17/10/2011 - 10:02

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23/10/1961 - 23/10/2011)

Thêm tự hào về con đường huyền thoại trên biển

Kể từ cuộc triển lãm đầu tổ chức tại tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 8-9, đến nay, đoàn triển lãm “Biển, Đảo và người chiến sĩ Hải quân-Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển” của Bảo tàng Hải quân đã tổ chức hoạt động này ở 6 tỉnh, thành (mỗi nơi 2 ngày). Dù chỉ mới mang đi được phần nào hình ảnh truyền thống lực lượng Hải quân Việt Nam, chiến công của đoàn tàu “không số” đến quân dân một số tỉnh, thành nhưng mỗi nơi đoàn ghé qua đều để lại trong người xem nhiều cảm xúc...

 Các chiến sĩ Lữ PPK 226 xem triển lãm.

Vượt chặng đường xa từ Hải Phòng vào Nam, đoàn triển lãm của Bảo tàng Hải quân đã mang đến phục vụ quân dân thành phố Cần Thơ hàng trăm tranh ảnh, hiện vật,...về chiến công và thành tích lực lượng Hải quân Việt Nam từ ngày thành lập đến nay cũng như quá trình mở đường, vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển. Thượng tá Lương Văn Quý, Giám đốc Bảo tàng Hải quân cho biết: “Đây là một trong 6 nội dung nằm trong đề án cấp Nhà nước được Bộ Quốc phòng phê duyệt nhằm tuyên truyền cho bộ đội, nhân dân hiểu rõ về lịch sử, tầm quan trọng của đường Hồ Chí Minh trên biển, cũng như chiến công, thành tích của lực lượng Hải quân Việt Nam chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2011). Đồng thời, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp, tình đoàn kết gắn bó giữa các lực lượng vũ trang, nhân dân Quân khu 9 với bộ đội Hải quân Việt Nam. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ triển lãm tại 6 tỉnh mà đoàn tàu “không số” từng có bến tiếp nhận vũ khí và 2 thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Cần Thơ”.

Đến với nhân dân thành phố Cần Thơ lần này, đoàn triển lãm của Bảo tàng Hải quân đã mang theo hơn 300 ảnh tư liệu (35x50cm), 20 bảng thống kê số liệu, thành tích, 3 bản đồ về hải trình của các con tàu “không số” trên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Mỗi một tấm ảnh, hiện vật tại triển lãm khiến người xem không khỏi xúc động xen lẫn tự hào về hành trình của những con tàu “không số”. Tấm ảnh bến Hòn Hèo (Nha Trang) gợi cho người xem về tinh thần quả cảm của liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng sau khi cho hủy tàu 235 với 800 kg thuốc nổ vào năm 1968. Tên anh về sau được UBND tỉnh Khánh Hòa đặt cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa (đảo Phan Vinh) như một sự ghi nhận công lao của người anh hùng trên con đường huyền thoại.

Chúng tôi cũng ấn tượng với ba hiện vật gồm: ống nhòm, la bàn, radio trên các con tàu “không số”. Theo Thượng úy Lê Hồng Tiến, hướng dẫn viên Bảo tàng Hải quân thì những vật này được các cán bộ tàu “không số” năm xưa mang theo để định hướng đường đi, nắm bắt thông tin hàng ngày trên đường vận chuyển vũ khí và thường được ngụy trang trong những chiếc phao làm bằng ống tre (thời đó lưới đánh cá vẫn còn dùng ống tre làm phao). Bởi vì hầu hết các con tàu “không số” đều ngụy trang thành tàu đánh cá để dễ dàng đi lại trên biển và tránh sự theo dõi của kẻ thù. Ngoài ra, chiếc vô-lăng và mô hình tàu “không số” tại triển lãm cũng khiến người xem khâm phục hành trình vượt biển đầy gian nan, hiểm nguy của những cán bộ, chiến sĩ giàu lòng yêu nước. Họ là những người dám buộc tay mình vào tay lái để không bị sóng đánh bật ra, kiên cường chịu đựng đói khát hàng tuần lễ khi tàu hư hỏng, lạc đường. Từ những chiếc ghe gỗ trọng tải 4-6 tấn của đợt đi đầu tiên ra Bắc cho đến những con tàu nặng hàng trăm tấn vượt sóng biển Đông đưa vũ khí chi viện cho miền Nam là cả một quá trình đáng khâm phục trong việc tìm ra phương thức vận chuyển mới. Và ai đến với triển lãm cũng rưng rưng xúc động khi biết các con tàu này luôn chở theo hàng tấn thuốc nổ, sẵn sàng cho nổ tung để giữ gìn bí mật cho con đường mà 50 năm sau chúng ta gọi là huyền thoại. Chiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (Lữ PPK 226) chia sẻ: “Đến đây, tôi và đồng đội mới hiểu hết ý nghĩa lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển. Mỗi một số liệu, hình ảnh, hiện vật đều tái hiện lại trong tôi sự gian khổ, dũng cảm của cha anh ngày trước. Từ đó, tôi thấy mình cần phấn đấu hơn nữa để xứng đáng là “anh bộ đội cụ Hồ” và phải có trách nhiệm với biển đảo Việt Nam hôm nay”. Triển lãm cũng trưng bày hình ảnh các bến như: bến Vũng Rô (Phú Yên), bến Lộc An (Bà Rịa -Vũng Tàu), bến Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre),... những nơi mà Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 ngày nay) từng ghé qua trong gần 15 năm giữ sứ mệnh lịch sử quan trọng. Qua xem triển lãm, càng xúc động, tự hào khi hiểu rõ hơn về các chiến công vang dội của lực lượng Hải quân Việt Nam chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, sự phát triển của lực lượng Hải quân Việt Nam qua các thời kỳ; ý chí của quân dân huyện đảo Trường Sa trong việc gìn giữ chủ quyền biển, đảo hôm nay. Tất cả đã tạo nên sự phong phú của một cuộc triển lãm mang tầm Quốc gia.

Trong hai ngày diễn ra triển lãm, dù thời tiết không được tốt nhưng lượng người đến xem triển lãm khá đông. Bởi ai cũng muốn được một lần nhìn thấy hình ảnh, kỷ vật liên quan đến một con đường huyền thoại, sự đóng góp, hy sinh thầm lặng của lực lượng Hải quân Việt Nam. Trong đó, lực lượng học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn thành phố đến với triển lãm theo đoàn hay cá nhân khá đông. Bạn Trần Thanh Liêm, sinh viên năm thứ 1, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, chia sẻ: “Em đi mua sách thấy bảo tàng có triển lãm về đường Hồ Chí Minh trên biển nên em ghé tham quan. Em rất xúc động trước sự hy sinh gian khổ của nhiều cán bộ, chiến sĩ trên các con tàu “không số” và càng khâm phục ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa”. Để triển lãm đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thành phố Cần Thơ một cách gần gũi, lãnh đạo Bảo tàng Quân khu 9 đã đóng góp vào triển lãm chủ đề “Đường Hồ Chí Minh trên biển phát triển về ĐBSCL” với 50 ảnh tư liệu, hiện vật mô tả phương pháp vận chuyển vũ khí, sự mưu trí, sáng tạo của quân dân ĐBSCL trong việc tiếp nhận và đưa vũ khí đến các chiến trường ở ĐBSCL. Đại tá Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 9, cho biết: “Đây là triển lãm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về đường Hồ Chí Minh trên biển và lực lượng Hải quân Việt Nam tại Cần Thơ. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đóng góp cho triển lãm thêm phong phú, nhằm giúp tuyên truyền biển, đảo sâu rộng hơn nữa trong toàn quân, toàn dân thành phố”.

Sau khi kết thúc triển lãm tại Cần Thơ, đoàn tiếp tục hành trình về Cà Mau, nơi đầu tiên tiếp nhận vũ khí của miền Bắc trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Thượng tá Lương Văn Quý chia sẻ: “Triển lãm tại Cà Mau xong, đoàn chúng tôi sẽ trở về triển lãm tại Hải Phòng. Đây là điểm cuối cùng của đợt triển lãm này. Thông qua các cuộc triển lãm, chúng tôi hy vọng góp phần nâng cao hơn nữa lòng tự hào của cán bộ, quân dân các tỉnh, thành về đường Hồ Chí Minh trên biển và ý thức về bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc”.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết