nhất xây dựng nhà ở từ nguồn vận động hỗ trợ. Bà Út bày tỏ niềm vui khi sắp có được căn nhà kín đáo, không còn phập phồng lo sợ mưa giông. Bà Út không có đất sản xuất, quanh năm mưu sinh với nghề làm mướn, gói bánh bán dạo. Mấy năm gần đây, do sức khỏe suy yếu, bà Út gom vốn bày bán các mặt hàng nhu yếu phẩm tại nhà. Bà Út bộc bạch: “Nhờ chòm xóm mua hàng ủng hộ, tôi có thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày. Tôi thấy ấm lòng khi được chính quyền, đoàn thể địa phương trợ giúp”. Theo Ủy ban MTTQVN xã Thới Ðông, hộ bà Út là 1 trong 7 hộ khó khăn trên địa bàn được xã xem xét xây dựng nhà ở từ nguồn vận động của các ngành, đoàn thể huyện trong năm 2023.
Xác định tạo việc làm, thu nhập ổn định là một trong các giải pháp hữu hiệu giúp các hộ giảm nghèo hiệu quả, năm 2022, bên cạnh tăng cường giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động tại các công ty, cơ sở trong và ngoài thành phố, Hội Nông dân và Hội LHPN xã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ 1.236 hộ dân vay trên 42 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã, các nông hộ vay vốn mở rộng mô hình nuôi bò, heo, cá; trồng cây ăn trái, rau màu và mua bán nhỏ. Ðể giúp hội viên nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, Hội Nông dân xã phối hợp mở các lớp khuyến nông, tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ thuật và các phương pháp canh tác theo hướng xanh, sạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu ra nông sản.
Ông Võ Minh Ðức, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Ðông, cho biết, cuối năm 2022, xã Thới Ðông còn 6 hộ nghèo, tỷ lệ 0,4%; 73 hộ cận nghèo, tỷ lệ 4,8%. Theo kế hoạch, xã phấn đấu giảm 6 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo vào cuối năm 2023, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ðịa phương sẽ tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, vận động xây dựng nhà Ðại đoàn kết; cho vay đối với hộ thiếu hụt về vốn và hướng dẫn phương thức làm ăn phù hợp điều kiện, gia cảnh để có thu nhập; trợ giúp ổn định tiêu thụ, giá cả nông sản. Ðồng thời, địa phương quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, khích lệ và khơi dậy ý chí tự lực thoát nghèo bền vững của người nghèo, không để tái nghèo.