28/04/2019 - 07:46

Điện ảnh Hàn Quốc

Thay đổi để thích ứng 

Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Quốc được gọi “rồng mới” của điện ảnh châu Á với tốc độ phát triển vượt bậc của ngành nghệ thuật thứ bảy. Ðể được biết đến là cường quốc giải trí, Hàn Quốc đã trải qua quá trình nỗ lực thay đổi và thích ứng với thị trường toàn cầu.

“Extreme Job”.

Hàn Quốc là một trong số những quốc gia có chính sách chấn hưng điện ảnh trong nước hiệu quả. Từ những năm 1990, Chính phủ nước này đã đưa ra hàng loạt quyết sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh, trong đó tập trung chủ yếu vào việc xây dựng nhân lực chất lượng và đầu tư cho nhiều dự án phim. Điều này đã tác động trực tiếp và làm gia tăng tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc giai đoạn đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, xu thế thị trường thay đổi và phim nội địa Hàn không còn được bảo chứng như trước. Thời gian chiếu rạp dành cho phim Hàn chỉ còn một nửa so với trước, chỉ khoảng 73 ngày. Áp lực cạnh tranh từ các phim nước ngoài đã khiến các nhà làm phim Hàn phải chủ động thay đổi, tìm tòi lối đi riêng, nâng cao chất lượng đầu ra của tác phẩm.

Một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của phim Hàn chính là chất lượng kịch bản. Những câu chuyện luôn mới lạ với các đề tài đa dạng, từ trinh thám, kinh dị, chính trị, lịch sử đến tâm lý, tình cảm… Vốn là quốc gia có tinh thần tự tôn dân tộc cao, không khó để nhận ra rằng chủ đề các phim lấy bối cảnh về thời chiến hoặc liên quan chính trị, lịch sử mang đề tài dân tộc, dân chủ được các nhà làm phim khai thác rất rốt và trở thành “đặc sản” của điện ảnh Hàn. Hàng loạt phim ăn khách, được quốc tế chú ý đến đều liên quan những đề tài này, như: “The adminral: Roaring Currents” (2014), “Ode To My Father” (2014), “The Throne” (2015), “The Age of Shadow” (2016), “A Taxi Driver” (2017), “1987: When the Days Come” (2017), “The Spy Gone North” (2018)… Trong đó, “The adminral: Roaring Currents” là tác phẩm ăn khách nhất lịch sử phòng vé Hàn với hơn 17,6 triệu lượt vé được bán ra; còn “Ode To My Father” cũng là phim ăn khách thứ tư trong lịch sử điện ảnh Hàn, được tờ Nytimes ngợi khen đậm chất nhân văn, ngập tràn cảm xúc.  

Với sự sáng tạo không ngừng, các nhà làm phim Hàn còn theo đuổi những đề tài gai góc, mới mẻ như: xác sống, quái vật, đồng tính, thế giới ma quỷ, linh hồn… Hàng loạt những tác phẩm thành công như: “King And The Clown” (2005), “Welcome to Dongmakgol” (2005), “The Host” (2006), “Take Off” (2009), “Snowpiercer” (2013), “The Handmaiden” (2015), “The Wailing” (2016), “Train to Busan” (2016), “Along With the Gods” (2017 và 2018)… chứng minh cho sự thích ứng và nhanh nhạy của các nhà làm phim Hàn. Từ thành công của “The Host” đến “The Wailing”, “Train to Busan”, điện ảnh Hàn có thêm đặc sản mới ở thể loại kinh dị. Theo thống kê mới nhất của Hội đồng Xúc tiến phim Hàn Quốc vào tháng 2-2019, lịch sử điện ảnh Hàn ghi nhận có 18 phim đạt trên 10 triệu lượt vé, cũng là những tác phẩm ăn khách nhất lịch sử Hàn. Trong danh sách này 1/3 là phim lịch sử - chính trị, 1/3 là kinh dị và 1/3 còn lại là hành động tội phạm và những đề tài lạ.

Sức hút của điện ảnh Hàn còn ở khía cạnh nghệ thuật. Trong các tác phẩm, các nhà làm phim luôn cân bằng yếu tố giữa nghệ thuật và thực tế thương mại. Do đó, cũng dễ hiểu khi hầu hết những phim ăn khách của Hàn đều được đánh giá cao về nghệ thuật. Ví như “King And The Clown” - tác phẩm đề tài lịch sử khai thác nghệ thuật dân gian và đồng tính trong bối cảnh xưa. Khi đó, “King And The Clown” được đánh giá là tác phẩm đẹp, đặc sắc đầy tính nghệ thuật và nó nằm trong danh sách 18 phim ăn khách của Hàn. Một số tác phẩm khác gây chú ý gần đây là “Burning” (2018) và “Extreme Job” (2019). “Burning” gây ấn tượng ở các giải chuyên môn như Liên quan phim quốc tế Cannes 2018, Oscar 2019, AFA 2019. Trong khi đó, “Extreme Job” áp đảo ở phòng vé với 16,47 triệu vé được bán ra và chiếm ngôi vị thứ hai phim ăn khách nhất.

Điện ảnh Hàn thành công do vừa thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường, vừa giữ bản sắc riêng.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Variety, Koreatimes, Soompi)

Chia sẻ bài viết