08/08/2011 - 08:50

Thế giới hối hả ngăn khủng hoảng tài chính

Các thương gia theo dõi chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch New York. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tổ chức thảo luận khẩn cấp về khủng hoảng nợ đang diễn ra cùng lúc ở châu Âu và Mỹ nhằm ngăn chặn nguy cơ gây ra bất ổn trên các thị trường tài chính.

Kinh tế toàn cầu trì trệ, khủng hoảng nợ ở châu Âu và tranh cãi ngân sách ở Mỹ, tất cả kết hợp lại vào cuối tuần qua tạo ra “cơn bão” quét sạch 2.500 tỉ USD khỏi các thị trường chứng khoán thế giới. Tâm lý hoang mang bắt đầu gia tăng khi hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s hạ định mức tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+, cộng với lãi trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý tăng lên tới 6,09%, nhỉnh hơn của Tây Ban Nha 6,04% và xấp xỉ mức từng buộc Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải cầu cứu Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán thế giới dường như đang rơi tự do khi cổ phiếu trải qua đợt rớt giá thê thảm chưa từng thấy kể từ năm 2008.

Trong nỗ lực tìm giải pháp chung ngăn chặn tâm lý lo lắng lan rộng, các Bộ trưởng Tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), trong đó nhiều người còn đang trong kỳ nghỉ, đã tổ chức điện đàm khẩn cấp hôm 6-8. Bộ trưởng Tài chính Pháp Francois Baroin cho biết ông đã liên lạc với các nhà lãnh đạo đồng cấp trong 24 giờ qua và họ đang quan sát cẩn trọng diễn biến xem điều gì có thể xảy ra vào hôm nay 8-8. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne thì cho rằng ông đang giục các nước giàu hơn trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) như Đức và Pháp ủng hộ giải pháp cấp bách về việc phát hành “trái phiếu euro”. Giải pháp này có nghĩa là các nước giàu hơn sẽ “bảo hiểm” nợ cho các nước nghèo hơn trong Eurozone, đổi lại họ tăng “tiếng nói” chính thức trong điều hành kinh tế tương lai của khối. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã hội ý với Thủ tướng Anh David Cameron, nhưng họ chưa quyết định liệu có cần tổ chức cuộc họp G7 khẩn cấp hay không, dù Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đề nghị G7 nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp trong vòng vài tuần.

Trong khi đó, các thị trường hồi hộp theo dõi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu mua nợ của Ý và Tây Ban Nha hôm nay 8-8 trong nỗ lực của ECB nhằm ổn định giá trái phiếu hai nước này. Nguy cơ là nếu sức ép gia tăng lên trái phiếu Ý và Tây Ban Nha, hệ thống ngân hàng châu Âu có thể suy yếu và không đủ sức ngăn chặn hai nền kinh tế lớn ở châu Âu thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama hôm qua một lần nữa gọi điện cho các nghị sĩ, đề nghị gác bỏ chuyện đấu đá chính trị sang một bên để cùng bàn bạc và thiết lập trật tự tài chính, cũng như kích thích kinh tế. Các hãng xếp hạng tín nhiệm khác như Moody’s và Fithch cho biết hiện tại họ chưa có kế hoạch “theo chân” Standard & Poor’s đưa Mỹ khỏi danh sách những nước vay nợ an toàn. Tuy nhiên, lãi trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đã giảm còn 2,3%, mức thấp nhất kể từ đỉnh điểm khủng hoảng tài chính năm 2008.

N. MINH (Theo Guardian, Reuters, WSJ)

Chia sẻ bài viết