06/09/2022 - 08:55

Thị trường truyện tranh tăng trưởng mạnh 

Nhu cầu của độc giả truyện tranh ngày càng tăng cao, giúp thị trường này tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, điều này lại gây ra đứt gãy các chuỗi cung ứng, cũng như nhiều vấn đề mà ngành xuất bản phải giải quyết.

Yae Sahashi, Giám đốc bộ phận bán hàng và tiếp thị tại Kodansha (NXB manga lớn nhất tại Nhật) thông tin doanh số bán hàng bùng nổ vào năm 2021 và đến năm 2022 việc kinh doanh vẫn tăng trưởng không ngừng. Một số tác phẩm bán chạy là “Wotakoi”, “Blue Period” (ảnh), “Vinland Saga”… Erik Ko, đại diện Udon Entertainment (xưởng sáng tác và xuất bản truyện tranh tại Canada) chia sẻ, chỉ trong một năm qua Udon Entertainment đã bán được thêm 200% bản sao của tập 1 “Persona 3”, bằng tổng ấn bản họ đã bán ra trong 7 năm qua. Đại diện Viz, một trong những nhà xuất bản truyện tranh lớn ở Bắc Mỹ, nói thị trường truyện tranh đang phát triển mạnh mẽ. Tất cả kênh bán hàng ở Mỹ, Canada như chuỗi bán lẻ, nhà sách độc lập, bán sách trực tuyến, thư viện, đại lý… đều tăng trưởng.

Còn Đức trở thành thị trường truyện tranh lớn nhất châu Âu vào năm 2021 bởi doanh số bán ra tăng vượt bậc. Thời điểm trước dịch bệnh, số lượng truyện tranh Nhật Bản tại Đức bán được khoảng 70 triệu cuốn. Tuy nhiên con số này đã tăng 75% vào năm 2021. Một số NXB truyện tranh nổi tiếng tại Đức như: Carlsen, Egmont, Kaze, Tokyopop… đều đạt doanh thu vượt bậc. Kai-Steffen Schwarz, Giám đốc biên tập truyện tranh của NXB Carlsen (có trụ sở tại Hamburg, Đức), cho biết kể từ khi “Dragon Ball” và “Sailor Moon” xuất hiện tại Đức, thị trường truyện tranh ở quốc gia này đã có một hướng đi mới khi dần tập trung cho sản xuất truyện tranh nhiều hơn. Bình quân ở Đức mỗi năm xuất bản từ 3.000-4.000 đầu truyện tranh mới. Đức cũng có nhiều sự kiện để đẩy mạnh hoạt động xuất bản truyện tranh. Cụ thể như Ngày Truyện tranh manga vào tuần cuối của tháng 8-2022, đã thu hút hơn 720 hiệu sách tổ chức nhiều hoạt động, chương trình khuyến mại thu hút sự chú ý của những người yêu thích truyện tranh.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng doanh thu vượt bậc của truyện tranh cũng gây ra không ít khó khăn. Đặc biệt là các vấn đề của chuỗi cung ứng, như: công suất máy in hạn chế, tình trạng thiếu giấy, các vấn đề sản xuất và phân phối khác... Doanh số bán hàng tăng bất ngờ dẫn đến việc các NXB không đủ nguồn cung bởi in không kịp. Kết quả, nhiều tựa truyện được liệt kê là không có sẵn. Nguồn giấy cũng trở nên khan hiếm. Kurt Hassler, Giám đốc điều hành tại Yen Press, một liên doanh giữa Hachette và tập đoàn Kadokawa, cho biết: “Các vấn đề về chuỗi cung ứng, nhất là cung cấp giấy và năng lực máy in vẫn là thách thức lớn nhất của chúng tôi trong năm nay”.

Trên thực tế, chuyển đổi số trong ngành công nghiệp xuất bản đã phát triển nhưng dường như không tác động lớn tới truyện tranh. Lý giải về điều này, ông Kai-Steffen Schwarz, Giám đốc biên tập truyện tranh của NXB Carlsen, nói: “Truyện tranh bản sách giấy vẫn là kênh tương tác, kết nối chính với độc giả. Các nền tảng trực tuyến chỉ giúp quảng bá ấn phẩm mới, chương trình khuyến mại, các sự kiện đặc biệt và tìm hiểu thị hiếu độc giả. Khoảng 25-30 đầu sách của chúng tôi cũng được xuất bản kỹ thuật số mỗi tháng, nhưng con số đó thậm chí không chiếm đến 3% doanh thu. Điều này có thể là bởi tính trực quan của thể loại truyện tranh cũng như thói quen đọc của độc giả ở thể loại này vẫn có xu hướng lựa chọn bản giấy hơn”.

BẢO LAM

(Tổng hợp Publishers Weekly, Japan Bussines in Germany, Hollywoodreporter)

Chia sẻ bài viết