|
Tại nhiều cửa hàng, điểm bán gạo ở nội ô TP Cần Thơ, gạo đang đứng giá ở mức cao. Ảnh: ANH KHOA |
Từ giữa tháng 4 năm 2008, giá gạo trên thị trường có sự biến động mạnh. Nguyên nhân dẫn đến “cơn sốt ảo” gạo trên thị trường do thông tin giá lương thực thế giới biến động, người dân đồng loạt đổ xô đi mua gạo để tích trữ... Cơn sốt này đã lắng dịu khi có sự can thiệp từ phía ngành hữu quan. Tuy nhiên, hệ quả của nó chính là giá gạo trên thị trường vẫn còn đang ở mức cao. Tại nhiều cửa hàng, đại lý bán gạo sức mua đã giảm sút...
Đã lỡ “phóng lao”...
Theo nhận định của các ngành hữu quan, xảy ra tình trạng sốt gạo ảo trên thị trường thời gian qua là do: Những thông tin thiếu chính xác từ một số phương tiện thông tin đại chúng và tình hình lương thực thế giới biến động kéo giá gạo trên thế giới từ 1.000 USD lên 1.300 USD/tấn. Trước những thông tin này, nhiều người dân sợ giá gạo tiếp tục tăng cao nên đã đổ xô đi mua gạo. Chớp thời cơ, nhiều nông dân và tiểu thương thấy giá gạo tăng mạnh đã tạm thời giữ hàng lại càng làm giá gạo lên cơn sốt ảo.
Khi “cơn sốt gạo” trên thị trường có phần lắng dịu, nhưng nhiều người vì lỡ “phóng lao phải theo lao”.
Gia đình chị Nguyễn Ngọc Sương ở khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, có 3 người. Tuy nhiên, nguồn sống chủ yếu chỉ dựa vào tiền làm thuê ít ỏi của chồng chị. Chị cho biết: “Hằng tháng, ổng đưa tôi khoảng 1 triệu đồng để lo chi phí trong gia đình. Tôi thì ở nhà, ai kêu gì làm nấy, nhưng cũng chẳng kiếm được bao nhiêu. Thằng con trai tôi năm nay đã 20 tuổi. Nó kiếm được ít tiền, vừa để tiêu xài vừa để học nghề, nên chẳng giúp được gì cho gia đình. Bây giờ thứ gì cũng lên giá. Vì thế, chạy gạo là chuyện thường ngày...”. Hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng trong đợt sốt gạo vừa qua chị Sương cũng dự trữ riêng cho gia đình trên 100 kg gạo. Chị cho biết: “Lúc đó, thấy giá gạo lên muốn chóng mặt nên phải tìm cách dự trữ. Cái gì thiếu được nhưng gạo thì không thể thiếu. Ăn không đủ no, ông chồng và đứa con tôi lấy sức đâu mà đi làm, đi học”. Bây giờ, cơn sốt gạo trên thị trường tạm lắng dịu thì chị Sương cảm thấy hối hận. Chị tâm sự: “Tiền tôi mượn của thằng em ruột chứ có dư dả gì. Tính là mua sớm tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Ai dè giá gạo lại mau xuống như vậy. Vợ chồng, con cái đành phải cố gắng tiết kiệm để trả nợ chứ biết làm sao bây giờ”.
Tương tự như chị Sương, khi gạo trên thị trường có dấu hiệu sốt, chị Huỳnh Thị Bích Phượng ở phường Thới Long, quận Ô Môn đã tậu về nhà hơn 200kg. Mấy hôm nay, chị Phượng cứ nhấp nha, nhấp nhỏm theo mấy cơn mưa đầu mùa. Chị cho biết: “Nhà tôi bán quán nước. Diện tích có bao nhiêu gần như tận dụng hết cả rồi. Mỗi lần mưa lớn thì nước từ ngoài lộ chảy vào nhà, ướt cả nơi để gạo. Mưa hoài rầu thúi cả ruột! Gạo ẩm mốc không biết phải làm sao đây! Biết gạo xuống giá như bây giờ tôi đâu có mua nhiều làm gì! Nhà thì chỉ có 4 người! Không biết ăn chừng nào mới hết số gạo này...”.
Dè chừng với giá gạo
Trong đợt “sốt hàng, sốt giá” mặt hàng gạo vừa qua, tại TP Cần Thơ, giá gạo các loại có lúc lên đến 14.000-20.000 đồng/kg. Hiện nay, giá gạo đã giảm khoảng 3.000-4.000 đồng/kg so với ngày 27-4 nhưng còn cao hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm chưa “sốt giá” (ngày 25-4). Tại nhiều cửa hàng, điểm bán gạo ở nội ô TP Cần Thơ, gạo thường giá 10.000-11.000 đồng/kg, gạo Một bụi 12.000 đồng/kg, thơm Mỹ 13.000-14.000 đồng/kg, Nàng Hương 14.000 đồng/kg, Đài Loan 15.000 đồng/kg, Tài Nguyên 15.000 đồng/kg, gạo thơm Thái 15.000 đồng/kg, Hương Lài: 16.000 đồng/kg...
Chị Nguyễn Thị Chính, ở ấp Thới An A, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: “Gia đình tôi làm vườn (trồng vú sữa và chanh) nên phải mua gạo ăn suốt năm. Vì vậy, giá gạo liên tục tăng tôi cũng lo. Cách nay hơn 1 tháng, giá gạo chỉ ở mức 7.500-8.000 đồng/kg. Vừa qua, giá gạo lên đến 15.000 đồng/kg tôi phải mua cầm chừng để đợi giá gạo giảm lại...”. Còn dì Nguyễn Thị Bình, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhà tôi tổng cộng có 5 người, đều là công chức nên phải mua gạo chợ thường xuyên. Nhưng với giá gạo thay đổi liên tục như vừa rồi, tôi mua 15 kg giá tới 18.000 đồng/kg. Chỉ ngày sau gạo đã giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg. Thú thật, tình hình này, dù có tiền cũng không dám mua nhiều...”.
Góp phần bình ổn giá gạo trên thị trường, khoảng 1 tuần qua, Công ty Gentraco đã bổ sung khoảng 200 tấn gạo cho các điểm bán lẻ ở khu vực nội ô thành phố. Công ty đã cung cấp gạo cho người tiêu dùng với số lượng không hạn chế. Tuy nhiên, mấy ngày qua công ty bán gạo ra rất chậm, do trước đây nhiều người mua gạo trữ dùng chưa hết. Mặt khác, hiện nhiều người có nhu cầu mua gạo nhưng chờ giá gạo giảm xuống ở mức bình thường như trước đây.
Giá gạo khó giảm?
Sau “cơn sốt gạo” vừa qua, thị trường gạo ở TP Cần Thơ đã tạm lắng dịu nhưng giá còn ở mức cao. Theo giới kinh doanh mặt hàng này, khó có khả năng giá gạo bán lẻ trên thị trường giảm thêm. Nguyên nhân do giá lúa trên thị trường đang ở mức cao, kéo theo giá gạo cũng ở mức cao so với trước.
Anh Nguyễn Ngọc Thịnh, nhân viên quản lý nhà máy gạo Ngọc Dành, huyện Phong Điền, giải thích: “Mấy ngày trước, nhà máy thu mua gạo nguyên liệu khoảng 8.000 đồng/kg. Hiện giá gạo nguyên liệu giảm xuống còn 7.600-7.800 đồng/kg. Do giá lúa đang ở mức cao, khoảng 6.000-6.200 đồng/kg nên giá gạo nguyên liệu khó giảm thêm. Hiện, nhà máy bán gạo thành phẩm với giá khoảng 9.200-9.400 đồng/kg. Bán giá này nhà máy có mức lời rất meo!”.
Còn chị Nguyễn Thị Bê, bán gạo ở chợ Tân An, dự đoán: “Hiện giá gạo nhà máy cung cấp còn ở mức cao nên mấy ngày qua tôi chỉ mua hàng vào với số lượng đủ bán. Tôi không dám mua vào nhiều vì sợ giá gạo sẽ còn giảm. Nhưng theo tôi, giá gạo có giảm thì cũng chỉ giảm nhẹ vì giá lúa đang ở mức cao nên nhà máy sẽ không hạ giá bán xuống thấp. Tình hình này, có thể người tiêu dùng khó mà mua được gạo với giá 8.000-9.000 đồng/kg như trước đây”.
Ông Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Công ty Gentraco cho biết: “Với gạo thường (15% tấm) công ty cung cấp giá 10.000 đồng/kg. Trong đó có 5% thuế, 100 đồng chi phí bao bì và 100 đồng chi phí vận chuyển. Công ty không thể hạ giá bán gạo nữa do giá lúa đang ở mức cao. Hiện, giá lúa khoảng 6.000 đồng/kg, trong khi lúa dự trữ trong dân đang cạn dần nên giá khó giảm trở lại. Do đó, giá gạo sẽ đứng ở mức cao một thời gian và chỉ có khả năng giảm giá khi có lúa mới...”.
ANH KHOA- HÀ TRIỀU
Theo Bộ NN-PTNT, tổng lượng cung ứng lúa gạo trong 4 tháng đầu năm 2008 và 2 tháng cuối năm 2007 là 19,8 triệu tấn. Trong đó, chi dùng nội địa 14,8 triệu tấn, lượng lúa còn lại dành cho xuất khẩu 5 triệu tấn (tương đương 2,8 triệu tấn gạo). Từ đầu năm đến nay, cả nước xuất khẩu được khoảng 1,57 triệu tấn gạo. Như vậy, lượng gạo còn tồn kho trong nước vào thời điểm hiện nay 1,23 triệu tấn.
Trong 4 tháng qua, sản lượng lúa đông xuân cả nước thu hoạch đạt 17,6 triệu tấn, tăng 400.000 tấn so với năm 2007. Theo Bộ NN-PTNT, do lúa đang được giá, nông dân sẽ tận dụng tối đa diện tích để gieo cấy lúa hè thu, lúa mùa. Năm 2008, sản lượng lương thực có thể đạt và vượt mức kế hoạch 36 triệu tấn. |