29/04/2009 - 21:29

Ông Nguyễn Công Hiến, Phó vụ trưởng vụ thị trường châu Phi, Tây - Nam Á:

Thị trường Trung Đông và châu Phi rộng cửa đón doanh nghiệp ĐBSCL

 

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Mekong Expo 2009 tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Công Hiến, Phó vụ Trưởng Vụ Thị trường Châu Phi, Tây - Nam Á (Bộ Công Thương), nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Koweit và Thổ Nhĩ Kỳ đã giới thiệu cho các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL một số thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng... Ông Nguyễn Công Hiến cho biết:

Khoảng 250 triệu dân thuộc 15 quốc gia khu vực Trung Đông - nơi được coi là giếng dầu của thế giới, cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của thế giới. Kim ngạch nhập khẩu toàn khu vực năm 2008 đạt giá trị 541,5 tỉ USD, tăng 41% so với năm 2007. Việt Nam đã thiết lập quan hệ với tất cả các nước khu vực này. Nhưng kim ngạch 2 chiều với Việt Nam năm 2008 chỉ mới đạt hơn 2 tỉ USD, trong đó giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam chỉ mới đạt 1,27 tỉ USD. Các thị trường trọng điểm doanh nghiệp có thể nhắm tới: Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE - gồm 7 tiểu vương quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Arabie Séoudite, Iran...

Châu Phi với 53 quốc gia với dân số khoảng 970 triệu người. Là châu lục kém phát triển, bình quân thu nhập 500 - 600USD/người, chênh lệch thu nhập khá lớn giữa các quốc gia. Tuy vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt khoảng 800 tỉ USD. Nhu cầu về công nghệ và hàng hóa ở châu lục này rất lớn, đặc biệt là nông sản và hàng tiêu dùng. Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 48/53 nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng nhanh và đạt trên 2 tỉ USD năm 2008, tăng 30% so với năm trước. Các thị trường quan trọng cần chú ý như: Ai Cập, Nam Phi, Algéria, Nigeria, Ghana, Cote d’Ivoire...

Hiện tại, Việt Nam đã mở 7 cơ quan đại diện ngoại giao và 5 Thương vụ tại châu Phi; 5 thương vụ ở Trung Đông tại các nước: Koweit, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Iraq. UAE là nền kinh tế lớn thứ 3 trong thế giới A Rập. Đây là thị trường trung chuyển và có thể xem như cửa ngõ vùng vịnh với 60 hãng không vận và khoảng 100 hãng vận tải đường biển tham gia hoạt động.

Qua nhiều năm làm nhiệm vụ tại các quốc gia này, tôi thấy rằng, thị trường châu Phi có nhu cầu lớn, đa dạng; yêu cầu về chất lượng hàng hóa không quá khắt khe; đặc biệt là họ được hưởng những chính sách ưu đãi về thuế quan. Nhu cầu tiêu dùng của người dân rất lớn đối với rất nhiều loại hàng hóa sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp ở ĐBSCL. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị đang bất ổn ở một số quốc gia, hệ thống thông tin liên lạc chưa phát triển, mạng lưới đại diện thương mại của Việt Nam trên toàn châu lục còn mỏng... Giao thương với thị trường Trung Đông cũng hàm chứa nhiều rủi ro về an ninh; thông tin về đối tác, thị trường thường ít ỏi. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải thận trọng để cảnh giác với những vụ lừa đảo quốc tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp ĐBSCL muốn biết thêm chi tiết về những khách hàng này có thể liên hệ trực tiếp với 7 cơ quan đại diện ngoại giao và 5 Thương vụ tại châu Phi; 5 Thương vụ đặt tại Trung Đông. Các cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ tất cả doanh nghiệp Việt Nam để xác minh thông tin về các doanh nghiệp, đối tác nhập khẩu. Hiện tại, đã có một số doanh nghiệp ở các nước châu Phi, Trung Đông đang đầu tư ở tỉnh Phú Yên để xây dựng những khách sạn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Ngược lại, một số nước ở khu vực này cũng đang mời gọi các doanh nghiệp Việt Nam đến phát triển nông nghiệp trồng lúa nước thời gian 10-20 năm trên diện tích hàng trăm ngàn ha và không thu tiền thuê đất; mời gọi đầu tư các lĩnh vực cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp... Họ cũng cam kết sẽ tiêu thụ lúa hàng hóa của những nhà doanh nghiệp đầu tư trên quốc gia họ theo giá thị trường, vì mục đích của họ là muốn học tập kinh nghiệm trồng lúa nước của Việt Nam và lâu dài sẽ chuyển giao cho người dân bản địa canh tác... Đây sẽ là những cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ĐBSCL tiếp cận với thị trường tiềm năng này.

THIỆN KHIÊM (lược ghi)

Chia sẻ bài viết