01/04/2012 - 16:21

THÁNG 4-2012

Thời điểm cần chú trọng bình ổn giá !

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ “hệ lụy” của giá xăng dầu tăng sẽ thể hiện rõ ở CPI tháng 4.

Cục Thống kê TP Cần Thơ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3- 2012. Theo đó, so với tháng trước, CPI tháng 3 chỉ tăng 0,23% do giá cả trên thị trường tháng qua đã chững lại, thậm chí nhiều mặt hàng giảm giá so với thời điểm Tết Nguyên đán 2012. Ngày 7-3, giá xăng bán lẻ trong nước được điều chỉnh tăng. Theo ngành thống kê, việc tăng giá này sẽ kéo theo nhiều hàng hóa trên thị trường tăng giá và sẽ thể hiện rõ qua CPI của tháng 4. Vì vậy, bình ổn giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát trong thời điểm này là một yêu cầu thiết thực - đòi hỏi sự chủ động, tích cực từ các ngành hữu quan.

Sau nhiều tháng “làm mưa, làm gió”, tháng 3-2012, giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40%) trong các nhóm hàng hóa đưa vào tính CPI của TP Cần Thơ có mức tăng âm (-0,79%) so với tháng trước. Trong đó, giá lương thực chỉ tăng ở mức 0,21% so với tháng trước chủ yếu do giá lương thực chế biến như bánh mì, bún tươi... tăng. Tháng qua, giá lúa bình quân của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung giảm, nhất là lúa phẩm cấp thấp do việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn. Giá các loại gạo trong tháng cũng được ghi nhận giảm 0,03% so với tháng trước; trong đó, giá gạo tẻ thường giảm 0,11%, gạo nếp giảm 0,61%. Giá thực phẩm thuộc nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3 giảm 1,75% so với tháng trước. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là giá các loại thịt heo trên thị trường giảm do người tiêu dùng “ngại” sử dụng vì có thông tin người chăn nuôi heo sử dụng thức ăn tăng trọng (tạo nạc) ảnh hưởng đến sức khỏe... Ngoài hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tháng 3, Cục Thống kê thành phố còn ghi nhận sự giảm giá của nhóm hàng bưu chính viễn thông với mức giảm là 0,07%.

So với tháng trước, tháng 3 - 2012, đứng đầu ở tốp tăng giá là nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, mức tăng 3,14%. Theo Cục Thống kê, giá nhóm này tăng chủ yếu do giá gas tăng vào đầu tháng. Theo đó, từ 1-3, giá gas bán lẻ được điều chỉnh tăng đến 52.000 đồng/bình 12kg; ngày 3-3, giá gas được điều chỉnh giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Đứng thứ 2 trong “tốp giá tăng” là nhóm giao thông, tăng 1,45% do ảnh hưởng của việc giá xăng bán lẻ được điều chỉnh tăng vào ngày 7-3 (xăng A92 tăng 2.100 đồng/lít, dầu diezel tăng thêm 1.000 đồng/lít)... Các nhóm hàng còn lại như: đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng thấp, dao động ở mức 0,06 - 0,79%.

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, trong tháng 3, hàng hóa bán ra trên địa bàn thành phố ước thực hiện 6.387 tỉ đồng, giảm 1,2% so tháng trước; bán lẻ ước đạt 3.576 tỉ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước. Lũy kế, quý I/2012, so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa bán ra ước thực hiện 12.855 tỉ đồng, tăng 21,3%; bán lẻ ước đạt 7.247 tỉ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Sở Công Thương thành phố nhận định: tình hình lưu chuyển hàng hoá trên thị trường ở thành phố sôi động. Sau Tết, thị trường và sức mua của người dân ổn định. Tuy nhiên, Luật Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, sản phẩm bao bì nhựa bị đánh thuế, làm cho giá thành sản phẩm tăng. Một số vật tư nguyên liệu còn ở mức cao; lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn còn cao; cùng với việc thị trường xuất khẩu bị thu hẹp,... gây ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến xuất khẩu chưa ổn định, nhất là nguyên liệu thủy sản; người dân không mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi thủy sản, do giá cả không ổn định, chi phí đầu vào cao, việc tái đầu tư gặp khó khăn...

Dự báo của Cục Thống kê thành phố, có nhiều yếu tố tác động đến CPI trong tháng 4-2012. Chi phối CPI nhiều nhất là mặt hàng xăng dầu. Bởi lẽ, CPI “chốt mốc” vào ngày 15 hàng tháng. Đến ngày 7-3, giá xăng dầu bán lẻ mới được điều chỉnh tăng. Việc tăng giá bán lẻ mặt hàng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với các nhóm hàng hóa khác. Nhưng, thông thường, hơn 10 ngày sau, giá các loại hàng hóa trên thị trường mới bị tác động rõ rệt. Và dĩ nhiên, CPI tháng 3 “hạ nhiệt” một phần do nguyên nhân chưa kịp phản ánh hết việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu tác động đến giá cả các nhóm hàng hóa khác. Như vậy, “hệ lụy” của giá xăng dầu tăng sẽ thể hiện rõ ở CPI tháng 4 khi các doanh nghiệp vận tải đã có kế hoạch tăng giá cước từ 3-4% để bù đắp chi phí. Điều này kéo theo nhiều mặt hàng khác sẽ tăng giá để bù đắp các khoản chi phí tăng thêm do tăng chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển... Ngoài ra, dự báo thời gian ngắn tới, giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng, giá điện sinh hoạt cũng có khả năng tiếp tục tăng... Vì vậy, CPI trong tháng 4-2012 sẽ tăng trên dưới 1%.

Trước những dự báo trên, theo Cục Thống kê TP Cần Thơ đây chính là thời điểm tác động mạnh và đóng vai trò quyết định đến chỉ số lạm phát cho cả năm 2012. Vì vậy, việc điều hòa cung cầu hàng hóa rất quan trọng. Ngành công thương thành phố cần có những chương trình cụ thể trong việc kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường; đồng thời, tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành hữu quan tăng cường công tác chống buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng gian, hàng giả, chống hành vi gian lận thương mại; tăng cường kiểm tra những hành vi vi phạm quy định về đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức... Những động thái tích cực này nếu được triển khai nhanh chóng, đồng bộ chắc chắn sẽ góp phần đáng kể vào việc đảm bảo nguồn hàng, ổn định thị trường; đồng thời, tránh tình trạng biến động thất thường về nguồn cung cũng như giá cả hàng hóa trên thị trường trong thời gian tới...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ “hệ lụy” của giá xăng dầu tăng sẽ thể hiện rõ ở CPI tháng 4.

Chia sẻ bài viết