07/05/2020 - 10:10

Thầy Nhàn của sinh viên nghèo 

Giữa tháng 4,  trên mạng xã hội, trang cá nhân của anh Phạm Ngọc Nhàn - 35 tuổi, giảng viên Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ - đăng bài kêu gọi bạn bè giúp đỡ em Phạm Thanh Nhựt. Thanh Nhựt bị ung thư máu và là cựu sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, đã tốt nghiệp được 3 năm.

Anh Phạm Ngọc Nhàn (thứ ba từ phải sang) và bạn bè đến thăm sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hành trình duy trì sự sống cho một cựu sinh viên

“Bữa đó, tôi đang ngủ thì nhận được cuộc gọi của một bạn cựu cán bộ Đoàn báo về hoàn cảnh của Nhựt. Lúc đó đã 1 giờ sáng rồi, nghe điện thoại xong tôi không ngủ được. Tôi thương em quá, vì đời Nhựt là tột cùng khổ cực!” - anh Nhàn kể.

Anh Nhàn là Bí thư Đoàn khoa Phát triển nông thôn giai đoạn 2011-2019. Đó cũng là thời gian Nhựt theo học ở trường. Anh Nhàn nói, ấn tượng về Nhựt là sự nhiệt tình trong công tác Đoàn. Nhựt học ngành Kỹ thuật công trình xây dựng khóa 38 nên trong 2 năm 2014 và 2015, khi Đoàn khoa tổ chức xây dựng 2.500m đường tặng người dân ở ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, chính Nhựt là người phụ trách quản lý, tổ chức làm đường.

Công trình, phần việc thanh niên của Đoàn khoa đều có Nhựt tham gia. Những ngày thầy trò làm công tác tình nguyện, anh Nhàn biết gia đình Nhựt rất khó khăn, vì chỉ có 2 công đất trồng dừa. Cha mẹ Nhựt đều lớn tuổi.

Phạm Thanh Nhựt quê ở ấp Giồng Hổ, xã Thới Lai, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Cuối năm 2017, Nhựt tốt nghiệp đại học và làm việc trong một công ty ở TP Cần Thơ. Nhựt chưa kịp đền đáp công ơn đấng sinh thành thì đầu năm 2019 cha của em không may qua đời.

Sau đó, mẹ của Nhựt cũng có dấu hiệu bệnh về thần kinh. Nhựt nghỉ việc ở TP Cần Thơ để về TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, xin việc vì ở Tiền Giang, Nhựt sẽ dễ chăm sóc mẹ. Thanh Nhựt mới được ký hợp đồng chính thức, lương cao hơn một chút thì thấy trong người không khỏe, đi khám bệnh, phát hiện bị ung thư máu. Nhà quá khó khăn nên Nhựt quyết định không điều trị.

“Tôi gọi điện qua động viên Nhựt cố gắng chữa trị, còn nước là còn tát. Sau đó, tôi tổ chức vận động bạn bè để giúp Nhựt trị bệnh. Các thầy cô, bạn bè, sinh viên và cựu sinh viên ở trường cũng chung tay vận động cùng tôi. Đến nay, tổng số tiền được hơn 200 triệu đồng” - anh Nhàn cho biết.

Do dịch bệnh COVID-19 nên rất khó trực tiếp đến thăm Nhựt. Vì vậy, anh Nhàn đã chuyển tiền qua giúp Nhựt. Đồng thời, anh thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên Nhựt.

Qua điện thoại, Nhựt chia sẻ với tôi: “Các anh, chị của em đã lập gia đình và ra ở riêng nhưng ai cũng chật vật về kinh tế. Nhà còn có hai mẹ con nhưng trí nhớ của mẹ em không được tốt, đi lại cũng khó khăn nên khi biết bị bệnh, em chỉ muốn buông xuôi. Nhờ thầy Nhàn và mọi người giúp đỡ nên gia đình em mới có tiền để điều trị bệnh. Em vừa hóa trị đợt 1 ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Bác sĩ nói em sẽ còn điều trị rất lâu, tốn kém nhiều tiền. Nhưng điều quan trọng là giờ em có được niềm tin. Em rất cảm động trước tình cảm của thầy Nhàn và các bạn. Em sẽ cố gắng!”.

Đồng hành cùng sinh viên nghèo

Trong 11 năm công tác ở Trường Đại học Cần Thơ, anh Phạm Ngọc Nhàn đã vận động giúp đỡ nhiều sinh viên bị bệnh hiểm nghèo. Cụ thể như trường hợp của Nguyễn Trần Hoàng Nhân, sinh viên lớp Nuôi trồng thủy sản khóa 42. Ba năm trước, Nhân bị ung thư hạch. Anh Nhàn và bạn bè vận động giúp Nhân được hơn 20 triệu đồng. Hiện nay, Nhân đã khỏe và đi học lại. Cũng có sinh viên, anh Nhàn và bạn bè đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không giúp được.

Đó là chuyện của em Lê Hữu Nhật, sinh viên ngành Nông học khóa 39, quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Năm 2017, Nhật bị bệnh nặng, điều trị ở Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Cần Thơ. Hay tin Nhật bị bệnh, anh Nhàn vận động được 17 triệu đồng tặng em.

“Lúc đó là Tết rồi nhưng Nhật vẫn đang điều trị ở bệnh viện. Tôi đi chợ, mua thịt kho tàu, rồi mang vô ăn Tết với hai mẹ con em. Hai tháng sau thì Nhật mất. Cuộc đời, đôi khi ta thấy bất lực là vậy. Điều quan trọng là tôi và bạn bè đều cùng một suy nghĩ là không để các sinh viên đơn độc khi rơi vào cảnh ngặt nghèo” - anh Nhàn tâm sự.

Trong gần 2 tuần, anh Nhàn đã vận động được hơn 200 triệu đồng để giúp đỡ cho cựu sinh viên Phạm Thanh Nhựt. Ảnh: PHẠM TRUNG

Khi còn là Bí thư Đoàn khoa Phát triển nông thôn, anh Nhàn và Ban Chấp hành Đoàn khoa đã nghĩ ra nhiều mô hình hỗ trợ sinh viên. Có năm, anh Nhàn và bạn bè góp được 30 triệu đồng. Sau đó, mọi người lập danh sách các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh ĐBSCL rồi tổ chức đến thăm vào dịp Tết Nguyên đán.

Anh Nhàn còn là người có ý tưởng thành lập mô hình “Quán cà phê thanh niên” ở khu Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, để tạo việc làm cho những sinh viên nghèo, mồ côi. Các sinh viên giờ rảnh đến bán cà phê, kiếm thêm vài chục ngàn đồng mỗi ngày để trang trải chi phí học tập, đỡ phần nào cho gia đình. Đặc biệt, lợi nhuận của quán cà phê sẽ được Đoàn khoa Phát triển nông thôn dành cho các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ trẻ em nghèo, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng…

Ở quán cà phê thanh niên, có 1 sinh viên đặc biệt khó khăn là Trần Nguyễn Phương Thảo, sinh viên ngành Việt Nam học khóa 43, quê ở quận Bình Thủy. Năm 2019, chỉ trong 3 tháng, cha và mẹ Thảo lần lượt qua đời vì tai nạn. Phương Thảo đau buồn, rơi vào bế tắc và có ý định nghỉ học để đi làm kiếm sống. Anh Nhàn đến an ủi, động viên Thảo tiếp tục học. Đồng thời giới thiệu Phương Thảo vào làm ở quán cà phê thanh niên.

Anh Nhàn và bạn bè còn giúp đỡ Thảo trong học tập. Đến nay, Phương Thảo đã học năm thứ ba. Thảo kể: “Thầy Nhàn luôn khích lệ em đi học để có nghề nghiệp ổn định mai sau. Không những vậy, thầy Nhàn và các thầy cô, bạn bè còn hỗ trợ em mỗi tháng 800.000 đồng, hướng dẫn em bán hàng qua mạng. Nhờ vậy, hiện nay em đã tự lo được cho bản thân”.

Anh Phạm Ngọc Nhàn đang phụ trách giảng dạy môn Nghiên cứu khoa học. Những năm qua, anh Nhàn luôn đồng hành nhiều sinh viên thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học, như: hỗ trợ sinh viên Võ Văn Dãnh, ngành Luật Thương mại khóa 37 thực hiện đề tài “Nghiên cứu chính sách hỗ trợ và tính hiệu lực của những chính sách đó trên thực tế đối với nông dân trồng mía tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”; hỗ trợ Hà Bảo Trân, sinh viên ngành Luật Hành chính khóa 38, thực hiện đề tài “Đánh giá tác động của mạng xã hội đến thời gian tự học của sinh viên Trường Đại học Cần Thơ”; tham gia giúp đỡ sinh viên Trương Thanh Danh, ngành Khuyến nông khóa 39 nghiên cứu về tốc độ tăng trưởng của lươn đồng bằng các loại giá thể khác nhau…

Năm 2019, anh Nhàn hướng dẫn sinh viên Lê Đức Huy, ngành Kỹ thuật nông nghiệp khóa 41 thực hiện đề tài “Nghiên cứu và thiết kế hệ thống quan trắc dùng trong thí nghiệm nông nghiệp - Trường hợp nghiên cứu trên cây bắp tại xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang”.

Mục đích ứng dụng hệ thống quan trắc thông minh giúp nông dân kiểm soát được lượng nước tưới trên cây bắp, thích ứng tình hình hạn hán, thiếu nước hiện nay. Đề tài nghiên cứu của Huy đạt giải Nhất của hội nghị “Khoa học An toàn dinh dưỡng và an ninh lương thực lần thứ 2” do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Hơn 1 năm qua, anh Nhàn còn nghiên cứu đề tài chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Bến Tre do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh làm chủ đầu tư. Tháng 6-2020, anh Nhàn sẽ báo cáo đề tài với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh nhằm tìm ra giải pháp giúp người dân có được những mô hình kinh tế phù hợp.

Hiện nay, anh Nhàn còn là điều phối viên của một tổ chức phi chính phủ để giúp đưa điện sinh hoạt đến 500 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh An Giang.

“Sắp tới, ngoài nghiên cứu khoa học, tôi sẽ tham gia vào các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ hướng đến bảo vệ quyền lợi trẻ em, người dân tộc, phụ nữ nghèo ở vùng ĐBSCL. Tôi cũng muốn thành lập một quỹ học bổng giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để các em có thêm nhiều cơ hội ở tương lai. Để các em, dù cho số phận không may mắn vẫn có thể chạm đến những ước mơ của cuộc đời mình” - anh Nhàn chia sẻ.

Tạm biệt tôi, anh Nhàn lại tất bật với công việc. Anh đang tranh thủ để tổ chức chuyến đi thăm Phạm Thanh Nhựt - một kỹ sư trẻ đang đếm thời gian từng ngày vì bạo bệnh. Với anh Nhàn, mỗi sinh viên đã và đang học ở trường đều là một đứa em trong gia đình của anh, không thể bỏ mặc nếu biết các em gặp khó khăn...

PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
bệnh COVID-19