19/04/2010 - 22:22

Thiếu trái cây đạt tiêu chuẩn

Kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, nên khuynh hướng tiêu dùng đã thay đổi, người tiêu dùng sẽ chọn loại trái cây ngon, đẹp, được chứng nhận an toàn thực phẩm (VietGAP), đóng gói, giá bán cạnh tranh được với trái cây ngoại nhập cùng loại. Nhằm đáp ứng nhu cầu này, nhà vườn ở ĐBSCL đã ứng dụng nhanh tiêu chuẩn GlobalGAP và các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Hàng loạt các loại trái cây đặc sản của Tiền Giang, cùng các tỉnh trong vùng đang tiến tới tiêu chuẩn này, nhưng sản lượng vẫn chưa nhiều và luôn thiếu hàng...

Phát triển manh mún

ĐBSCL có rất nhiều giống đặc sản bản địa ngon không thua kém trái cây cùng loại của Thái Lan như: xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, sầu riêng Chín Hóa, Ri- 6, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, chôm chôm nhãn, thanh long, chuối cau, măng cụt, quýt đường, cam sành, vú sữa... Tiền Giang là địa phương phát triển diện tích cây ăn trái nhanh nhất, chiếm khoảng 10% diện tích cây ăn trái cả nước, với diện tích hiện tại đạt 67.000 ha. Năm 2009, giá trị sản xuất cây ăn trái của tỉnh đạt 5.400 tỉ đồng (khoảng 1 triệu tấn trái). Thời gian gần đây, nhà vườn rất năng động trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và khẳng định vị thế của trái cây Tiền Giang. Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã nhanh chóng chinh phục được thị trường thế giới. Trong 3 tháng đầu năm 2010, Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã cung cấp 10 tấn trái xuất khẩu sang châu Âu và một số nước châu Á. Hiện tại, còn nhiều đơn đặt hàng từ 1-1,5 tấn/hợp đồng, nhưng HTX không đáp ứng được nhu cầu. Vùng nguyên liệu của HTX trên 55ha, với sản lượng khoảng 400 tấn trái/năm.

Vú sữa Lò Rèn, đặc sản của Tiền Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Ảnh: T. NGUYỄN 

Tiền Giang hiện có hơn 20 chủng loại trái cây, trong đó có 7 loại được đưa vào danh mục các loại trái cây triển vọng, gồm: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa Lò Rèn-Vĩnh Kim, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo và sơ ri Gò Công. Riêng xoài cát Hòa Lộc từ lâu đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và trở thành mặt hàng thân thuộc của khách hàng quốc tế. Ông Nguyễn Văn Thực, Chủ nhiệm HTX Xoài cát Hòa Lộc, cho biết: “Từ khi thực hiện các tiêu chí của thị trường khó tính, giá trị trái xoài đã tăng lên đáng kể. Đặc biệt, khách hàng ngày càng tin tưởng và đặt mua với số lượng nhiều. Nhật Bản vốn là thị trường khó tính không thua gì châu Âu, nhưng đã trở thành khách hàng thân thuộc của HTX. Trong 3 tháng đầu năm 2010, HTX đã xuất khẩu sang Nhật 60 tấn trái và đang chuẩn bị xuất tiếp 40 tấn nữa”. Hiện diện tích xoài cát Hòa Lộc của HTX khoảng 50 ha của 100 hộ xã viên, giá thu mua tại vườn hiện ở mức 24.000 đồng/kg, đảm bảo nhà vườn lãi to.

Thông tin nhà vườn trồng Vú sữa Tiền Giang còn được giấy chứng nhận EUREPGAP, dứa Tiền Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP, chôm chôm Bến Tre đạt tiêu chuẩn GlobalGAP... đã khẳng định sự nhạy bén của nông dân trong ứng dụng kỹ thuật, thích ứng nhu cầu thị trường. Nhưng việc mở rộng mô hình sẽ gặp khó khăn, do chưa có thị trường bền vững, sản lượng không đủ đáp ứng những đơn đặt hàng lớn. Mặt khác, chưa có nhà đóng gói trái cây đúng nghĩa ở ĐBSCL, vườn ươm chưa được quản lý chặt chẽ, cây giống bị bệnh vẫn được lưu thông và giá trái cây rất cao so với Thái Lan nên khó cạnh tranh quốc tế.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Tuy xuất khẩu chưa nhiều, nhưng rau quả Việt Nam đã đi tới rất nhiều nước trên thế giới. Năm 2009, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 438 triệu USD. Còn Thái Lan, chỉ một loại khóm Cayenne, họ đã xuất trên 600 triệu USD, nếu tính chung các loại trái cây thì kim ngạch Thái Lan đạt hơn 800 triệu USD/năm. Đất nước đang phát triển mạnh, nhu cầu tiêu dùng rau, quả tăng rất lớn. Bộ NN&PTNT đã ban hành qui trình sản xuất VietGAP cho rau, quả và công bố qui hoạch sản xuất rau, hoa, quả và cây kiểng đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020. Song đến nay, vẫn chưa có gì thay đổi ở ĐBSCL trong việc xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lớn. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn là mối lo ngại hàng đầu đối với người tiêu dùng. Chưa có liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp... đã làm giảm thế mạnh của vùng”. Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, tỉnh Tiền Giang chưa đủ lực để hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh trái cây với diện tích lớn và các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu trái cây từ Trung ương cũng chưa đầy đủ. Thông tin về thị trường do Nhà nước cung cấp còn quá ít, nông dân không có đủ thông tin về sản xuất như qui trình sản xuất an toàn, qui trình đóng gói trái cây để cung cấp rộng rãi như ở các nước.

Cơ hội nào cho trái cây Việt Nam?

Hiện nay, Việt Nam phải nhập trái cây nhiệt đới từ Thái Lan và Trung Quốc như: măng cụt, bòn bon, quýt, cam... Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cho rằng, có thể tăng diện tích măng cụt lên 3-4 lần hiện tại (diện tích hiện gần 10.000 ha) để khỏi nhập từ Thái Lan (trên 70.000 ha). Hiện nay, thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, chuối, khóm, bưởi đã xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Trung Quốc, Đài Loan, Singapore. Hệ thống siêu thị cũng là khách hàng tiềm năng của trái cây ĐBSCL. Có thể phát huy mối liên kết giữa tập thể nhiều nhà vườn với siêu thị. Song song đó, đầu tư nhà máy đóng gói trái cây hiện đại tại vùng và phổ biến kỹ thuật sản xuất theo qui trình VietGAP, GlobalGAP, BRC (nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn ATVSTP của châu Âu). ĐBSCL hiện không thiếu những mô hình sản xuất tiên tiến đạt những tiêu chuẩn trên. Do vậy, cần tập trung đầu tư xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái với sự trợ lực từ Trung ương và sự quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo từng địa phương.

Nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe, nhà vườn ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã và đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn trái đạt tiêu chuẩn. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh đang lập đề án hỗ trợ phát triển 7 loại cây chủ lực. Trong đó, 2 đề án thanh long và vú sữa đã được triển khai (đã được cấp chứng nhận GlobalGAP). Ngoài ra, Tiền Giang cũng chú trọng đến xây dựng thương hiệu hàng hóa tập thể cho cây ăn trái, góp phần tăng giá trị sản phẩm trái cây của nhà vườn. Hiện sơ ri Gò Công đã trở thành mặt hàng chủ lực để xuất khẩu, với vùng nguyên liệu khoảng 20 ha (sản lượng khoảng 1.000 tấn trái/năm) phục vụ chế biến nước trái cây xuất khẩu. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thế Ngọc, cho biết: “Sản xuất theo quy trình GAP cần sự liên kết nhiều nông dân để thực hiện chứ không làm nhỏ lẻ được. Vì vậy, mô hình HTX, câu lạc bộ khuyến nông là phù hợp. Song song đó, áp dụng tiêu chuẩn EUREPGAP từ khâu canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến xuất khẩu... nhằm tăng giá trị cho trái cây Việt Nam”. Theo ông Ngọc, trong dịp Festival Trái cây Việt Nam lần thứ I-2010, Tiền Giang sẽ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy và dự án như: Nhà máy sơ chế, đóng gói trái thanh long xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trị giá 40 tỉ đồng, công suất 50.000 tấn trái/năm; dự án khu nông nghiệp công nghệ cao (150 tỉ đồng) ứng dụng các công nghệ sản xuất hiện đại, tiêu chuẩn chất lượng GlobalGAP.

Theo Bộ NN&PTNT, trái cây đặc sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường hơn 50 nước trên thế giới. Giai đoạn 2010- 2020, nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới của thị trường thế giới sẽ tăng khoảng 24%- 25% so với hiện nay. Dự báo đến năm 2014, tổng nhu cầu nhập khẩu trái cây của thế giới sẽ vào khoảng 3,6 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 2,6 triệu tấn là trái cây khu vực các nước nhiệt đới. Mỹ và EU sẽ là hai thị trường có nhu cầu nhập khẩu trái cây, tương đương 70% nhu cầu thế giới. Đây là cơ hội tốt cho trái cây Việt Nam thâm nhập thị trường. Điều đó đòi hỏi nhà vườn phải năng động và mạnh dạn ứng dụng các quy định khắt khe của thị trường khó tính. Mặt khác, nông dân cần hợp tác xây dựng vùng sản xuất chuyên canh trái cây đặc sản để có hàng hóa số lượng lớn, chất lượng đồng đều, bằng cách gia nhập HTX như Đài Loan. Nhất thiết phải gắn với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

THÀNH NGUYỄN - GIA BẢO

Chia sẻ bài viết