19/10/2019 - 11:20

Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công Syria 

Sau gần 10 ngày phát động chiến dịch quân sự tại nước láng giềng, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 17-10 đồng ý tạm dừng giao tranh trong 5 ngày để người Kurd rút khỏi cái gọi là “vùng an toàn” mà Ankara muốn lập ở Đông Bắc Syria.

Phó Tổng thống Mỹ Pence (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: AP

Thông báo được đưa ra sau cuộc đàm phán giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Phát biểu sau cuộc họp, đại diện cấp cao Mỹ cho biết hai bên đã đạt thỏa thuận tạm dừng tất cả hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong Chiến dịch Hòa bình Mùa xuân ở Syria. Đồng thời, Washington sẽ tạo điều kiện để Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) trong 120 giờ rút khỏi “vùng an toàn” cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 32km. Ankara cũng sẽ dừng chiến dịch quân sự ngay khi người Kurd rút lui, ông Pence nói thêm.

Ngoài ra, Washington sẽ không áp trừng phạt bổ sung đối với Thổ Nhĩ Kỳ một khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, thậm chí dỡ bỏ tất cả cấm vận nếu Ankara chấm dứt triển khai quân sự ở Syria. Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan tin tưởng nỗ lực chung này sẽ thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Ngoài các điều khoản trên, hai nước còn cam kết chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria, đảm bảo quyền con người và tính mạng người dân, bảo vệ các cộng đồng tôn giáo và sắc tộc trong khu vực.

Theo lời Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, nước này đã đạt được mong muốn khi Mỹ đồng ý dỡ bỏ trừng phạt và chấp nhận ý tưởng vùng an toàn cũng như sự hiện diện của quân đội Thổ trên khu vực rộng lớn ở Bắc Syria để đổi lấy cam kết tạm dừng chiến dịch quân sự. Đại diện ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rõ Ankara không chỉ dừng lại trong một khu vực hạn chế mà sẽ mở rộng sự kiểm soát từ khu vực sông Euphrates giáp Syria đến tận biên giới Iraq. Về Chiến dịch Hòa bình Mùa xuân, ông Cavusoglu bác bỏ tính hợp pháp của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do YPG lãnh đạo khi nói rõ đây không phải lệnh ngừng bắn và các cuộc tấn công chỉ kết thúc khi SDF rời khỏi vùng biên giới.

Trong tuyên bố, chỉ huy SDF Mazloum Abdi đảm bảo lực lượng này sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Theo đó, phạm vi ngừng bắn trải dài 100km dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ từ thị trấn Tel Abyad đến Ras al-Ain - nơi giao tranh diễn ra khốc liệt. Ngoài trung tâm những khu vực mà Ankara muốn kiểm soát, SDF sẽ không thảo luận về các vùng lãnh thổ mà người Kurd nắm quyền ở phía Đông và Tây Syria.

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter ca ngợi thỏa thuận ngừng bắn là điều tuyệt vời và là “thắng lợi” sau chiến lược trừng phạt cứng rắn đối với Ankara. Phát biểu trước Thượng viện, nghị sĩ Mitt Romney hoan nghênh lệnh ngừng bắn nhưng cho rằng điều này không thay đổi thực tế Mỹ đã bỏ rơi đồng minh. Ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2012 cũng muốn biết Washington hiện đóng vai trò gì trong khu vực và tại sao Thổ Nhĩ Kỳ không phải chịu hậu quả khi “xâm lược” Syria. Lệnh đình chiến cũng vấp phải chỉ trích của hai nhân vật cấp cao đảng Dân chủ gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ bị cho “giả vờ đình chiến” trong khi việc chính quyền Trump dỡ bỏ trừng phạt Ankara không chỉ làm suy yếu chính sách đối ngoại của Mỹ mà còn cho thấy cam kết của Washington hoàn toàn “không đáng tin cậy”.

Giới phân tích nhận định việc rời bàn đàm phán kèm theo thỏa thuận đạt được với Ankara là tình huống tốt nhất đối với chuyến công cán của Phó Tổng thống Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo. Nhưng thay vì lệnh ngừng bắn, các chuyên gia cho rằng thỏa thuận này đúng hơn là sự thừa nhận Mỹ đang “trắng tay” trên đất Syria. Theo đó, việc ông Trump chọn giải pháp rút quân đồng nghĩa các quyết định liên quan đến miền Bắc Syria không còn do Mỹ hay người Thổ định đoạt. Cũng vì vậy, nhiều người đến nay vẫn chưa rõ thỏa thuận Mỹ-Thổ cuối cùng sẽ thực thi như thế nào khi các bên chính ở Syria - lãnh đạo người Kurd, Nga và chính quyền Damascus- đều không có mặt trên bàn đàm phán vừa rồi.

ANH TUẤN (Theo Aljazeera, NYT)

Chia sẻ bài viết