23/08/2017 - 15:06

Thay đổi hành vi, tái hòa nhập cộng đồng 

Qua 6 năm (2011-2016) thực hiện Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, TP Cần Thơ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Song, tình hình mại dâm trên địa bàn vẫn diễn biến khá phức tạp, gây khó khăn cho ngành chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn này.

Chị, em mại dâm hoàn lương tham gia sinh hoạt chủ đề phòng, chống mại dâm và hỗ trợ sinh kế cho người mại dâm hoàn lương, tại Câu lạc bộ Hồi Gia. Ảnh: THẢO MỘC 

Giúp chị em tái hòa nhập cộng đồng

Với các hoạt động tiếp cận, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi, tổ chức thực hiện các hoạt động sinh kế, Câu lạc bộ (CLB) “Chúng tôi là phụ nữ” ở TP Cần Thơ từng bước giúp phụ nữ nghiện ma túy đang hoạt động bán dâm có điều kiện cai nghiện và bỏ nghề. CLB này ra đời năm 2013, do Sở Lao động -Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp với tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam thành lập. Đây là một trong những hoạt động của Dự án do cơ quan phát triển quốc tế Úc tài trợ. Mục tiêu của Dự án nhằm cải thiện sức khỏe của 300 phụ nữ nghiện ma túy có bán dâm tại 3 quận: Ninh Kiều, Cái Răng và Bình Thủy.

CLB “Chúng tôi là phụ nữ” do đại diện của nhóm nghiện ma túy có bán dâm điều hành. CLB tạo điều kiện tối đa cho các phụ nữ nghiện ma túy có bán dâm cai nghiện thành công và hoàn lương, trở về hòa nhập cộng đồng, cải thiện cuộc sống một cách tốt nhất. Chị N.T.H., ở quận Ninh Kiều, thành viên CLB, cho biết: “Tham gia sinh hoạt CLB, tôi được cung cấp kiến thức về sức khỏe cũng như tác hại của ma túy và các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS. Từ đó, giúp tôi thay đổi hành vi trong cuộc sống thường ngày”. CLB “Chúng tôi là phụ nữ” còn là cầu nối, giúp các thành viên có nhu cầu vay vốn hỗ trợ làm kinh tế nhỏ của Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội thành phố.

6 năm qua, ngành chức năng thành phố đã khảo sát nhu cầu hỗ trợ đối với 188 trường hợp; giới thiệu 144 chị em vào học nghề, hỗ trợ dụng cụ học nghề tóc cho 10 chị tại cộng đồng. Đồng thời, giới thiệu 63 chị em được tiếp cận nguồn vốn vay; duy trì hoạt động Nhóm tiết kiệm tín dụng cho các chị em ở CLB “Chúng tôi là phụ nữ” tự quản lý có 16 người tham gia.

 Cần quy định chế tài chặt chẽ...

Hiện nay, TP Cần Thơ đang quản lý 2.279 cơ sở kinh doanh có điều kiện (906 cơ sở kinh doanh lưu trú; 242 karaoke, 2 vũ trường, 107 cơ sở xoa bóp massage...). Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Hoạt động mại dâm ngày càng tinh vi hơn, với nhiều hình thức biến tướng mới, sử dụng công nghệ thông tin nên rất khó phát hiện để đấu tranh phòng, chống. Ngoài ra, công tác hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người bán dâm từng lúc chưa được quan tâm đúng mức...

Qua 6 năm (2011-2016), lực lượng Công an TP Cần Thơ đã triệt phá 130 vụ, bắt 453 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm. Các ngành chức năng thành phố đã kiểm tra 5.084 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, kinh doanh ngành nghề có điều kiện, phát hiện 1.102 lượt cơ sở vi phạm không giấy phép, không hợp đồng, không giấy chứng nhận an ninh trật tự, bán quá giờ quy định xử phạt vi phạm hành chính 744 lượt cơ sở...

 

Để tháo gỡ khó khăn này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố đề ra các giải pháp: Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về pháp luật phòng, chống mại dâm cho các tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú phù hợp từng đối tượng, địa bàn, khu vực. Qua đó, giúp nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa và chủ động phát hiện, tố giác tội phạm về tệ nạn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình giảm tác hại lây nhiễm HIV/AIDS, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm thông qua các chương trình an sinh xã hội tại địa phương, như: đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm...

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ đã kiến nghị: Quốc hội cần nâng Pháp lệnh phòng, chống mại dâm thành Luật Phòng, chống mại dâm theo hướng mở rộng khái niệm mại dâm, làm cơ sở cho việc xây dựng các chế tài, phòng ngừa vi phạm trong cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh mại dâm và xử lý đối với hành vi mại dâm đồng tính, khiêu dâm, kích dục. Đồng thời, bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phối hợp liên ngành và xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tệ nạn xã hội. Ngoài ra, thành phố đề nghị mở rộng, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng, người bán dâm thuộc diện “người được trợ giúp pháp lý”, nhằm giúp họ được tiếp cận dịch vụ pháp lý thuận lợi hơn...

HIỂN DƯƠNG

Chia sẻ bài viết